Xây dựng thương hiệu quốc gia: Doanh nghiệp chật vật tự dò dẫm

11:17 | 26/07/2016
Mặc dù thời gian qua, nhiều địa phương đã bắt đầu xây dựng thương hiệu các loại nông sản đặc sản, đến các sản phẩm hàng hóa của mình, tuy nhiên, các thương hiệu này vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Thậm chí, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã bị nước ngoài ăn cắp thương hiệu…
xay dung thuong hieu quoc gia doanh nghiep chat vat tu do dam Ra mắt thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS
xay dung thuong hieu quoc gia doanh nghiep chat vat tu do dam Cần xây dựng thương hiệu quốc gia

Bà Nguyễn Thị Nguyên Lý - Phó phòng chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho hay, ở Việt Nam, rất nhiều các thương hiệu làng nghề, sản phẩm địa phương bị gắn mác, gắn thương hiệu của một quốc gia khác để tiêu thụ trên thế giới.

xay dung thuong hieu quoc gia doanh nghiep chat vat tu do dam
Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia.

“Để vấn đề này xảy ra, chủ yếu là do người dân tại các địa phương chỉ chú trọng sản xuất các sản phẩm thô, không đăng ký chỉ dẫn địa lý, nên dễ bị mất thương hiệu khi ra thị trường thế giới”- bà Lý nhấn mạnh.

Nhận định của bà Lý là hoàn toàn có cơ sở, vì thực tế có rất nhiều thương hiệu, đặc sản nổi tiếng như: Gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), càphê Trung Nguyên (Buôn Ma Thuột), Bkav (Hà Nội)…đã bị mất thương hiệu riêng khi ra thế giới.

Càphê Buôn Ma Thuột phải lao đao vì bị một công ty Trung Quốc nhanh tay đăng ký ở nước ngoài cho thương hiệu càphê của mình, khiến hãng này bị mất thị trường tại một số nước, kéo theo đó là những thương vụ lùm xùm về pháp lý. Còn Bkav của Nguyễn Tử Quảng đã phải mất đến 2 tỉ đồng sau hơn 2 năm đàm phán để lấy lại tên miền.

Gần nhất là thương hiệu gỗ Đồng Kỵ đã bị các công ty Trung Quốc gắn mác địa phương, sau khi gỗ Đồng kỵ xuất khẩu sản phẩm thô, không nhãn mác qua Trung Quốc… Thế nên, bà Lý cảnh báo: “Nếu địa phương không nhanh chóng đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều, thì nguy cơ thương hiệu đi vào vết xe đổ của cà phê Buôn Ma Thuột, Bkav là không tránh khỏi”.

Mặc dù hiện nay, việc đăng ký thương hiệu đã được các doanh nghiệp cũng như từng cá thể sản xuất quan tâm rất nhiều, tuy nhiên, hạn chế lớn nhất vẫn là khâu sản xuất, bảo quản và kính phí đăng ký, nhất là đăng ký nhãn hiệu trên thị trường thế giới.

Nói về vấn đề này, ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cho biết: “Việc đăng ký thương hiệu quốc gia ở trong nước, cũng như đăng ký chỉ dẫn địa lý trong nước chúng tôi đã làm từ rất lâu, vì thế thương hiệu gỗ Đồng Kỵ đã được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, khi xuất khẩu ra nước ngoài, chúng tôi bị phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống Trung Quốc và phải xuất khẩu dưới dạng thô. Vì thế, thương hiệu thường bị đối tác gắn mác khi hoàn thiện.

Để giải quyết vấn đề này, hiện nay, hội làng nghề đã chủ động tìm kiếm thị trường, chú trọng sản xuất sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu. Song vấn đề đăng ký bản quyền và chỉ dẫn địa lý trên thế giới, chúng tôi phải cần đến sự giúp đỡ của cơ quan Nhà nước về cả chính sách lẫn ưu đãi”.

Chia sẻ về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền cho rằng, để xây dựng được thương hiệu quốc gia và khẳng định thương hiệu đó trên thị trường thế giới, thì cần phải có một nỗ lực và kế hoạch hành động cụ thể từ phía cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hỗ trợ đầu ra cho đặc sản vùng miền.

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là xây dựng thương hiệu, vì thương hiệu là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng căn cứ mua hàng và cũng là để bảo vệ chính giá trị sản phẩm mỗi vùng miền.

“Chúng ta cần phải xây dựng mô hình hợp tác công - tư, giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Tuy nhiên, trong vấn đề xây dựng thương hiệu, Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo. Nhà nước chủ động tạo ra nhiều sân chơi, nhiều tuần lễ giới thiệu thương hiệu quốc gia hơn nữa, để quảng bá và giới thiệu thương hiệu của Việt Nam sâu rộng ra thị trường thế giới.

Đồng thời, tạo sự liên kết giữa các địa phương, hỗ trợ chính sách, pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho thương hiệu, doanh nghiệp của Việt Nam được đăng ký chỉ dẫn địa lý ngoài nước. Làm được như vậy thương hiệu, đặc sản của chúng ta mới phát triển bền vững”- ông Tiền cho hay.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này