Bắt đầu từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực. Để góp phần nhanh chóng đưa Luật Căn cước đi vào thực tiễn cuộc sống, Công an thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực hết mình triển khai cấp căn cước cho công dân. |
Những ngày này, trụ sở Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an quận Đống Đa, Hà Nội, có rất đông người dân đến để làm Thẻ căn cước. Để phục vụ nhân dân tốt nhất, góp phần giảm thời gian đi lại, giảm thủ tục giấy tờ cho nhân dân, theo Thiếu tá Đỗ Thị Huyền Trang - cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận Đống Đa, từ ngày 1/7, Công an quận Đống Đa tổ chức cấp thẻ căn cước cho công dân. Để phục vụ nhu cầu làm thẻ căn cước của nhân dân đang tăng cao, trong tuần đầu tiên thực hiện Luật Căn cước 2023, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận và Công an các phường đã triển khai nhiều tổ công tác làm việc hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật và các buổi tối. |
Tại trụ sở Công an phường Phương Mai, anh Vũ Thạch Linh (33 tuổi, ở phường Phương Mai) cho biết, cách đây vài ngày, tôi có nhận được tin nhắn của đồng chí Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn thông báo về việc làm căn cước cho con gái tôi 18 tháng tuổi. Theo đó, tôi được biết Công an phường Phương Mai sẽ tổ chức cấp căn cước cho các bé từ 0-6 tuổi vào tất cả các ngày từ thứ Hai đến Chủ nhật, và vào các buổi tối. Bố mẹ không cần đưa cho đến trụ sở mà chỉ cần mang theo hồ sơ để thu nhận thông tin. Do đặc thù công việc làm hành chính, nên tôi đã chọn thời gian là tối thứ Bảy đến trụ sở Công an phường để làm căn cước cho bé. Thật sự tôi rất bất ngờ, ngạc nhiên khi chỉ mất 2-3 phút để làm căn cước cho con. Lực lượng Công an làm việc cả cuối tuần, và buổi tối giúp những người không thể đi làm giấy tờ vào giờ hành chính như tôi cảm thấy rất thuận tiện và hài lòng... Theo Trung tá Nguyễn Duy Định - Trưởng Công an phường Phương Mai, ngay khi triển khai Luật Căn cước 2023, Ban chỉ huy Công an quận đã chỉ đạo lực lượng Công an các phường phối hợp chặt chẽ với Đội Cảnh sát QLHC về TTXH tổ chức lực lượng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân làm thẻ căn cước. Đối với lứa tuổi từ 0-6 tuổi không cần thu nhận sinh trắc học mà chỉ cần giấy khai sinh của các bé. |
Chính vì vậy, Công an phường Phương Mai đã yêu cầu tất cả Cảnh sát khu vực tiến hành rà soát và thông báo đến công dân trên địa bàn mình về việc cấp căn cước cho các bé trong độ tuổi này. Trong đó nội dung thông báo rõ thời gian, địa điểm và các giấy tờ cần thiết để người dân có sự chủ động chuẩn bị chu đáo, không mất nhiều thời gian đi lại, tạo sự thuận tiện cho công dân. Cùng với đó, Công an phường đã tăng cường lực lượng, cán bộ, chiên sĩ chia ca làm việc vào tất cả các ngày trong tuần và buổi tối đến 22h để phục vụ nhân dân đến làm căn cước... Tại huyện Hoài Đức, ghi nhận vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm đầu tháng 8/2024, những con đường, ngõ phố vắng bóng người qua lại nhưng tại nơi thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước của Công an huyện, người dân vẫn tập trung đông đợi đến lượt mình. Khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Hoài Đức đã nỗ lực hết mình thực hiện nhiệm vụ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước với tinh thần vì nhân dân phục vụ. Thượng tá Vũ Trường Giang - Phó Trưởng Công an huyện Hoài Đức, cho biết, nhằm phục vụ nhân dân, Công an huyện đã chỉ đạo Đội Cảnh sát QLHC về TTXH tổ chức thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước cho nhân dân tại trụ sở Công an huyện và thành lập một tổ công tác lưu động đến Công an các xã. |
Chị Nguyễn Thị Năm (trú tại xã Kim Chung) đã đến trụ sở Công an xã từ 7h30 ngày 10/8 để làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho con. Chị chia sẻ, các cô, chú Công an xã tuyên truyền nhiều về lợi ích của thẻ căn cước nên tranh thủ những ngày còn được nghỉ hè, gia đình đưa con đến làm thủ tục. Không có điều kiện vật chất như tại trụ sở Công an huyện, địa điểm thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước lưu động thường là hội trường Ủy ban nhân dân các xã. Hầu hết đều không điều hòa mà chỉ có những chiếc quạt trần quay tít. Từng giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt người chiến sĩ, công dân và các em nhỏ. “Trời nóng như thế nhưng công dân không ngại đến với mình, cảm động lắm. Vậy nên chúng tôi cũng động viên nhau khắc phục khó khăn của thời tiết phục vụ công dân đến người cuối cùng”, Trung tá Nguyễn Thị Hiền - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Hoài Đức, bày tỏ. Khoảng 22h30 ngày 10/8, chị Dương Thị Huyền Chang cùng con Nguyễn Dương Phương Mai (trú tại xã Kim Chung) đã hoàn thành thủ tục cấp thẻ căn cước và rời khỏi trụ sở Công an xã. “Người dân đến xếp hàng đợi đến lượt làm hồ sơ nhiều lắm chỉ trong vòng 1 giờ, nhưng còn cán bộ Công an thì họ phải làm nhiệm vụ trong điều kiện nắng nóng nguyên một ngày, từ sáng đến đêm khuya. Nhân dân chúng tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn, sự khâm phục”, chị Chang bày tỏ. |
