Gói hỗ trợ an sinh đang được triển khai khẩn trương, đúng hướng

10:00 | 06/08/2021
Việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đang đi đúng hướng, thiết thực và phù hợp với điều kiện hiện nay. Vấn đề các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai theo phương châm đúng người, đúng đối tượng.
Kịp thời chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội Hướng dẫn tổ chức thực hiện gói an sinh xã hội đối với nhóm lao động tự do tại Hà Nội Hà Nội hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã nhận định như vậy tại hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 5/8.

560.000 lao động tự do đã nhận kinh phí hỗ trợ an sinh xã hội

Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, các Bộ, ngành và địa phương tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, Quyết định số 23; ban hành đầy đủ các Kế hoạch/Quyết định và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp, ngành, trong đó phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp cơ sở; công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, thực hiện đồng bộ, đầy đủ, công khai từ Trung ương đến địa phương để người dân, người lao động, doanh nghiệp và cán bộ cơ sở biết, nắm vững và thực hiện.

Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam đã khẩn trương phê duyệt danh sách và chi trả hỗ trợ tiền mặt cho nhóm lao động tự do và các đối tượng đặc thù, kịp thời hỗ trợ người dân bảo đảm cuộc sống. Thời điểm này, nhiều địa phương đã tích cực triển khai 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Gói hỗ trợ an sinh đang được triển khai khẩn trương, đúng hướng
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Bộ LĐ-TB&XH)

Về kết quả triển khai đến thời điểm này, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,2 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ người lao động phòng, chống dịch Covid-19.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã có hơn 124.000 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được xác nhận, làm căn cứ để Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em đã có 32/63 tỉnh, thành phố thực hiện với hơn 65.000 trẻ đối tượng F0, F1 và một số trường hợp đặc biệt khác được hỗ trợ.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác đã có 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ với gần 765.000 lao động, trong đó có hơn 560.000 người đã nhận kinh phí với tổng số tiền gần 790 tỷ đồng...

Tiếp tục năng động, sáng tạo, tìm ra cách làm mới

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn chỉ rõ vẫn còn sự chậm trễ trong triển khai chính sách tại một số địa phương.

Gói hỗ trợ an sinh đang được triển khai khẩn trương, đúng hướng
Trao hỗ trợ an sinh cho lao động tự do tại quận Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh minh họa: Minh Ngọc)

Nhấn mạnh việc người dân khát khao, cần lắm sự hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương tiếp tục năng động, sáng tạo, tìm ra những cách làm mới, tốt hơn, chủ động đưa gói hỗ trợ đến với các đối tượng cần hỗ trợ. Cùng đó, các địa phương cần tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống nhóm đối tượng lao động tự do nhất là các khu vực giãn cách xã hội, phong tỏa; vận động cộng đồng, toàn dân thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các tỉnh, thành phố chia 3 nhóm để thực hiện: Các tỉnh đang bình yên, ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 phấn đấu trong 10 ngày giải quyết xong các chính hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật” và các chính sách liên quan đến BHXH.

Nhóm các tỉnh có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 16 cần phân loại 3 nhóm hỗ trợ, nhóm hỗ trợ tiền mặt thì khẩn trương triển khai cùng đó tập trung triển khai các chính sách giãn hoãn, miễn đóng từ BHXH và chính sách hỗ trợ tiền lương cho vay. Riêng nhóm 26 tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16, lúc này tập trung cái ăn, mặc cho người dân, lao động trên nguyên tắc đảm bảo người dân không bị thiếu đói.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND cấp huyện, xã khẩn trương lập danh sách, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi trả hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng, trong đó cần đẩy mạnh việc nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ bưu chính, Cổng dịch vụ công quốc gia để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này