Các di tích chủ động tìm kiếm hướng đi mới, thu hút du khách

16:29 | 16/05/2020
Mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội song song với các biện pháp nhằm tiếp tục thực hiện phòng chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế, các di tích trên địa bàn Thủ đô đều đa dạng hóa nội dung, sản phẩm và có nhiều chính sách mới để thu hút du khách.    
cac di tich chu dong tim kiem huong di moi thu hut du khach Các di tích mở cửa trở lại, đẩy mạnh thu hút khách tham quan
cac di tich chu dong tim kiem huong di moi thu hut du khach Chiêm ngưỡng nơi ở và làm việc của Bác Hồ những năm cuối đời
cac di tich chu dong tim kiem huong di moi thu hut du khach Khai mạc Triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tiêu biểu nhằm khắc phục những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, khu di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chủ động tìm kiếm những hướng đi mới để thu hút khách tham quan sau dịch bệnh. Chất lượng phục vụ được chú trọng từ phong cách đến các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

cac di tich chu dong tim kiem huong di moi thu hut du khach
Các bạn trẻ háo hức nhận những phần quà lưu niệm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò

Ông Đặng Văn Biểu, Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết trong thời gian giãn cách, cán bộ di tích đã được đào tạo, tăng cường công tác chuyên môn, tăng cường đi sưu tầm, trưng bày các chuyên đề. Các triển lãm trưng bày không chỉ là hoạt động phục vụ chính trị của đất nước, Thủ đô mà còn là thông điệp để gửi gắm cho thế hệ trẻ hãy làm điều gì đó để tri ân cán bộ lão thành cách mạng và những người đã khuất. Hơn nữa từ những tấm gương trung kiên, bất khuất đó, thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

“Khi mở cửa quay trở lại chúng tôi sẽ đặt ra những tiêu chí kích cầu như Ban quản lý chuẩn bị nhiều phần quà gắn với di tích như lá bàng in bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quả bàng gắn logo… dành tặng cho 500 du khách đầu tiên ghé thăm di tích để khi ra về mỗi du khách đều mang theo một câu chuyện cảm động, hấp dẫn về Nhà tù Hỏa Lò - một điểm đến của những người yêu lịch sử và hòa bình”, ông Biểu cho hay.

Bên cạnh đó, du khách được nghe thuyết minh viên kể các câu chuyện về nhân vật, sự kiện có liên quan đến Nhà tù Hỏa Lò, về nội dung hiện vật trưng bày tại di tích. Du khách được xem và lắng đọng cảm xúc cùng những thước phim tư liệu tái hiện về cuộc sống, sinh hoạt, việc học tập, đấu tranh của những chiến sỹ cộng sản kiên trung tại Nhà tù Hỏa Lò trong giai đoạn đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Đặc biệt du khách được trải nghiệm hệ thống thuyết minh tự động với 35 câu chuyện xúc động, hấp dẫn về những nhân vật, sự kiện, hiện vật tiêu biểu gắn liền với di tích.

Tương tự, tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mở cửa trở lại nơi đây tiếp tục phát triển những sản phẩm lưu niệm chuyên biệt gắn với những giá trị đặc trưng của khu di tích. Cùng với đó, Trung tâm phát triển những sản phẩm, dịch vụ, du lịch, văn hóa, giáo dục gắn liền với truyền thống của người Việt Nam, gắn liền với giá trị giáo dục, giá trị cốt lõi của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Những họa tiết, hoa văn đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng với những hình ảnh gắn với truyền thống học tập và khoa bảng của Việt Nam, được sản xuất tại các làng nghề truyền thống, bằng những chất liệu thân thiện với môi trường như tre, gỗ, vải, bèo… được thiết kế bằng những góc nhìn mới mang tính đương đại để tạo nên nét đặc trưng riêng. Mỗi sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như một “đại sứ thương hiệu” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Bà Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Thời gian tới, các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích cũng được đẩy mạnh, trong đó chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác. Điều này có thể giúp các em học sinh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiểu hơn về di sản và nhận thức được các giá trị đa dạng của di tích, phát triển được nhiều kỹ năng thông qua các hoạt động trải nghiệm chủ động, tích cực, sáng tạo.

Để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, Trung tâm xây dựng những đề án số hóa, toàn bộ số liệu di tích để phục vụ việc tra cứu của các dòng họ, doanh nhân, tra cứu tiến sĩ..., áp dụng công nghệ hiện đại, hướng tới sử dụng công nghệ hiện đại để nói lên các câu chuyện truyền thống”.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này