Tương tự, tại huyện Ba Vì, Công an huyện đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong triển khai thi hành Luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung Luật với nhiều hình thức, trong đó tập trung tuyên truyền về 10 điểm mới của Luật Căn cước, tính ưu việt, hiệu quả của thẻ căn cước mang lại đến các tầng lớp nhân dân. Công an huyện Ba Vì cử lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện công tác cấp căn cước sử dụng phần mềm cấp căn cước mới được tham gia tập huấn tại Công an Thành phố; chuẩn bị trang thiết bị, máy móc và các điều kiện bảo đảm việc triển khai, thực hiện Luật Căn cước và phục vụ công dân thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước được nhanh chóng, đúng quy định. Chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tổ chức rà soát các đối tượng công dân thuộc diện cấp thẻ căn cước và đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước; thu thập, cập nhật chỉnh sửa thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Đại tá Kiều Quang Phương - Trưởng Công an huyện Ba Vì, cho biết: Thời gian qua, Công an huyện Ba Vì đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về các quy định của Luật Căn cước, các văn bản hướng dẫn thi hành; những điểm mới của Luật Căn cước, sinh trắc học mống mắt và tính ưu việt của Luật Căn cước. Tập trung nguồn nhân lực, máy, trang thiết bị tổ chức cấp thẻ căn cước lưu động tại các xã, thị trấn. Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đợt cao điểm mang lại hiệu quả cao. |
Thực hiện Kế hoạch của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an về mở đợt cao điểm triển khai thực hiện Luật Căn cước chào mừng Quốc khánh và Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân năm 2024; Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn Thành phố, Công an Thành phố đã ban hành Kế hoạch mở đợt cao điểm triển khai Luật Căn cước với hàng loạt nhiệm vụ cụ thể giao cho công an các đơn vị, địa phương. Mục đích của đợt cao điểm nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời phát huy vai trò xung kích, đi đầu của lực lượng Công an nhân dân trong việc triển khai thực hiện Luật Căn cước; các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và vai trò của cán bộ, chiến sĩ trong tham mưu, hướng dẫn triển khai, đôn đốc thực hiện các mặt công tác trong đợt cao điểm. |
Thông qua cao điểm, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo việc thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử cho công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, bổ sung làm giàu dữ liệu góp phần xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước phục vụ hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước của các ban, ngành có liên quan. Đợt cao điểm tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm công tác tuyên truyền; tổ chức thu nhận hồ sơ cấp Căn cước, Giấy chứng nhận căn cước cho người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ những địa bàn cấp xã có chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, đổi tên); Thực hiện rà soát, cập nhật dữ liệu dân cư hoàn thành 100% chỉ tiêu công tác đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” còn tồn và phát sinh thường xuyên; Kiểm tra, phúc tra việc tiếp nhận, triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quá trình triển khai đến công tác thực tiễn; Trách nhiệm nêu gương đi đầu trong công tác cấp Căn cước và cấp tài khoản định danh điện tử của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an, cán bộ, công chức, viên chức và công nhân viên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; đăng ký quản lý cư trú; phòng chống tội phạm; theo dõi, đảm bảo thông suốt đường truyền, an ninh an toàn thiết bị… |
Cao điểm được chia thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 từ ngày 24/7 đến ngày 3/8 và giai đoạn 2 từ ngày 4/8 đến ngày 1/9. Trước đó, đúng 7h sáng 1/7, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện Luật Căn cước, thu nhận hồ sơ cấp Thẻ căn cước cho công dân có nhu cầu. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đã đến kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật Căn cước và thu nhận hồ sơ cấp Thẻ căn cước tại Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. Chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH thông tin, Luật Căn cước có nhiều điểm mới nên từ trước đó, Phòng đã triển khai rất nhiều chương trình tập huấn cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện. Theo Luật Căn cước, đối tượng được cấp thẻ căn cước đã mở rộng hơn như đối tượng dưới 14 tuổi; đặc biệt là nhóm đối tượng từ 6-14 tuổi, nhóm đối tượng phải thu nhận sinh trắc học. “Việc thu nhận sinh trắc học đối với các cháu, nhất là khi thu nhận vân tay tương đối khó khăn, do đó trong quá trình thực hiện đề nghị bộ phận cấp Thẻ căn cước tập trung, thao tác kỹ thuật đảm bảo việc thu nhận được thuận lợi, đúng yêu cầu nghiệp vụ của Bộ Công an”, Trung tá Nguyễn Thành Lâm nhấn mạnh… |
Theo quy định về cấp thẻ căn cước, đã đặt ra yêu cầu thu nhận mống mắt đối với tất cả các trường hợp. Vì vậy, trong khi vận hành trang thiết bị, cán bộ chiến sĩ cần lưu ý hướng dẫn người dân để có thể thu nhận sinh trắc học mới nhất này một cách đảm bảo. Trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, theo chỉ đạo của Bộ Công an, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật, cán bộ chiến sĩ phải thực hiện nhiệm vụ tích hợp các thông tin dữ liệu của người dân vào trong thẻ căn cước. Do đó khi người dân có nhu cầu tích hợp giấy tờ pháp lý giúp thuận lợi hơn trong các giao dịch, cán bộ, chiến sĩ chú ý tích hợp đầy đủ theo nhu cầu của người dân. “Mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tiếp dân cần nêu cao tinh thần nêu gương, trách nhiệm và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi người dân, tránh trường hợp người dân đến mà không được làm thủ tục”, Trung tá Nguyễn Thành Lâm cho biết. |
----------------------------------------- Nội dung: Minh Phương - Thiết kế: P.Thắng |