Ứng dụng công nghệ trong không gian nghệ thuật sáng tạo Hà Nội cần một cú hích cần thiết cho không gian nghệ thuật sáng tạo |
Khoảng hai tuần nay, người đi bộ khu phố Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi chứng kiến cây cầu này được khoác lên mình chiếc áo mới. Bên trong không gian cầu được sắp đặt các loài cá đại dương với những gợn sóng dọc hành lang.
Buổi tối khi được hấp thu ánh sáng bởi hệ thống đèn hắt dọc hai bên vòm cầu, các loài sinh vật biển như cá voi xanh, cá heo, cá đuối, cá kiếm, cá nhà táng, sứa, san hô như bơi lượn trong một dòng chảy tạo cảm giác cho người xem như đang tham dự một lễ hội của đại dương.
![]() |
Không gian nghệ thuật công cộng mới cầu đi bộ Trần Nhật Duật. |
Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật vốn là một lối giao thông đi bộ kết nối khu phố cổ và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Thực tế khảo sát cả ban ngày và buổi tối, nhóm nghệ sĩ gồm Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân và Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã quan sát chủ yếu người sử dụng là những người lớn tuổi, người bán hàng gánh rong… và phần nhiều là học sinh đi học, cụ thể là học sinh Trường tiểu học Trần Nhật Duật.
Chia sẻ ý tưởng thực hiện, Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho hay: “Buổi tối ánh sáng chưa đủ, nên mặt cầu khá tối. Từ khảo sát, các nghệ sĩ có ý tưởng biến cây cầu đi bộ này trở nên vui tươi, sinh động hơn cũng như được thắp sáng lên thêm vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng, trong đó có một phần được sử dụng từ vật liệu tái chế”.
Cây cầu đi bộ với chủ đề “Nước” giống như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê, trở thành một không gian nghệ thuật công cộng nối dài với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân và khu phố cổ với địa điểm Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Từ đó, kỳ vọng hình thành nên tour đi bộ tham quan các không gian nghệ thuật đương đại gắn bó với đời sống của cộng đồng đầu tiên ở Thủ đô.
Trong đó, Trung tâm văn hoá nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội là địa chỉ di sản văn hoá kiến trúc tuyệt đẹp với diện tích lên tới 1.800 m2. Nơi đây từng là một quần thể kiến trúc cổ kính độc đáo với tên gọi Hội quán Quảng Đông đã tồn tại hơn một trăm năm. Sau năm 1975, không gian Hội quán Quảng Đông được trưng dụng để làm trường Mẫu giáo Tuổi Thơ nên ít ai biết đến sự hiện diện của nó.
Ngày 23/10/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 4790/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ được chuyển về số 88 Hàng Buồm, trả lại mặt bằng cho hoạt động tu bổ tôn tạo.
Việc tôn tạo và phục dựng Hội quán Quảng Đông nay là Trung tâm văn hoá nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, là minh chứng cho thấy sự nỗ lực của Thành phố trong bảo tồn di tích văn hóa lịch sử có giá trị quan trọng của Thủ đô. Hơn thế, khi tổ chức các hoạt động nghệ thuật ở đây sẽ phát huy được giá trị của di sản, biến nó trở thành một không gian sáng tạo của Hà Nội nhằm khơi dòng cho di sản trong cuộc sống đương đại.
Còn dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khởi xướng từ mùa hè năm 2019, hoàn tất trong tháng 2/2020. Chỉ trong chưa đầy 2 tháng thi công, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ đã cải biến khu vực ven sông Hồng vốn được coi là mặt sau của thành phố trở thành một điểm nhấn nghệ thuật thu hút giới truyền thông, các bạn trẻ và khách nước ngoài đến tham quan, chụp ảnh.
Đây cũng là một nỗ lực tiếp theo của chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện nhằm giúp Hà Nội có thêm nhiều không gian nghệ thuật công cộng, vui chơi, giải trí cho người dân. Dự án lần này lấy cảm hứng từ chính địa thế hết sức đặc trưng của bãi Phúc Tân - khu vực ven sông Hồng, là nơi giao thoa nhiều yếu tố văn hoá lịch sử của mảnh đất Thăng Long Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Tuy rất khác nhau về hình thức và phương pháp song có một điểm chung, những không gian công cộng này được các kiến trúc sư, nghệ sĩ, các nhà thiết kế thực hiện dựa trên nguồn cảm hứng từ các giá trị văn hoá truyền thống và văn hoá bản địa rất giàu có của Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng.
“Ba địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau sẽ tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách thăm quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hoá và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân địa phương. Dự án này cũng giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hoá nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại trong những năm gần đây”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn kỳ vọng.
Dự án nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình 05-Ctr/QU ngày 06/8/2021 của Quận ủy Hoàn Kiếm về phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện giai đoạn 2021 - 2025; Đề án số 19-ĐA/QU ngày 1/11/2021 của Quận ủy Hoàn Kiếm về việc “Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mở rộng hợp tác quốc tế giai đoạn 2021 - 2025”.
Phương Bùi
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/ket-noi-du-lich-voi-khong-gian-nghe-thuat-sang-tao-170331.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này