Thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể chất lượng - kinh nghiệm từ doanh nghiệp FDI

21:15 | 05/04/2025
Để xây dựng được 1 bản Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) chất lượng, đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ kịp thời cho người lao động (NLĐ), Chủ tịch Công đoàn Công ty SWCC SHOWA Việt Nam Nguyễn Minh Sơn cho rằng cần phải có "4 được". Đó là: Được NLĐ đồng tình; được sự phối hợp, sẻ chia giữa doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở; được sự đoàn kết, nhất trí của tập thể Ban Chấp hành trong mọi tình huống và được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp trên.
LĐLĐ quận Long Biên triển khai hiệu quả công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong tình hình mới Nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt trong thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể

Đó là kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn triển khai thương lượng, ký kết TƯLĐTT được ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong tình hình mới” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức mới đây.

Thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể chất lượng - kinh nghiệm từ doanh nghiệp FDI
Ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp. Ảnh: B.Duy.

Ông Nguyễn Minh Sơn cho biết: Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam được thành lập tháng 5/2006 là công ty 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, đi vào hoạt động tháng 6/2006. Sản phẩm chính của công ty là dây cáp điện và linh kiện dùng máy in - photocopy.

Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, đến tháng 8/2006, Ban Chấp hành Công đoàn được thành lập với 497/500 NLĐ tham gia tổ chức Công đoàn, đạt 99,4%.

Với phương châm hoạt động kinh doanh và xây dựng chiến lược “Chăm lo phát triển đời sống NLĐ làm căn bản để phát triển nguồn lực”, Công ty SWCC SHOWA Việt Nam đã và đang đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ.

Chia sẻ về những thuận lợi trong quá trình hoạt động, ông Sơn cho biết: Chủ doanh nghiệp rất nghiêm túc tuân thủ pháp luật của nước sở tại và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NLĐ. Với phương châm luôn coi trọng NLĐ để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, lãnh đạo công ty luôn cố gắng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, và nỗ lực để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ thông qua tổ chức Công đoàn. “Đây là những yếu tố thuận lợi cơ bản để Ban Chấp hành Công đoàn đối thoại, thương lượng những chính sách, phụ cấp có lợi hơn cho NLĐ”, ông Sơn chia sẻ.

Cùng đó, Công đoàn Công ty luôn nhận được sự chỉ đạo hướng dẫn của Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội trong hoạt động công đoàn, trong đó có công tác thương lượng về TƯLĐTT, về tiền lương cũng như các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cũng gặp một số khó khăn, như: Rào cản ngôn ngữ, văn hóa, đôi lúc làm cho hai bên chưa hiểu nhau, dẫn đến xung đột lợi ích và việc đàm phán mất khá nhiều thời gian. Cán bộ Công đoàn đang hoạt động tại doanh nghiệp thường là kiêm nhiệm với việc chuyên môn chính, do đó thời gian và ý chí dành cho sự cống hiến đối với hoạt động công đoàn chưa cao, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống khi có tranh chấp hay sự kiện giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ.

Cạnh đó, yếu tố tuân thủ các thông tin liên quan đến lương, thưởng, chế độ phúc lợi của doanh nghiệp ở dạng bảo mật, chỉ nội bộ trong doanh nghiệp được biết mà không được chia sẻ thông tin ra ngoài. Điều này ảnh hưởng đến việc cơ quan Công đoàn cấp trên khó tiếp cận để tham gia tư vấn thêm cho Công đoàn cơ sở.

Tuy nhiên, tranh thủ những thuận lợi và vượt qua các khó khăn, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty SWCC SHOWA Việt Nam đã chủ động vào cuộc xây dựng, thương lượng, đàm phán để ký kết được bản TƯLĐTT có đầy đủ điều khoản hạng mục, chế độ phúc lợi, ưu đãi đối với đời sống NLĐ tuân thủ đúng luật và có nhiều điểm thực hiện cao hơn Bộ luật Lao động quy định. Xây dựng được bảng tiến trình thương lượng về TƯLĐTT bao hàm cả chính sách lao động, nghĩa vụ quyền lợi, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động với NLĐ trong đó có phần nội dung thể hiện về lương - thưởng - phụ cấp - trợ cấp - thời giờ làm việc chi tiết trong bản TƯLĐTT mới.

Thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể chất lượng - kinh nghiệm từ doanh nghiệp FDI
Người lao động Công ty SWCC SHOWA Việt Nam vui bên Bữa cơm Công đoàn. (Ảnh: P.Ngân)

Từ thực tiễn triển khai, Chủ tịch Công đoàn Công ty SWCC SHOWA Việt Nam Nguyễn Minh Sơn cho biết: Khâu chuẩn bị là quan trọng nhất. Trước khi đàm phán, thương lượng cần phải xác định các nội dung cần chuẩn bị để đạt được mục tiêu cho cuộc đàm phán, thương lượng được diễn ra suôn sẻ. Có kế hoạch cụ thể về mặt nội dung thương lượng, đàm phán, ký kết và thực hiện TƯLĐTT một cách kỹ lưỡng, bài bản.

Cạnh đó, khảo sát tâm tư, nguyện vọng, lấy ý kiến, kiến nghị từ NLĐ và có chọn lọc những ý kiến, tổng hợp thành nhóm vấn đề và lựa chọn các kiến nghị hợp lý nhất dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh của công ty theo từng năm.

Thu thập thông tin về tình hình sản xuất, kết quả doanh thu, lợi nhuận đạt được. Tham khảo ý kiến từ các đơn vị khác trong khu công nghiệp trong khối nhà đầu tư cùng quốc gia và các nhà đầu tư khác để có thêm thông tin và lựa chọn cách đàm phán, thương lượng đúng đắn và hợp lý nhất. Nghiên cứu kỹ các quy định của các Bộ luật, các văn bản liên quan những nội dung cần đàm phán, thương lượng.

Lên kịch bản chi tiết và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Gặp gỡ, trao đổi, thảo luận với phiên dịch viên của công ty trước về mặt nội dung, như cần dịch rõ ràng, làm cho doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thuyết phục.

Đặc biệt, cần lưu ý tranh thủ thời điểm, thời gian, tâm lý Ban lãnh đạo phù hợp để đề xuất, chốt thời gian, địa điểm tổ chức đàm phán, thương lượng và ký kết TƯLĐTT.

Về giải pháp lâu dài, để việc đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngày càng thiết thực, hiệu quả, ông Sơn cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để các tập đoàn, nhà đầu tư, đối tác, các nhãn hàng nước ngoài thúc đẩy việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, quyền của NLĐ tại nơi làm việc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là vấn đề trả mức lương đủ sống cho NLĐ.

Đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ có biện pháp, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thương lượng đưa nội dung tiền lương vào trong TƯLĐTT và phân loại, định danh công việc, nhóm công việc để NLĐ được quyền thương lượng mức lương xứng đáng với công sức của họ.

Công đoàn cần xây dựng tài liệu hướng dẫn và các biểu mẫu tham gia đối thoại, thương lượng tập thể. Trong đó, tập trung nội dung về các phương án cơ bản để Công đoàn thương lượng bảo vệ các đề xuất về cải thiện tiền lương, thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ... Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng đối thoại, thương lượng, thuyết trình cho cán bộ Công đoàn, cá nhân tham gia tổ thương lượng tập thể.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này