Mùa niễng

09:27 | 03/11/2022
Hàng năm, khi tiết trời giao mùa vào độ cuối thu đầu đông là mùa niễng trổ bông. Sớm mai, khi sương khói heo may nhuốm chút lạnh se sắt bảng lảng trên đồng xa bãi gần, các bà các chị trong làng xôn xao rủ nhau đi thu hoạch niễng. Ký ức về những mùa niễng đã xa chợt trở về trong tâm trí của tôi...
Đôi bàn chân của má Hành lý cuộc đời

Ngày còn nhỏ, lũ trẻ chúng tôi vẫn thường thả trâu rồi rủ nhau đi bóc bắp niễng ở những ao, hồ hoặc thùng trũng ngoài cánh đồng. Thời ấy, đồng ruộng còn hoang hóa nhiều và nước cũng chưa ô nhiễm. Niễng mọc hoang chẳng ai trồng nhưng nhiều lắm. Tuy niễng nhiều như vậy nhưng chỉ lũ trẻ chúng tôi bóc ăn sống chứ thời ấy niễng chưa được coi trọng và nâng tầm đặc sản như bây giờ. Năm tháng trôi, tôi mãi nhớ những niềm vui tuổi thơ mùa niễng. Chúng tôi thường cầm cả nắm bắp niễng, vắt vẻo trên lưng trâu, vừa bóc bẹ non ăn ngon lành vừa nghêu ngao hát hò, trò chuyện, có đứa ăn no bắp niễng.

Niễng là cây bản địa có ở nhiều nơi, nhưng Nam Định quê tôi là vùng có nhiều niễng nhất. Có lẽ, do là vùng chiêm trũng, nhiều ao hồ, thùng vũng. Niễng là loài cỏ nước, thân thảo, lá giống như lá cỏ lau, mọc ở vùng trũng ngập nước nhiều bùn, những chỗ đất tốt có khi cây cao lút đầu người. Thân và hạt niễng đều ăn được. Theo ông bà tôi kể lại, thời xưa đói kém, hạt niễng còn được giã như gạo nấu lên ăn thay cơm. Nhiều người hay gọi là củ niễng, gọi quen thế thôi chứ thật ra là thân niễng (quê tôi thường gọi là bắp niễng).

Mùa niễng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn khoảng tháng 10 và tháng 11, vào độ cuối thu sang đông. Qua thời điểm này là niễng lên hoa, hết mùa. Khi mới chuẩn bị trổ bông, phần thân nõn thường to và từ đó kéo dài lên thành bông niễng. Lúc này người ta cắt lấy phần thân nõn phình to khi đang chuẩn bị lên hoa nên còn non này gọi là bắp niễng (nhiều người gọi là củ). Vì thế, thời gian có thể ăn được bắp niễng chỉ kéo dài trong khoảng 7 ngày, sau thời gian đó không ăn được nữa vì quá già.

Trước đây, niễng mọc hoang tự nhiên nhiều nhưng chưa thành món ăn được ưa chuộng và chế biến phong phú như bây giờ. Ngày nay, khi bắp niễng trở thành món ngon được ưa chuộng và khá đắt đỏ, người ta đã trồng nhiều để lấy bắp kinh doanh. Bắp niễng được nâng thành đặc sản, trở thành thực phẩm với giá bán không hề rẻ so với các loại rau củ quả khác.

Bắp niễng được chế biến, góp vị làm nhiều món ngon, song chủ yếu là cắt lát xào với thịt bò hoặc lòng gà. Đôi khi, các bà các mẹ chỉ xào với rau thơm, không phải chế biến cầu kỳ. Củ niễng còn có thể luộc chấm muối ớt hoặc để tươi sống làm nộm cùng thịt bò, gà và các loại rau, gia vị khác cũng rất ngon. Nếu ăn vui thì cứ bóc ra ăn sống để thưởng thức vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng. Trên mâm cơm ngày chớm đông, vị ngọt mát, giòn giòn của bắp niễng xen trong vị béo ngậy của thịt bò hay thịt gà thái chỉ, thêm xíu tiêu ớt the cay thật tròn vị làm sao. Thêm một điều khá thú vị, không chỉ là món ăn, bắp niễng tốt cho tiêu hóa và còn được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, kiết lỵ cho trẻ nhỏ.

Món bắp niễng dân dã mà thanh tao. Ai đã từng thưởng thức món bắp niễng hẳn sẽ không thể quên hương vị bình dị mà thanh tao của món ăn này. Đến mùa bắp niễng, tôi lại bâng khuâng nhớ quê nhà, nhớ mâm cơm ngày chớm đông của mẹ, nhớ niềm vui trong trẻo thời ấu thơ.

Chớm đông, thêm một mùa niễng lại về!

Trịnh Đình Nghi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này