Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong tình hình mới

09:59 | 14/03/2025
Sáng nay (14/3), tại Quận ủy Long Biên, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong tình hình mới”.
Cụm thi đua số 1 thực hiện tốt công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể LĐLĐ quận Long Biên triển khai hiệu quả công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể Đẩy mạnh công tác đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Luật gia, Giảng viên chính Nguyễn Hoàng Mai - Khoa Quan hệ lao động và Công đoàn (Trường Đại học Công đoàn Việt Nam); Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố Hà Nội; Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Đường Hoài Nam - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Long Biên; Đinh Thị Thu Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy, Giám đốc Trung tâm chính trị quận Long Biên; Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên.

Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong tình hình mới
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: B.Duy.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết: Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, sự trách nhiệm, vào cuộc của cả hệ thống Công đoàn, công tác đại diện, bảo vệ, đặc biệt là công tác đối thoại, thương lượng tập thể của tổ chức Công đoàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, giữ ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc cho đoàn viên, người lao động, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, xã hội, đoàn viên, người lao động đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối thoại, thương lượng tập thể vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Hoạt động tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại nhiều nơi còn thiếu chủ động, hình thức, ít nội dung, chưa chú trọng các vấn đề cốt lõi, chủ yếu tập trung ở cấp doanh nghiệp, chưa quan tâm nhiều tới các hình thức đối thoại ngoài doanh nghiệp; TƯLĐTT có độ bao phủ chưa rộng, nhiều bản chất lượng còn thấp, hết hạn chưa được ký kết lại; TƯLĐTT có nhiều doanh nghiệp tham gia còn ít, khả năng mở rộng thấp; quy trình thương lượng chưa thực chất, chưa theo quy định; vai trò của Công đoàn cấp trên hỗ trợ Công đoàn cơ sở còn mờ nhạt, chưa thực sự quan tâm, có nơi còn xem nhẹ…

Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong tình hình mới
Đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: B.Duy.

‘’Chúng ta đang cùng cả hệ thống chính trị quyết liệt, gấp rút thực hiện sắp xếp bộ máy, tổ chức tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, trong đó, tới đây, tổ chức Công đoàn sẽ có cơ cấu mới, bộ máy mới, chức năng, nhiệm vụ của từng cấp sẽ có sự điều chỉnh phù hợp… Những thay đổi này vừa tạo thuận lợi, cơ hội, vừa đặt ra nhiều nội dung, thách thức và yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động Công đoàn các cấp, nhất là vấn đề về đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, một khâu đột phát quan trọng được Đại hội Công đoàn Việt Nam, Đại hội Công đoàn Thủ đô đặt ra trong nhiệm kỳ 2023 - 2028”, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Phạm Quang Thanh, Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong tình hình mới” được Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức với mong muốn nhìn nhận chính xác bối cảnh và những vấn đề tác động đến công tác đối thoại, thương lượng tập thể, xác định đúng những thuận lợi, khó khăn, những điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức Công đoàn, vai trò, khả năng, năng lực của từng cấp Công đoàn, đánh giá, lựa chọn chính xác những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá cần tập trung, đúc rút, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả cũng như ghi nhận các kiến nghị, đề xuất gửi tới cấp ủy, chính quyền các cấp, với Tổng LĐLĐ Việt Nam, các đối tác trong quan hệ lao động… để giúp tổ chức Công đoàn thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra.

Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong tình hình mới
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo. Ảnh: B.Duy.

Với kỳ vọng thông qua Hội thảo sẽ là nền tảng quan trọng để triển khai khâu đột phát của các cấp Công đoàn Thủ đô trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh đề nghị các chuyên gia, cán bộ Công đoàn tập trung thảo luận vào một số nội dung lớn.

Đó là bối cảnh kinh tế - xã hội, pháp luật, quan hệ lao động, những vấn đề tác động đến tổ chức và hoạt động công đoàn, đặc biệt là nhiệm vụ đối thoại, thương lượng tập thể; những thuận lợi, khó khăn, điểm mạnh, điểm hạn chế của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ đối thoại, thương lượng tập thể.

Làm rõ vai trò, khả năng, năng lực của từng cấp Công đoàn trong việc thương lượng, đàm phán, ký kết và thực hiện TƯLĐTT một cách hiệu quả, thực chất, đặc biệt là vai trò của Công đoàn cấp trên sau khi hệ thống chính trị, tổ chức Công đoàn được sắp xếp, tinh gọn.

Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong tình hình mới
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: B.Duy.

Cùng đó, nêu bật những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, mang màu sắc của Công đoàn Thủ đô là gì? Những mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm nâng cao số lượng, chất lượng, độ bao phủ của đối thoại, TƯLĐTT. Công đoàn cần dành nguồn lực như thế nào cho nhiệm vụ đối thoại, thương lượng (cả về nhân lực, tài chính, chính sách…) để đảm bảo thực hiện hiệu quả.

Đặc biệt, là những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với Đảng, Nhà nước, với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng, với Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố… để giúp tổ chức Công đoàn triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra.

Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong tình hình mới
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: B.Duy.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ Công đoàn các cấp đã tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp để các cấp Công đoàn có đủ điều kiện, thế và lực làm tốt công tác đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này