Bộ trưởng Bộ Tài chính: Muốn giảm giá xăng dầu phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp

18:20 | 02/06/2022
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 2/6 về tình hình kinh tế - xã hội, thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay nhiệm vụ cấp bách là phải chống được lạm phát.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị ưu tiên giảm thuế đối với xăng, dầu Kiến nghị giảm thuế với mặt hàng xăng, dầu để kiềm chế lạm phát

Bây giờ đất nước chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế, những nguyên liệu phụ thuộc ở nước ngoài thì phải theo dòng chảy, theo sự tác động của nước ngoài. Ví dụ như thép thì liên quan đến phôi thép, như xăng dầu là liên quan đến các nước xuất khẩu xăng dầu... nên chống lạm phát là một vấn đề hết sức quan trọng.

Giải pháp chống lạm phát hiện nay ngoài tập trung về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá thật tốt thì một vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đồng thời, phải tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước. Có như vậy mới tạo ra được sản phẩm và nâng cao được mức thu nhập của người dân và doanh nghiệp, từ đó có sức mạnh để chống lạm phát.

Nói về nhiều ý kiến cho rằng cần phải giảm giá xăng, dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc giảm thuế để giảm giá xăng, dầu là một trong nhiều giải pháp, muốn giảm giá xăng dầu chúng ta phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Muốn giảm giá xăng dầu phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại nghị trường ngày 2/6. (Ảnh: QH)

Ví dụ như thuế ở trong giá xăng, dầu của nước ngoài chiếm từ 45 - 60%, nhưng đối với nước ta ít hơn, từ 29 - 31%. Hiện nay xăng A92 các loại thuế trong giá xăng dầu chỉ chiếm 28%, vừa qua chúng ta đã giảm 50% thuế môi trường là 2.000 đồng/lít, bây giờ còn 2.000 đồng nữa thì thẩm quyền này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn lại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số thuế khác thì thẩm quyền của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa, khi giảm thuế, đương nhiên phải cắt giảm các khoản chi. Tuy nhiên, chúng ta xuất khẩu dầu thô, mỗi năm được trên 8 triệu thùng dầu thô, khi giá dầu thô lên cũng bù đắp được một phần.

“Vấn đề giảm thuế là một biện pháp sẽ cân nhắc, đánh giá tác động và sẽ báo cáo với Chính phủ để báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng, dầu”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho hay, cần phải phải tính đến vấn đề chống buôn lậu, bởi vì giá của chúng ta so với giá xăng bên Lào hiện nay chênh nhau 11.000 đồng/lít, giá so với Campuchia cũng chênh 3.000 đồng/lít, giá của Thái Lan cũng chênh, cho nên không cẩn thận khi giá của chúng ta thấp thì dòng buôn lậu xăng, dầu lại chạy sang bên kia.

“Vấn đề xăng, dầu là phải cung - cầu, bây giờ tập trung làm thế nào để nâng được công suất của 2 nhà máy chế biến xăng, dầu tại Dung Quất và tại Nghi Sơn. Như vậy, hai nhà máy này sẽ cung ứng phần lớn vấn đề xăng, dầu”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Trước đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thu ngân sách vượt dự toán nhưng dự báo thiếu bền vững. Thời gian qua thu nhiều là dầu thô nên tăng thu là tất nhiên. Nhưng mặt trái của tăng thu từ dầu thô là giá xăng, dầu trong nước không ngừng tăng vọt, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh, làm quan ngại cho nhà đầu tư và tái đầu tư, xáo trộn không nhỏ đến sinh hoạt của người lao động.

“Cho nên, việc bình ổn giá xăng, dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân”, đại biểu đề nghị.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này