![]() | Huyện Đan Phượng: Xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu |
![]() | Giúp nông sản phát triển bền vững |
![]() | Đưa kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp |
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, để nâng cao tiêu chí Nông thôn mới (NTM) huyện luôn đẩy mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, đến nay, toàn huyện chuyển đổi 1.220,9 ha, trong đó có 452,3 ha trồng hoa, 171 ha trồng rau, 202,4 ha trồng cây ăn quả cùng nhiều loại cây thuốc, cây kinh tế khác...
![]() |
Các hộ nông dân xã Thọ Xuân đang được hướng dẫn qui trình xử lý gốc rạ tại ruộng bằng chế phẩm Fito- Biomix RR và chế phẩm khử H2S. Ảnh: CTV |
Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, bên cạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện cũng đã hướng dẫn các hợp tác xã, các đơn vị, vùng sản xuất rau, quả tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) cho vùng sản xuất rau, quả. Đặc biệt, thông qua các lớp đào tạo nông nghiệp, người dân biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như lợp màng - lưới, xử lý đất, hệ thống tưới phun tự động, kho lạnh bảo quản giống, sơ chế hoa thương phẩm... nhiều hộ chuyển sang trồng hoa cao cấp cho thu nhập cả tỷ đồng/ ha/ vụ.
Thực hiện mô hình tăng cường khuyến nông, bảo vệ thực vật hiện nay một số hộ dân trên địa bàn đã xây dựng nhà màng, nhà lưới, vùng chuyên canh ở các xã Đan Phượng, Phương Đình, Thọ An, Song Phượng; trồng ngô biến đổi gien (10 ha) tại xã Trung Châu; trồng bưởi tôm vàng tại các xã Thượng Mỗ, Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân và Phương Đình.
Bên cạnh tập trung chỉ đạo điểm 3 xã Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung xây dựng xã NTM kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân” năm 2017. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển nông nghiệp đó là chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (CNC); bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; từng bước tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực.
Từ thực tế này, huyện đã tập trung hoàn thành dự án xây dựng nhà màng lưới trồng rau an toàn Trường Mầm non Phương Đình, Thọ Xuân; phê duyệt dự án nghiên cứu, sưu tập, bảo tồn và phát triển nguồn gene thực vật quý hiếm phục vụ công tác chọn, tạo và nhân giống cây trồng chất lượng cao xã Đan Phượng (0,48ha); phê duyệt và triển khai thực hiện dự án chăm sóc phục hồi bưởi tôm vàng xã Thượng Mỗ; triển khai mô hình trồng ngô biến đổi gen tại xã Trung Châu; lựa chọn hộ gia đình làm điểm mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng an toàn sinh học quy mô 90 con tại xã Liên Trung.
Mới đây, nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất cũng như tận dụng tiềm năng vùng đất bãi, UBND huyện Đan Phượng đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận địa điểm lập dự án “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao - GFS bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng”.
Dự kiến tai đây, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; phát triển các khu chuyên canh tập trung, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa; bước đầu hình thành các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có năng lực, đủ điều kiện đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của thành phố. Đồng thời thu hút thêm các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Anh Tuấn
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/huyen-dan-phuong-ung-dung-cong-nghe-cao-tan-dung-vung-dat-bai-59022.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này