Nhân viên, giáo viên nghỉ việc không hưởng lương do Covid-19, đóng nối thẻ BHYT thế nào?

22:38 | 07/08/2021
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nhiều người lao động phải tạm nghỉ việc không hưởng lương, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đóng nối tiếp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian được tính tham gia BHYT 5 năm liên tục, cũng như quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người lao động.
Hà Nội: Tạm thời không in thẻ bảo hiểm y tế giấy đối với một số trường hợp Đảm bảo, hỗ trợ tốt nhất quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế trong bối cảnh dịch bệnh Làm thế nào để giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong thời gian giãn cách xã hội?

Chị Đinh Thị Bích Huệ (Email: bichhue...@gmail.com) thay mặt cán bộ, giáo viên tại đơn vị gửi email cho biết: Đơn vị tôi là trường mầm non tư thục, từ ngày 3/5/2021 đến nay, chúng tôi phải đóng cửa tạm dừng hoạt động theo Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội. Cũng từ thời điểm đó, đơn vị đã báo giảm, nghỉ không lương cho nhân viên, giáo viên.

Nhân viên, giáo viên nghỉ việc không hưởng lương do Covid-19, đóng nối thẻ BHYT thế nào?
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhân viên, giáo viên Mầm non ngoài công lập gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu của đơn vị, được biết khi nghỉ việc không lương, người lao động sẽ bị cắt BHYT; đồng thời, nếu thời gian đóng BHYT gián đoạn quá 3 tháng, người lao động sẽ mất thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người lao động.

Do vậy, chúng tôi muốn hỏi, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội có hỗ trợ người lao động đóng nối tiếp thẻ BHYT để được tính thời gian 5 năm liên tục trong trường hợp đơn vị bị ngừng hoạt động quá 3 tháng hay không? hoặc cho phép người lao động được đăng ký mua BHYT trong thời gian ngừng việc do dịch Covid-19 không? bởi đơn vị chúng tôi ngừng hoạt động theo yêu cầu của các cơ quan chức năng cấp trên, chứ không phải do đơn vị tự cho người lao động nghỉ việc không lương?

- Giải đáp vấn đề trên, Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Căn cứ Khoản 5 Điều 12 tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số Điều của Luật Bảo hiểm y tế: “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng”.

Căn cứ Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 50 quy trình thu bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; Quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động nghỉ việc, thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động thì đơn vị sử dụng lao động kịp thời lập hồ sơ gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để báo giảm (dừng) tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT đối với người lao động.

Nội dung đơn vị hỏi, hiện nay đang là vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách. Từ ý kiến của người lao động, một số Bộ, ngành đã có ý kiến đề xuất các phương án và đang chờ hướng dẫn. Do vậy, chúng tôi xin ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của người lao động tại đơn vị, và sẽ tiếp tục phản ánh nguyện vọng lên các cơ quan cấp trên.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này