Giao thừa sớm nơi biển cả

09:43 | 26/01/2016
Giữa biển trời Tổ quốc, họ ngồi bên nhau, khoác vai thành một vòng tròn, hát những bài ca về biển, đảo; kể cho nhau nghe không khí mùa xuân, cùng chúc nhau sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ. Để rồi sau phút giây gặp gỡ ngắn ngủi ấy, là cuộc chia tay đầy bịn rịn giữa người về đất liền và người ở lại.
Hà Nội sẽ bắn pháo hoa tại 31 điểm trong đêm Giao thừa
Toàn cảnh thế giới đón giao thừa 2016: Tuyệt đẹp
8 địa điểm nên đến để đón những phút đầu tiên của 2016

Vượt chặng đường hơn 180 hải lý từ nhà giàn Tư Chính, ngày 21.1.2016, con tàu 624 đã đưa đoàn chúc Tết cùng 24 phóng viên đến nhà giàn DK1/10 đóng quân trên bãi cạn Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Nhà giàn này trước đây thuộc tỉnh Minh Hải, sau đó thuộc tỉnh Cà Mau (khi tách tỉnh). Nếu so với điểm xuất phát của đoàn chúc Tết (Bà Rịa - Vũng Tàu, gần 500 hải lý) thì đây là nhà giàn xa nhất, ở nơi chân trời Tổ quốc, nhưng lại gần đất liền nhất so với đường chim bay (cách đất liền Cà Mau hơn 60 hải lý).

Ngay sau khi neo đậu, Đại tá Lê Đình Việt - Trưởng đoàn chúc Tết đã chỉ huy chuyển hàng, quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Tại nhà giàn DK1/10, anh em cán bộ, chiến sĩ tổ chức gói bánh chưng, mổ heo, đón giao thừa sớm cùng đoàn công tác.

Giữa biển trời Tổ quốc, giao thừa đến sớm với các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/10 cùng đông đảo phóng viên, tàu trực. Hoa bày Tết không có hoa tươi như ở đất liền, chỉ có hoa mai bằng nhựa và những bông hoa bằng giấy do các chiến sĩ trẻ tự làm, nhưng không gian vẫn tràn ngập niềm vui của mùa xuân.

Giao thừa sớm nơi biển cả
Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/10 quây quần đón giao thừa sớm. Ảnh: Mai Thắng

Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn cùng phóng viên, đoàn chúc Tết ngồi xen kẽ nhau, cùng hát vang những bài ca về biển, đảo. Các phóng viên kể cho chiến sĩ nghe nhịp sống đất liền. Chiến sĩ nhà giàn kể cho phóng viên nghe chuyện thường ngày của những người “ăn sóng, nói gió, đầu đội trời, chân không đạp đất”. Những đêm giông bão bất ngờ ập đến; những lúc căng thẳng theo dõi mục tiêu lạ; lúc khát cháy lòng hơi ấm vợ hiền, tâm trạng lúc nhớ mẹ già, và cả chuyện ế vợ của những người lính trẻ do đi biển lâu ngày chưa kịp yêu đã phải ra lại nhà giàn đón Tết.

Trung tá Nguyễn Kim Bằng - Chỉ huy trưởng nhà giàn - quê Hải Dương, trong số 28 năm tuổi quân thì đã có 25 năm ở nhà giàn. Trong một phần tư thế kỷ ấy, Trung tá Bằng có thâm niên 20 năm đón xuân trên biển. “Đón Tết cùng sóng biển mùa xuân, ấm tình đồng đội, nhưng nỗi niềm đất liền luôn dội nhớ trong lòng. Ngày Tết là lúc nhớ đất liền nhất. Vợ con tôi ở Vũng Tàu, tuy gọi là trong tỉnh nhà, nhưng đại dương cách trở, nhớ lắm. Mỗi tối gọi điện về đất liền, lúc nghe con trai cứ hỏi “Tết bố có về không?”, tự dưng thấy cổ họng mình nghèn nghẹn” - Trung tá Bằng nhìn ra biển, chia sẻ trong niềm xúc động thầm kín.

Thượng úy Võ Quang Thường - Chỉ huy phó của nhà giàn này - cho biết, Tết năm ngoái, anh cũng đón xuân trên biển. Xuân Bính Thân này cũng vậy. “Năm nay, tôi nhường xuất cho đồng đội về bờ, còn mình ở lại ngoài này đón Tết. Nhà có hai anh em. Chú em công tác ở Lữ đoàn 171, năm nay cũng không được về. Tôi còn bố mẹ già ở Quảng Bình. Tết nhớ nhà lắm” - Thượng úy Thường tâm sự.

Xuân Bính Thân đã sớm đến với những người lính xa quê, đang làm nhiệm vụ giữa trùng dương. Nơi ấy, họ đang ngày đêm gác biển trong gió gào sương lạnh để đất liền yên ả chuẩn bị đón mùa xuân mới. Trong nỗi nhớ đất liền miên man, những gương mặt đượm đằm sự mặn mòi của biển cả vẫn hát vang khúc quân hành, như muốn át cả tiếng gió, tiếng sóng ầm ào: “Sóng gió, mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Giữa trùng khơi, vẫn xanh ngời, lính nhà giàn là thế đó”…

Mai Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này