Cựu thanh tra tỉnh lừa đảo chạy việc lĩnh án

16:46 | 25/02/2021
Tự tung tin bản thân quen biết với lãnh đạo nhiều tỉnh thành và có khả năng xin việc trong các ngành Y tế, Công an, bị cáo Nguyễn Thị Bình đã lừa đảo hàng trăm triệu đồng của các nạn nhân.
Lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ với chiêu trò chạy việc ngân hàng Lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng với chiêu trò chạy việc vào ngành Công an

Ngày 24/2, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1979, trú tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); Nguyễn Quang Khi (sinh năm 1947) và Đinh Văn Việt (sinh năm 1969) đều ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Trước đó, với hành vi chiếm đoạt tiền của nhiều người, tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt Nguyễn Thị Bình – chủ mưu vụ án 12 năm tù. 2 bị cáo Khi và Việt lần lượt lĩnh mức án 7 năm tù và 8 năm tù.

Sau phiên tòa sơ thẩm nêu trên, Nguyễn Quang Khi và Đinh Văn Việt đồng loạt kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Nguyễn Thị Bình không kháng cáo và không bị kháng nghị.

Cựu thanh tra tỉnh lừa đảo chạy việc lĩnh án
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm giữa năm 2020.

Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Bình là cán bộ thanh tra tỉnh Hòa Bình. Từ năm 2010-2016, Bình tung thông tin gian dối là có mối quan hệ với lãnh đạo nhiều sở ngành các tỉnh, có thể lo xin việc cho người khác tại các ngành Y tế, Giáo dục, Công an…

Năm 2013, Bình gặp và quen Nguyễn Quang Khi. Cả hai thỏa thuận, nếu Khi tìm được người có nhu cầu vào công chức, biên chế cơ quan Nhà nước thì giới thiệu cho Bình và Khi sẽ được hưởng hoa hồng. Bình đưa ra mức giá 140 triệu đồng cho một chỉ tiêu xin việc. Sau cuộc nói chuyện với Bình, Khi tìm Việt để trao đổi và rủ người này cùng tham gia.

Từ năm 2013 - 2016, Việt đã nhận số tiền 960 triệu đồng của 4 trường hợp để xin việc làm diện vào biên chế nhà nước. Các bị cáo nhận tiền nhưng không thực hiện theo cam kết mà chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Một trong số các bị hại trong vụ án phải kể đến bà Đặng Thị G. Tháng 3/2016, Việt gặp và trao đổi với bà G về việc bị cáo quen biết nhiều người có khả năng xin việc, xin công chức ngành Y tế.

Do tin tưởng nên bà G. nhờ Việt xin cho con trai vào biên chế công chức tại Bệnh viện huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Việt đồng ý, yêu cầu bà G đưa 230 triệu đồng cùng bộ hồ sơ xin việc.

Theo lời khai của Việt, bị cáo đã đưa cho Khi 200 triệu đồng cùng bộ hồ sơ của con trai bà G. Khi sau đó giao lại bộ hồ sơ cho Nguyễn Thị Bình kèm theo 180 triệu đồng để nhờ “chạy việc” cho con bà G.

Là một nạn nhân khác trong vụ án, khoảng tháng 5/2013, ông Chu Công T nhờ Việt xin cho con trai vào làm công chức tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Việt yêu cầu ông T đưa 100 triệu đồng để đăng ký dự thi công chức.

Nhưng do con trai ông T không trúng tuyển nên Việt đã nói với ông T “chạy” vào Kho bạc nhà nước với giá 150 triệu đồng. Lần này, con trai ông T vẫn không trúng tuyển. Việt tiếp tục gạ ông T đưa tiếp 100 triệu đồng để xin vào Liên minh hợp tác xã Việt Nam nhưng bất thành.

Quá trình giải quyết vụ án, Việt khai nhận đã đưa 350 triệu đồng cho Khi. Khi đã chuyển 320 triệu đồng cho Bình. Mặc dù cầm tiền nhưng Bình không thực hiện như cam kết. Hiện, ông T đã nhận lại 340 triệu đồng.

Ngoài ra còn 2 trường hợp khác cũng mất tiền oan với nữ thanh tra tỉnh. Cơ quan điều tra xác định, Việt hưởng lợi bất chính 100 triệu đồng, Khi hưởng lợi 40 triệu đồng và Bình nhận 820 triệu đồng nhưng sử dụng hết vào mục đích cá nhân.

Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Khi và bị cáo Việt vẫn giữ nguyên kháng cáo kêu oan, nhưng không xuất trình được tài liệu gì để minh oan cho mình. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định tuyên y án sơ thẩm đối với cả 2 bị cáo.

L.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này