Trong không khí chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có những chia sẻ với Báo Lao động Thủ đô về những thành quả đạt được của thành phố Hà Nội trong năm vừa qua và định hướng phát triển trong thời gian tới, nhằm tiếp tục xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. |
Phóng viên: Một mùa Xuân mới đến, nhìn lại năm 2023, Thủ đô Hà Nội đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Đồng chí có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong năm qua? |
Năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm bản lề, đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025); tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, năm vừa qua, Thủ đô Hà Nội phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, do các yếu tố chủ yếu như: Tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến bất thường; cuộc xung đột quan hệ giữa Nga - Ukraine; khủng hoảng leo thang ở Dải Gaza; tình trạng khó khăn về kinh tế vĩ mô toàn cầu do lạm phát,… đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và của Thủ đô. Trong bối cảnh đó, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị toàn Thành phố triển khai quyết liệt các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Thành ủy; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, quyết liệt tổ chức triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược, thường xuyên quan tâm giải quyết các nhiệm vụ mang tính bức xúc dân sinh... Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; các cấp, các ngành đã quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc; quy tụ đoàn kết, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Nhìn lại năm 2023, có thể khẳng định, công tác tư tưởng, tuyên giáo tiếp tục được đổi mới và tăng cường. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được triển khai quyết liệt, cách làm bài bản, khoa học, có nhiều đổi mới. Ngày 7/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 171-KH/TU về thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU và tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn Thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát được tập trung lãnh đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt được những kết quả rất tích cực. Công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thường xuyên quan tâm lãnh đạo. Công tác dân vận được chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, qua đó góp phần xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trong phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát của năm 2023; hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá. GRDP đạt 6,27% (cao hơn mức bình quân chung cả nước); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách trên địa bàn đạt 410,51nghìn tỷ đồng (đạt 116,3% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022); chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%; vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch đến thủ đô Hà Nội dự kiến đạt 24 triệu lượt khách, trong đó 4 triệu lượt khách quốc tế. |
Cùng với đó, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tạo nhiều việc làm cho người lao động, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Khoa học và công nghệ được quan tâm, đẩy mạnh. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) 2022 tăng 7 bậc, Chỉ số SIPAS tiếp tục giữ nguyên thứ hạng. Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường tiếp tục được tập trung thực hiện. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm, đã hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài… Công tác phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm đầu tư và chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; Thành phố đã có 18/18 huyện nông thôn mới; 382/382 xã nông thôn mới; 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại có hiệu quả và tiếp tục được mở rộng, nâng cao. Đặc biệt, Thành phố đã triển khai bài bản, khoa học nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, quyết định đến sự phát triển bền vững của Thủ đô trước mắt và tương lai, như: Phối hợp xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6; dự kiến Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024); đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố; khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mục tiêu hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027...; tiếp tục triển khai Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa, Nghị quyết về chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch đầu tư về 3 mục tiêu cải tạo, nâng cấp, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, y tế và tu bổ di tích lịch sử giai đoạn 2022 -2025 và các năm tiếp theo; đề án cải tạo lại chung cư cũ; đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công; đề án phân cấp, ủy quyền… |
Phóng viên: Những thành quả đạt được nêu trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô. Trong đó, tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, lao đông (CNVCLĐ) Thành phố có đóng góp như thế nào, thưa đồng chí? |
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 250 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với trên 2,7 triệu lao động; trong đó 9.208 Công đoàn cơ sở với 664.031 đoàn viên Công đoàn làm việc, sinh sống. Hòa chung khí thế đổi mới của Thành phố, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã bám sát nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các lĩnh vực hoạt động và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, các cấp Công đoàn Thủ đô đã làm tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa trong doanh nghiệp, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất bền vững. Cùng với đó, tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ đã phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Thành phố. Có thể khẳng định, trong những kết quả chung của Thành phố có sự đóng góp chủ lực của đội ngũ CNVCLĐ, nhất là lực lượng công nhân lao động trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội. CNVCLĐ Thủ đô đã phát huy hàng vạn sáng kiến cải tiến, được áp dụng vào sản xuất và công tác, làm lợi cho nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng. Qua rèn đức, luyện tài, hàng ngàn công nhân lao động trực tiếp đã trở thành “Công nhân giỏi” điển hình tiên tiến các cấp. Đây chính là “nguồn của cải” vô giá đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và thành phố Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. |
Phóng viên: Năm 2024 được dự báo có rất nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đồng chí có thể cho biết Thành phố sẽ làm gì để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, từ đó thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025)? |
Năm 2024 được đánh giá sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Bởi những khó khăn trong nội tại của năm 2023 được dự báo kéo dài đến năm 2024, trong khi tình hình khu vực, thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng, hàng rào bảo hộ gia tăng… Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh, thiên tai vẫn có những diễn biến bất thường, khó lường. Ở trong nước, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đưa vào khai thác; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, có chuyển biến tích cực, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản,…; tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đề ra. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương. Dự kiến những văn bản định hướng dài hạn cho phát triển Thủ đô sẽ được xem xét, ban hành (Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), làm căn cứ để Thành phố triển khai thực hiện nhằm khai thác tốt các nguồn lực cho phát triển… Thành ủy Hà Nội xác định rõ năm 2024 là tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do đó, quan điểm chỉ đạo của năm 2024 là: Phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác. |
Với khí thế, quyết tâm và niềm tin của một mùa Xuân mới, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2024, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. |
Phóng viên: Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, đồng chí có gửi gắm gì tới tổ chức Công đoàn Thành phố và đông đảo CNVCLĐ Thủ đô? |
Năm 2023 với tổ chức Công đoàn Thành phố và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô có ý nghĩa rất quan trọng. Các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức thành công Đại hội, tiến tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 cũng được tổ chức thành công vào tháng 10/2023. Đại hội Công đoàn các cấp đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên Công đoàn Thủ đô. Với phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội đã thông qua Nghị quyết xác định rõ mục tiêu tổng quát của phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Thủ đô nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đây là tiền đề quan trọng để tổ chức Công đoàn Thành phố tiếp tục có nhiều đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, sâu sát, hướng về cơ sở, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; khẳng định là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương. |
Dự báo tình hình thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, cùng với đó là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và quá trình toàn cầu hóa đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong khi chúng ta phải bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2024, tăng tốc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra. Vì vậy, Thành ủy mong muốn các cấp Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để phát huy vai trò là cầu nối, động viên toàn thể CNVCLĐ phấn đấu, thi đua hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước; cùng Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Hà Nội xây dựng Thủ đô thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024, tôi mong muốn Công đoàn Thành phố tổ chức hiệu quả, nghĩa tình Chương trình “Tết Sum vầy” để chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, yên vui đón Tết! Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí. |
. |
Nội dung: Nguyễn Công | Đồ họa: Đức Hà |