Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn khá phổ biến

19:50 | 06/03/2021
Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn khá phổ biến, với tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong cả nước trong 2 tháng đầu năm lên tới 26.592 tỷ đồng.
Đẩy mạnh thanh, kiểm tra các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội Danh sách 150 doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô nợ tiền bảo hiểm xã hội Doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm, người lao động chốt sổ thế nào?

Thông tin trên được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra tại Hội nghị giao ban cơ quan tháng 3/2021 với các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ngày 5/3.

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn khá phổ biến
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm, toàn ngành đã phát triển 98.037 người tham gia bảo hiểm xã hội, đưa tổng số người tham gia tính đến ngày 28/2 lên con số 16,03 triệu người (đạt 32,27% lực lượng lao động trong độ tuổi); tăng mới 47.268 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Toàn ngành đã phát triển mới 1.445.187 người tham gia bảo hiểm y tế, nâng tổng số tham gia bảo hiểm y tế trong cả nước lên 86,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,65% dân số.

Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong 2 tháng đầu năm vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn khá phổ biến, với tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong cả nước lên tới 26.592 tỷ đồng. Đặc biệt, số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn có chiều hướng gia tăng.

Theo đó, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp, như: Cần thực hiện rà soát số liệu từ cơ quan Thuế và Kế hoạch Đầu tư làm căn cứ triển khai các hoạt động phát triển đối tượng. Rà soát, phân nhóm các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để xác định các nhóm cần ưu tiên phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, năm 2021 có nhiều thách thức với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, phương hướng nhiệm vụ mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt ra với Bảo hiểm xã hội các địa phương là triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tháng 3 và những tháng tiếp theo.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này