Đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”

10:17 | 19/10/2021
Sau giãn cách, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được khôi phục, hướng tới trạng thái bình thường mới, trong bối cảnh này, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch tốt vừa đảm bảo khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh an toàn.
Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh Công đoàn đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, chăm lo cho người lao động Đồng hành cùng doanh nghiệp

Những ngày sau giãn cách, không khí sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Thủ đô bắt đầu nhộn nhịp, người lao động phấn khởi quay trở lại sản xuất, hăng hái thi đua, vượt khó, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Nhằm góp phần cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, ngay sau khi thành phố Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố đã xây dựng và ban hành Kế hoạch “Công đoàn Thủ đô đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm của người lao động”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa trao hỗ trợ cho người lao động. Ảnh: Mai Quý

Trong đó, nhận thức rõ vấn đề khi doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh, người lao động trở lại làm việc sau một thời gian dài thực hiện giãn cách sẽ còn nhiều khó khăn, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động.

Ngay sau khi thành phố Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng và ban hành Kế hoạch “Công đoàn Thủ đô đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm của người lao động”. Trong đó, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. Riêng LĐLĐ Thành phố đã triển khai “Gói hỗ trợ 20.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ổn định cuộc sống, trở lại sản xuất, kinh doanh”, mức hỗ trợ 500.000 đồng/người. Qua đó, động viên trực tiếp doanh nghiệp, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Riêng LĐLĐ Thành phố đã triển khai “Gói hỗ trợ 20.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ổn định cuộc sống, trở lại sản xuất, kinh doanh”, mức hỗ trợ 500.000 đồng/người. Qua đó, động viên trực tiếp doanh nghiệp, người lao động vượt khó, khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì đời sống, việc làm cho người lao động, với tinh thần “Lợi ích thì hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ”; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án khôi phục sản xuất, sắp xếp lại lao động; tham gia chủ động vào công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp;

Hướng dẫn, hỗ trợ người lao động giao kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật; tham gia, phối hợp cùng doanh nghiệp ổn định tình hình quan hệ lao động; đảm bảo điều kiện làm việc và các chế độ chính sách đối với người lao động; hỗ trợ, tạm ứng tiền lương cho đoàn viên, người lao động sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó cùng doanh nghiệp.

Cạnh đó, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường nắm bắt chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động; duy trì và thực hiện thường xuyên, định kỳ các hoạt động thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc để chia sẻ thông tin, lắng nghe, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị của người lao động; hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tranh chấp lao động, đình công có thể xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quyền, lợi ích của người lao động; tập trung triển khai tổ chức tốt phong trào thi đua đặc biệt “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLÐ thành phố Hà Nội phát động; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và bảo vệ sức khỏe cho người lao động, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nâng cao ý thức kỷ luật, tránh tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” trong tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc; duy trì, bảo vệ “Vùng xanh doanh nghiệp” để mỗi doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở thực sự là một pháo đài; mỗi đoàn viên, người lao động là một chiến sĩ trong mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19, với tinh thần “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, quyết tâm không để dịch bệnh Covid-19 lây lan, xâm nhập vào doanh nghiệp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”
Doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh sau giãn cách.

Ngay sau chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm của người lao động. Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố về việc tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động trong thời gian sau giãn cách xã hội, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã khẩn trương triển khai hỗ trợ 10.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch với số tiền 5 tỷ đồng.

Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động người lao động khắc phục khó khăn trong đời sống để trở lại doanh nghiệp làm việc bình thường; vượt khó, sáng tạo, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.

Liên quan đến công tác nắm bắt, ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng đã thành lập thí điểm 2 Văn phòng đại diện để tiếp nhận thông tin và giải đáp thắc mắc cho đoàn viên, người lao động và cán bộ Công đoàn cơ sở; chỉ đạo Công đoàn cơ sở sâu sát với người lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó phối hợp với người sử dụng lao động giải đáp thỏa đáng cho người lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

“Ghi nhận thực tế cho thấy, người lao động rất phấn khởi và sẵn sàng quay trở lại làm việc. Nhờ đó, đến nay hầu hết các doanh nghiệp trong KCN&CX Hà Nội đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường”, ông Toản nhấn mạnh.

Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực, chủ động, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã và đang thể hiện rõ nét vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội của Thủ đô./.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này