Multimedia
19/11/2023 17:31
Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

19/11/2023 17:31

Sau nhiều năm tồn tại, phố cà phê đường tàu không chỉ thu hút du khách đến trải nghiệm mà còn nhận được sự quan tâm của dư luận vì mô hình này đang khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, nó đặt ra những thách thức về công tác giữ gìn trật tự đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đường sắt. Mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng đến nay, sau một thời gian chìm lắng, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt lại có chiều hướng tái diễn. Dư luận đặt câu hỏi: “Nếu cấm không được thì liệu có nên quản?”.
Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

Sau nhiều năm tồn tại, phố cà phê đường tàu không chỉ thu hút du khách đến trải nghiệm mà còn nhận được sự quan tâm của dư luận vì mô hình này đang khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, nó đặt ra những thách thức về công tác giữ gìn trật tự đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đường sắt. Mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng đến nay, sau một thời gian chìm lắng, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt lại có chiều hướng tái diễn. Dư luận đặt câu hỏi: “Nếu cấm không được thì liệu có nên quản?”.

Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?
Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

Khu vực đường tàu cắt ngang đường Trần Phú là địa bàn giáp ranh giữa các phường Hàng Bông, phường Cửa Đông, phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) và phường Điện Biên (quận Ba Đình). Đã từ rất lâu, người dân thường gọi nơi đây là "phố cà phê đường tàu", cũng là một trong những địa chỉ tham quan thu hút đông du khách nước ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian dài triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn như tuyên truyền, lập rào chắn, xử lý vi phạm đối với các hộ kinh doanh cà phê tại khu vực hành lang đường sắt của Hà Nội, thì mới đây, các quán cà phê này lại nở rộ và thu hút nhiều du khách.

Chúng tôi đã nhiều lần ghi nhận thực tế tại phố cà phê đường tàu. Có thể thấy, khoảng cách từ nhà dân đến mép ray đường tàu chỉ 1,8-2,3 m. Khi tàu chạy qua, khoảng không còn lại là rất ít. Chưa kể đến việc du khách quá đông, có thể dẫn đến chen lấn, xô đẩy hay trượt chân, vô cùng nguy hiểm. Những cách thức mà các quán cà phê áp dụng hiện nay như dọn bàn dọn ghế, cảnh báo khách khi tàu đến… không thể chắc chắn đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

Sinh sống ngay tại phố cà phê đường tàu, ông Nguyễn Văn Long (trú tại phường Hàng Bông) cho biết: Phố đường tàu ngày trước chỉ là khu dân cư chật hẹp, tĩnh lặng với những ngôi nhà mọc san sát 2 bên đường ray. Đồng thời đây cũng là nơi vứt rác thải của người dân, khách đi tàu và là địa điểm tụ tập của các đối tượng hút, trích ma túy. Mãi những năm gần đây, sau khi hình ảnh quán cà phê cạnh đường ray tàu hỏa xuất hiện trên báo nước ngoài, phố đường tàu mới được khách du khách biết đến nhiều hơn.

Từ ngày có khách du lịch, người dân đã tự chỉnh trang nhà cửa, xếp gọn đồ đạc, mọi người nhắc nhở đứng gọn vào trong khu vực an toàn mỗi khi tàu đến. Cũng từ đây, “xóm đường tàu” trở nên khang trang, sạch sẽ hơn, người dân có thêm thu nhập và tránh xa các tệ nạn xã hội. “Thời gian qua, lực lượng Công an, tự quản, chính quyền địa phương đã rất tích cực trong việc tuyên truyền để người dân chấp hành theo đúng pháp luật, đảm bảo hành lang an toàn đường sắt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn rằng các cấp chính quyền sớm có phương án giải quyết những khó khăn. Nếu được, có thể cấp phép cho những trường hợp đảm bảo điều kiện kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Long bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Hàng Bông, cho biết, thời gian qua, dù đã dựng rào chắn, gắn các biển cảnh báo và có lực lượng chức năng trực chốt ở nhiều điểm, nhưng hễ vắng bóng lực lượng chức năng, hoạt động kinh doanh tại đây lại tấp nập. Qua nhiều phản ánh từ báo chí, chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng rút kinh nghiệm, tăng cường lực lượng, hướng dẫn tuyên truyền các hộ dân tại đây giữ an toàn giao thông; đặc biệt là không được đón khách du lịch vào quán.

Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng thông tin, trên địa bàn phường Hàng Bông hiện có 14 cơ sở kinh doanh cà phê, không có hộ dân nào tại đây được cấp giấy phép kinh doanh. Thời gian qua, phường đã thực hiện cam kết không kinh doanh, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt đối với các hộ. Công an phường đã duy trì chốt 1 ngày 4 ca từ 8h-21h hàng ngày, gồm: 1 cảnh sát, 1 tự quản và 1 bảo vệ dân phố. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, việc cắm chốt trực hàng ngày không phải là biện pháp giải quyết vấn đề lâu dài,

“Lực lượng chuyên trách cấp phường rất mỏng, ngoài việc đảm bảo an ninh, an toàn tại đây, vẫn còn những nhiệm vụ khác ở địa phương. Do vậy, rất khó duy trì chốt trực 24/24 giờ trong ngày và kéo dài, khi lực lượng chốt trực thay ca, các chủ quán cà phê lại dẫn khách vào. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên và đặc biệt là phía Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, vì theo hoàn cảnh lịch sử để lại, các hộ dân nơi đây từng là cán bộ, công nhân viên của ngành đường sắt, sinh sống tại đây nhiều năm. Việc cấm hoạt động kinh doanh tại đây chưa phải là biện pháp triệt để, mà cần sớm tổ chức phương án giải toả, di dời người dân ra khỏi khu vực hành lang an toàn đường sắt”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông Nguyễn Hoàng Anh: “Việc cắm chốt trực hàng ngày không phải là biện pháp giải quyết vấn đề lâu dài. Lực lượng chuyên trách cấp phường rất mỏng, ngoài việc đảm bảo an ninh, an toàn tại đây, vẫn còn những nhiệm vụ khác ở địa phương. Do vậy, rất khó duy trì chốt trực 24/24 giờ trong ngày và kéo dài, khi lực lượng chốt trực thay ca, các chủ quán cà phê lại dẫn khách vào. Việc cấm hoạt động kinh doanh tại đây chưa phải là biện pháp triệt để, mà cần sớm tổ chức phương án giải toả, di dời người dân ra khỏi khu vực hành lang an toàn đường sắt.

Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

Tương tự, tại phường Cửa Đông, ông Lê Quang Huấn - Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường có khoảng 25 hộ dân có bày bàn, ghế để bán hàng. Các hộ dân này là công nhân đường sắt trước đây, có mức sống thấp. Thời gian qua, Công an phường đã bố trí lực lượng cắm 2 chốt, thời gian chốt từ 8h-21h hàng ngày. Lực lượng trực chốt gồm: tuần tra, bảo vệ dân phố, tự quản. Chính quyền địa phương và Công an phường thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, định hướng hộ dân chấp hành và dần dần chuyển sang hướng làm ăn khác không kinh doanh cà phê, đưa du khách lên đường tàu.

“Phường cũng có kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng cấp trên xem xét giải quyết. Trong đó, có các chính sách phù hợp di dời các hộ dân sinh sống trên đường sắt đến nơi ở khác. Bên cạnh đó, khi cấm du khách vào khu vực đường tàu thì cần phải có sự đồng bộ vào cuộc của các cấp, các ngành, có kế hoạch phân công lực lượng hàng ngày của các cấp, các ngành. Đặc biệt là ngành đường sắt bố trí lực lượng phối hợp, vì lực lượng công an phường rất mỏng không đủ quân số để bố trí cắm chốt liên tục…”, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đông nhấn mạnh…

