Theo đơn phản ánh, phương án hỗ trợ di dời của Công ty đưa ra là số công nhân có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn từ khi còn là công ty TNHH MTV Dệt Minh Khai chưa có cổ phần sẽ được hưởng mức hỗ trợ di dời là 2 tháng lương/1 năm công tác. Số công nhân đã nghỉ chế độ (đã hưởng 1/2 tháng lương theo luật đơn phương chấm dứt HĐLĐ và đang hưởng hưu trí), nhưng ở lại công ty làm việc theo HĐLĐ mới tại công ty, sẽ được hưởng hỗ trợ di dời là 1 tháng lương/1 năm công tác được tính từ những năm công tác đầu tiên tại Cty Dệt Minh Khai cũ.
![]() |
Tập thể người lao động kiến nghị chế độ di dời nhà máy. |
Như vậy, theo phương án này, những NLĐ đã nghỉ hưu và không còn làm việc tại công ty sẽ không được đơn vị hỗ trợ di dời. Theo những người NLĐ đã nghỉ hưu và không còn làm việc tại công ty, thì quá trình làm việc họ đã cống hiến nhiều công sức, nhiệt huyết, có người phải mang bệnh nghề nghiệp, nay không được Công ty CP Dệt Minh Khai hỗ trợ di dời là không thỏa đáng.
Trao đổi với PV, ông Vũ Đức Lâm - Chủ tịch Công đoàn Công ty - cho biết: “Về phía lãnh đạo Công ty, chúng tôi cũng đã giải thích theo chủ trương của Hội đồng Quản trị là, sau khi cổ phần hóa 100%, Công ty sẽ chủ trương di dời nhà máy tới địa điểm khác, vì đây là địa điểm gây ô nhiễm . Cụ thể, từ tháng 6.2016, Công ty đã chuyền địa điểm xuống Hà Nam. Trong quá trình di chuyển, nhà đầu tư hỗ trợ cho những lao động còn đang làm việc. Với những lao động có đơn kiến nghị hầu hết là những người đã về nghỉ hưu từ những năm 2000 trở về trước, thời điểm đó là Công ty TNHH Nhà nước MTV Dệt Minh Khai. Những lao động này đã có đơn xin chấm dứt HĐLĐ và được chấp thuận và họ cũng được giải quyết mọi chế độ.
Một số trường hợp chưa được giải quyết thì đó là những tồn tại trước đây, chứ hiện tại công ty không có nghĩa vụ đối với những đối tượng đó. Nhiều người vẫn hiểu lầm là công ty bán đất ở trụ sở cũ thì phải có trách nhiệm hỗ trợ một phần cho NLĐ. Tuy nhiên, họ hiểu như thế là sai, chúng tôi đã giải thích rõ và nói với NLĐ, muốn tìm hiểu đúng - sai thì có thể nhờ luật sư hoặc gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Hội đồng Quản trị công ty sẽ sớm tổ chức một buổi họp báo để thông tin toàn bộ sự việc đến các cơ quan báo chí quan tâm”. Ông Lâm cũng cho biết thêm, đất tại trụ sở cũ ở Minh Khai sẽ trả lại cho UBND TP.Hà Nội, chúng tôi không có quyền lợi và nghĩa vụ gì đối với diện tích đất này.
Về phía Công đoàn Dệt - May Hà Nội, theo bà Hoàng Thị Thu Hồng (Phó Chủ tịch Công đoàn ngành): Phía Công đoàn ngành đã nhận được những kiến nghị của NLĐ Hiện nay, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm giải quyết cho những lao động đang làm việc, có 2 đối tượng là những lao động đã nghỉ hưu đã ký lại hợp đồng và những lao động đang làm hợp đồng.
Đối với những lao động đã nghỉ hưu, đã hưởng chế độ của Nhà nước kiến nghị là không hợp lý, nhưng chúng tôi vẫn làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp để có hướng giải quyết sao cho thấu tình đạt lý. Nếu chủ đầu tư xem xét, cân nhắc có nguồn kinh phí hỗ trợ được thì là điều đáng mừng cho NLĐ. Điều chúng tôi quan tâm ở thời điểm hiện tại là toàn bộ lao động đang làm việc đều đồng tình khi chấp thuận di dời nhà máy, hưởng những chế độ di dời mà doanh nghiệp đưa ra.
H.Duy
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/lao-dong-nghi-huu-kien-nghi-ve-chinh-sach-ho-tro-di-doi-39624.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này