Có được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bổ sung ngoài phần doanh nghiệp đóng?

12:06 | 13/08/2020
Chị Đỗ Thị Thanh Vân (Hà Nội) hỏi: Người lao động có được chấp thuận tự nguyện đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bổ sung ngoài phần doanh nghiệp đã đóng hay không? 
Gần 90.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình
Nghiên cứu giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hộ nghèo được hỗ trợ 46.200 đồng/tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chị Đỗ Thị Thanh Vân (Hà Nội) hỏi: Do khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong Quý 3/2020, doanh nghiệp tôi cho 20% người lao động (đa số là lao động không xác định thời hạn) đi làm bán thời gian. Tiền lương chức danh được doanh nghiệp lấy làm cơ sở đóng bảo hiểm.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương bằng khoảng 60% mức đóng theo lương chức danh trước đây. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính bình quân lương hưu trên cơ sở bình quân mức lương đóng bảo hiểm nên rất thiệt thòi cho người lao động.

Vậy, xin cơ quan Bảo hiểm xã hội cho biết: Người lao động có được chấp thuận tự nguyện đóng thêm bổ sung ngoài phần doanh nghiệp đóng, để bằng với mức lương chức danh đang đóng trước đây để đỡ thiệt thòi hay không?

co duoc dong bao hiem xa hoi tu nguyen bo sung ngoai phan doanh nghiep dong
Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tới người dân

- Nội dung chị hỏi, Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết:

- Về hình thức và đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội: Theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Cũng theo Luật Bảo hiểm xã hội, tại điểm a, b khoản 1, Điều 2 quy định: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (áp dụng từ 1/1/2018) thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Về quyền lợi của người lao động làm việc không trọn thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: Căn cứ khoản 3, Điều 34 Bộ luật Lao động 2012 quy định, người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Theo Quy định tại khoản 3, Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”. Đồng thời theo nguyên tắc mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.

Mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương được thực hiện theo khoản 1, Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm.

a. Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

b. Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp nếu muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người tham gia thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, theo như thông tin chị cung cấp: Người lao động tại doanh nghiệp của chị làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn, đang thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội nên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này