Tương tự, tại phường Điện Biên, vừa qua, trên địa bàn phường xuất hiện một số hộ dân không treo biển kinh doanh, không đăng ký kinh doanh nhưng có hoạt động pha nước ép bán cho khách du lịch nước ngoài ngồi để chụp ảnh hoặc liên kết với các quán cà phê thuộc địa bàn phường Cửa Nam, Hàng Bông cho mượn địa điểm để khách ngồi trước cửa nhà. Tại khu vực đường tàu có 2 lối ra vào nhà dân tại số 3 Trần Phú (thuộc phường Hàng Bông) và số 8 Điện Biên Phủ (thuộc phường Cửa Nam), du khách nước ngoài đi qua nhà để vào bên trong khu vực đường tàu phải uống nước của cơ sở với giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, tùy loại nước uống, dẫn đến việc kiểm soát chốt chặn 2 đầu không đạt hiệu quả cao…

Công an phường Điện Biên đã yêu cầu Cảnh sát khu vực tiến hành điều tra cơ bản khu vực đường tàu, tổ chức ký cam kết các hộ dân sinh sống trong khu vực đường tàu chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật đảm bảo an toàn hành lang giao thông đường sắt. Bên cạnh đó, hàng ngày, Công an phường tổ chức duy trì phân công cắm chốt lực lượng tự quản, bảo vệ dân phố 2 đầu chắn tàu Điện Biên Phủ và Trần Phú từ 9h đến 21h để hướng dẫn không để người dân và khách du lịch vào khu vực đường tàu tham quan chụp ảnh. Tổ Cảnh sát trật tự duy trì tuần tra địa bàn kịp thời phát hiện xử lý vi phạm…

Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?
Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

Được biết, trước đó, nhiều giải pháp của người dân phố đường tàu đã được đề xuất để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an ninh đường sắt như: Tự dựng barie trước khu vực cửa nhà để ngăn không cho hành khách bước ra khu vực đường ray, lắp camera giám sát để biết trước mỗi khi có tàu đến nhằm cảnh báo cho người dân và du khách du lịch… Bên cạnh đó, phương án thực hiện di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Đường sắt và ổn định đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh lâu dài cho người dân cũng được các cơ quan chức năng đưa ra. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện do nhiều vướng mắc còn kéo dài.

Mới đây, chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đã có văn bản đề nghị UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và UBND các phường Hàng Bông, Cửa Đông, Điện Biên, Cửa Nam đề nghị giải tỏa ngay tụ điểm cà phê đường tàu, đảm bảo an toàn giao thông. Theo Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, tại khu vực đường sắt trên địa bàn các phường Hàng Bông, Cửa Đông, Điện Biên vẫn tồn tại nhiều hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Điển hình hàng quán kinh doanh trong phạm vi hành lang; du khách đi vào khu vực này sử dụng dịch vụ, quay phim, chụp ảnh rất đông, nhất là vào dịp cuối tuần…

Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

Tại khu vực chắn đường ngang Trần Phú (Km 00+790 khu gian Hà Nội - Gia Lâm, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng), ban ngày lực lượng công an, dân phòng của các phường vẫn tổ chức chốt gác. Nhưng tối đến, tại thời điểm kiểm tra, sau khi các lực lượng chốt gác của địa phương trong khu vực đường ngang đã rút hết, du khách đi lại dọc hai bên đường sắt và trong lòng đường sắt tự do. Đặc biệt, tại đây nhiều hộ dân mở bán hàng ăn, giải khát phục vụ du khách theo dọc đường sắt, nhất là đoạn đường sắt chạy qua phường Điện Biên (từ đường Điện Biên Phủ tới đường Trần Phú)...

Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

Đáng nói, tại thời điểm lực lượng chức năng chốt gác chặt chẽ, vẫn có các trường hợp nhiều hộ dân tự dẫn khách vào khu vực phía trong đường tàu bằng các lối đi qua cửa nhà mặt phố Phùng Hưng. Tình trạng vi phạm nêu trên uy hiếp nghiêm trọng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Trên cơ sở đó, Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội đề nghị UBND các quận, phường này triển khai các giải pháp tổng thể đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân, du khách và tài sản của ngành đường sắt, đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông đường sắt, tránh tái diễn tình trạng khách du lịch, người dân đi lại trong khu vực hành lang đường sắt.

Theo ông Trần Thanh Tùng - Phó Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, cà phê đường tàu đang vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và an ninh trật tự trên địa bàn. “Với vai trò là trưởng tiểu ban an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt khu vực Hà Nội chúng tôi cũng nhiều lần có ý kiến và đề nghị chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo giải quyết xử lý dứt điểm để chấm dứt hiện tượng cũng như việc kinh doanh trái phép cà phê đường tàu. Việc xử lý các vi phạm đối với hoạt động cà phê đường tàu không thuộc thẩm quyền của đơn vị nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương làm sao xóa bỏ được việc kinh doanh trái phép cà phê đường tàu”.

Theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, về nguyên tắc đường sắt là phạm vi cần được bảo vệ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu sử dụng đường sắt kết hợp kinh doanh để thu hút khách du lịch, cần phải có những biện pháp đảm bảo an toàn giao thông để bảo vệ tính mạng của người dân.

Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?

“Một ngày tàu chạy mấy chuyến, vào những giờ nào, trong giờ tàu chạy thì phải rào lại, còn các giờ khác không có tàu chạy qua thì có thể mở. Các công ty du lịch và cơ quan công quyền muốn phát triển du lịch, cho người dân có thể trải nghiệm được thì tất cả giờ tàu không chạy chắc chắn thì có thể mở ra để người dân vào trải nghiệm, có thể thiết kế hàng rào kéo được và mở cho người dân tham quan. Đấy là điều cần nghiên cứu cụ thể nếu muốn phát triển du lịch mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân”.

Trên thực tế, sự tồn tại của các hộ gia đình ở hai bên đường tàu là lịch sử để lại. Mô hình khai thác du lịch bên cạnh đường ray đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và phát triển nhằm thu hút du khách. Thế nhưng không thể phủ nhận việc du khách ngồi cạnh đường ray để uống nước, mua bán, chụp ảnh… đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Theo các chuyên gia, để xử lý dứt điểm, quyết dẹp bỏ cà phê đường tàu, thành phố Hà Nội cần chú trọng tới đời sống kinh tế của các hộ dân, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu về việc kinh doanh ảnh hưởng ra sao tới an toàn đường sắt.

Điều quan trọng nhất là cần tạo điều kiện di dời nơi ở cho người dân để tránh tình trạng vi phạm chỉ chỉ giới, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Còn nếu Hà Nội muốn giữ lại mô hình cà phê đường tàu nên có cơ chế, chính sách đặc thù và thay đổi công tác quản lý các hộ dân kinh doanh để Thủ đô vừa có thể mô hình du lịch mới vửa đảm bảo được an toàn giao thông đường sắt.

Theo Trung tá Doãn Lê Trường Khoa - Phó Trưởng Công an phường Điện Biên: Để xử lý dứt điểm những vi phạm trật tự an toàn hành lang giao thông đường sắt cần sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị. Bộ phận trật tự đô thị, kinh tế phường phối hợp Công an phường mời các hộ dân sinh sống trong khu vực đường tàu tới Ủy ban nhân dân phường làm việc, xử lý vi phạm đối với các hộ gia đình kinh doanh trong khu vực đường tàu vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt (nếu có). Bên cạnh đó, phối hợp với Ban Chỉ đạo 197 các phường tuyên truyền tới các hộ dân không tiến hành hoạt động kinh doanh vi phạm an toàn hành lang giao thông đường sắt, phối hợp xử lý nếu có vi phạm.

Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?
Cà phê đường tàu: Cấm hay quản?
Nội dung: Kim Tiến - Minh Phương | Đồ họa: Đức Hà