Công đoàn Thủ đô: Vừa phòng, chống dịch vừa chăm lo, hỗ trợ đoàn viên

18:23 | 24/09/2021
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và những tác động, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã vừa tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa tăng cường hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) bằng tiền mặt và nhiều hình thức khác.
Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác trọng tâm của tổ chức Công đoàn Thủ đô Mục tiêu quan trọng để tổ chức Công đoàn lớn mạnh Chủ động phương án triển khai các nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô

Trên 80 ngàn công nhân lao động bị mất việc, thiếu việc vì dịch Covid-19

Theo báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, tới thời điểm ngày 24/9, trong đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô có 619 trường hợp F0, 2.937 trường hợp F1; 6.664 trường hợp F2; 13.536 trường hợp F3, F4.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến 399 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 1.713 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động, 80.076 công nhân lao động (CNLĐ) bị mất việc làm, thiếu việc làm, trong đó 19.188 CNLĐ bị mất việc làm, 60.888 CNLĐ thiếu việc làm.

Công đoàn Thủ đô: Vừa phòng, chống dịch vừa chăm lo, hỗ trợ đoàn viên
LĐLĐ huyện Phúc Thọ trao hỗ trợ cho "Tổ An toàn Covid-19" tại doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 LĐLĐ Thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo 5 Tổ công tác và “Tổ Ứng phó khẩn cấp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 LĐLĐ Thành phố” phối hợp chặt chẽ với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đặc biệt là Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất rà soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động “Tổ An toàn Covid-19”, hướng dẫn các “Tổ An toàn Covid-19” làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động, tham gia xây dựng mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng của đoàn viên, người lao động.

LĐLĐ Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin, truyền thông, Báo Lao động Thủ đô, Trang Web LĐLĐ Thành phố và các mạng xã hội như Facebook, Zalo... Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, CNLĐ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và người thân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền địa phương.

Tăng cường chăm lo, hỗ trợ đoàn viên

Cùng với đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tập trung chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, CNVCLĐ khó khăn, nhất là hỗ trợ cho đoàn viên, CNVCLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Tính đến ngày 24/9, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ “Quỹ vắc xin”, “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” Thành phố... với số tiền trên 65,72 tỷ đồng cho 164.975 đoàn viên, người lao động và 2.098 doanh nghiệp có “Tổ An toàn Covid-19".

Trong đó, LĐLĐ Thành phố đã chi 29 tỷ 889,202 triệu đồng, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chi 16 tỷ 269 triệu đồng và Công đoàn cơ sở hỗ trợ 16.429 người với số tiền 19 tỷ 566 triệu đồng.

Ngoài ra, từ ngày 27/4/2021 đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã vận động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu và hỗ trợ người lao động trong các khu cách ly tập trung, ủng hộ “Quỹ vắc xin” và “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” của Thành phố... với tổng số tiền 104 tỷ 147,472 triệu đồng.

Công đoàn Thủ đô: Vừa phòng, chống dịch vừa chăm lo, hỗ trợ đoàn viên
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Chính Hữu trao hõ trợ cho người lao động khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, Công đoàn các cấp đã đẩy mạnh việc hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động thông qua nhiều hình thức như: Các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng lưu động 0 đồng”… trao “Túi An sinh Công đoàn” cho gần 80 ngàn đoàn viên, người lao động.

Thời gian tới, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tiếp tục quán triệt sâu sắc việc tham gia thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đồng thời phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và động viên tinh thần cho đoàn viên, người lao động; đặc biệt quan tâm, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng là đoàn viên, người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp bị tác động ảnh hưởng lớn, sau khoảng thời gian kéo dài thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố.

Công đoàn các cấp tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Công đoàn trong công tác chỉ đạo việc duy trì trực đường dây nóng để xử lý kịp thời những kiến nghị của đoàn viên, CNVCLĐ; tham gia giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội; chăm lo, chia sẻ khó khăn đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đảm bảo tuyệt đối không để đoàn viên, người lao động trong các Công đoàn cơ sở trực quản bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau.

LĐLĐ Thành phố yêu cầu Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ cứu trợ khẩn cấp công nhân”, “Tổ An toàn Covid-19 trong doanh nghiệp”...; chủ động rà soát, điều chỉnh các phương án tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình diễn biễn của dịch bệnh, đảm bảo công tác an sinh xã hội và các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn theo địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Ngoài ra, Công đoàn các cấp cần triển khai kế hoạch đảm bảo, phục hồi sản xuất tại các doanh nghiệp trong tình hình mới, chủ động phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố nắm tình hình quan hệ lao động, đề xuất thực hiện các biện pháp chăm lo, hỗ trợ giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp sau thời gian thực hiện giãn cách.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này