Để không bị chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại

10:27 | 15/03/2024
Để không bị chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại, người dùng chỉ nên tải phần mềm từ các kho ứng dụng chính thức và không thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng lạ; không tải bất kỳ phần mềm nào không rõ nguồn gốc, không nằm trên ứng dụng Store; không được cấp quyền cho bất kỳ ứng dụng lạ nào; không click vào các link người lạ gửi.
Chiếm đoạt hơn 2,4 tỷ đồng, chủ hụi lĩnh án 5 năm tù "Điểm danh" những chiêu lừa đảo đầu tư tài chính trên không gian mạng Xét xử đối tượng lừa đảo chạy dự án chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến lừa đảo trực tuyến, điểm chung của các vụ lừa đảo là người dùng bị chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại, mặc dù cách thức lừa đảo không mới song vẫn khiến không ít người tin theo.

luadaotructuyen
Ảnh minh họa (Nguồn: Cục An toàn thông tin)

Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, ông P trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Ủy ban nhân dân phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) đề nghị ông tích hợp mã định danh tại nhà. Đối tượng yêu cầu ông tải phần mềm Dịch vụ công giả mạo. Khi đăng nhập, theo yêu cầu, ông P quét camera nhận diện trong phần mềm. Đến ngày hôm sau, ông P phát hiện ra tài khoản chứng khoán bị mất quyền kiểm soát, bị bán và chuyển hết tiền cho tài khoản khác. Tổng số tiền bị mất là 3 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), lừa đảo có nhiều hình thức nhưng tựu chung ở ba câu chuyện lớn: Đối tượng tấn công dẫn dụ người dùng cài phần mềm độc hại lên máy tính; lừa bấm vào link để gửi mã OTP chuyển tiền; dẫn dụ người dùng chuyển khoản.

Để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trên, người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo sẽ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, từ đó bị đánh cắp thông tin phục vụ mục đích phạm pháp và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Khi bị chiếm quyền, các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ bị ứng dụng kiểm soát ngầm, chuyển thông tin về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.

Để tự bảo vệ mình, người dùng chỉ nên tải phần mềm từ các kho ứng dụng chính thức và không thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng lạ; không tải bất kỳ phần mềm nào không rõ nguồn gốc, không nằm trên ứng dụng Store; không được cấp quyền cho bất kỳ ứng dụng lạ nào; không click vào các link người lạ gửi, nếu người thân đã bị chiếm quyền kiểm soát, bạn sẽ nhận được link lạ, khi đó người dùng cũng không nên click vào những link lạ đó.

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này