Đón Tết thời 4.0

09:29 | 12/02/2021
Trong thời đại công nghệ 4.0, ngày Tết đối với công nhân lao động dường như gọn nhẹ và thực chất hơn, bởi nhờ mua sắm online, họ không còn phải tất bật và tốn thời gian sắm Tết theo phương thức truyền thống. Những ngày nghỉ Tết với họ là khoảng thời gian quý giá để sum họp gia đình, gắn kết yêu thương và tái tạo sức lao động để sẵn sàng cho một năm mới làm việc năng suất, hiệu quả.
Hà Nội: Bùng nổ dịch vụ mua bán online mùa dịch Phở Hà Nội thời 4.0

Sắm Tết online

Từ khi có thông tin chính thức về lịch nghỉ Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thu Trà (công nhân đang làm việc tại Công ty Panasonic, khu công nghiệp Thăng Long) đã tranh thủ thời gian rảnh truy cập vào các ứng dụng mua sắm online để sắm Tết.

Đón Tết thời 4.0
Tranh thủ mua sắm tết online. Ảnh: S.Tùng

Chị Trà chia sẻ: “Những ngày cuối năm, đặc biệt là những ngày giáp Tết là khoảng thời gian rất bận rộn. Khi đó, công nhân vừa phải đảm bảo công việc để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, vừa phải tranh thủ mua sắm đồ để về quê đón Tết. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, hai năm nay, tôi lên kế hoạch mua sắm đồ đón Tết từ sớm và vào các ứng dụng mua sắm online để lựa chọn và mua các mặt hàng cần thiết, từ quần áo đến đồ dùng, thực phẩm…”.

“Mua hàng online rất tiện lợi, vừa có thể thoải mái lựa chọn các mặt hàng, yêu cầu tư vấn khi cần thiết và so sánh giá cả để được mua với giá ưu đãi nhất, vừa tiết kiệm được thời gian và công sức vận chuyển, bởi khi mua hàng online sẽ được giao hàng tới tận địa chỉ người mua đăng ký. Tuy làm việc tại Hà Nội nhưng khi mua hàng tôi đăng ký địa chỉ giao ở quê Nghệ An và nhờ ông bà ở quê nhận hàng giúp.

Đến ngày về quê, vợ chồng tôi chỉ cần mang theo những vật dụng cá nhân cần thiết chứ không phải vất vả, tay xách nách mang nữa. Nhờ ứng dụng công nghệ để sắm Tết nên ngày Tết đối với tôi dường như gọn nhẹ và thực chất hơn, tôi có nhiều thời gian dành cho bản thân, gia đình hơn, đặc biệt là có thời gian để tái tạo sức lao động sau một năm làm việc vất vả” – chị Trà bày tỏ.

Không chỉ mua sắm Tết online, nhiều công nhân lao động cũng sử dụng mạng Internet để phục vụ những mục đích thiết thực như đặt mua vé tàu, vé xe để về quê đón Tết. Chị Trần Thị Yến (quê Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trước đây, khi còn khó khăn, tôi thường được Công đoàn và công ty hỗ trợ xe đưa đón về quê ăn Tết. Nhưng từ khi có điều kiện kinh tế hơn, tôi đã chủ động nhường suất hỗ trợ đó cho những đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn trong công ty.

Để không gặp cảnh chen lấn, xô đẩy và không khí ngột ngạt trên những chuyến xe ngày cuối năm, ngay sau khi biết lịch nghỉ Tết của công ty, tôi đã đặt vé xe online để về quê. Trước khi đặt vé, tôi cũng tham khảo thông tin phản hồi về các nhà xe để lựa chọn với tiêu chí xe không dừng bắt khách dọc đường, không ngồi quá số ghế quy định… Nhờ đó, tôi đã lựa chọn được những chuyến về quê đón Tết an toàn, thoải mái. Có thể nói, khi biết ứng dụng công nghệ 4.0 vào cuộc sống, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn”.

Gắn kết yêu thương nhờ công nghệ

Đối với bất kỳ ai, mỗi khi Tết đến xuân về đều có mong muốn được sum họp gia đình, quây quần bên mâm cơm tất niên để cùng nhau nhìn lại một năm cũ đã qua và gửi tặng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Tuy nhiên, có những lý do như đặc thù công việc phải làm ngày Tết hay khoảng cách địa lý… khiến cho mong muốn của nhiều người không được hiện thực hóa.

Nhưng nhờ công nghệ và mạng Internet đã giúp cho những người đón Tết xa nhà cảm nhận được không khí ấm áp bên người thân, gia đình trong những ngày Tết. Anh Nguyễn Văn Chính (công nhân làm trong một công ty thuộc lĩnh vực xây dựng tại Hà Nội) chia sẻ: “Công nhân xây dựng chúng tôi quanh năm gắn bó với các công trường, dự án. Có những năm, do phải đảm bảo tiến độ của dự án, tôi và nhiều đồng nghiệp khác phải làm cả những ngày Tết. Điều đó đồng nghĩa với việc phải đón Tết xa nhà, xa gia đình”.

Ai đã từng đón Tết mà không có người thân bên cạnh chắc sẽ hiểu cảm giác có một chút trống trải, cô đơn, nhất là trong khoảnh khắc giao thừa, khi mà những tràng pháo hoa bắt đầu bung nở trên bầu trời và âm thanh của những bản nhạc chúc mừng năm mới vang lên. Tuy nhiên, từ khi công nghệ phát triển, có mạng Internet và các ứng dụng Facebook, zalo… đã phần nào làm vơi đi sự trống trải, cô đơn đó.

“Khi không được đón Tết cùng gia đình, tôi đều gọi điện qua Facebook hoặc Zalo cho tất cả người thân của mình để được nhìn thấy nhau và chúc nhau những lời chúc tốt lành nhân dịp đầu năm mới. Khi gọi trực tiếp như thế, tôi cũng cảm nhận được không khí Tết ở quê nhà và cảm thấy ấm áp hơn” – anh Chính tâm sự.

Cũng giống như anh Chính, nhiều người đã sử dụng công nghệ và mạng xã hội để trò chuyện, gắn kết với nhau khi không có điều kiện gặp gỡ nhau trong những ngày lễ, Tết. Anh Vũ Văn Yên (công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Quang Minh) chia sẻ: “Ngày Tết, tất cả mọi người trong khu trọ nơi tôi đang thuê đều về quê để sum họp với gia đình. Tuy nhiên, mỗi người một nơi không có nghĩa là không thể gặp gỡ, trò chuyện với nhau”.

“Từ khi có mạng xã hội, chủ nhà trọ đã lập một nhóm Zalo gồm tất cả những người trong khu trọ. Ngoài việc hằng ngày trao đổi những thông tin cần thiết thì vào những dịp lễ, Tết, nhóm Zalo này cũng là nơi để chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện và chúc mừng nhau. Qua cuộc gọi video, chúng tôi đều được nhìn thấy nhau và giới thiệu cho nhau những người thân và không khí Tết tại gia đình mình. Nhờ đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong khu trọ càng thêm gắn kết hơn.

Gắn kết, chia sẻ và giúp đỡ nhau cũng là điều mà lao động xa quê luôn mong muốn, bởi như thế chúng tôi sẽ có một môi trường sống an toàn để yên tâm lao động sản xuất. Và chính công nghệ, mạng xã hội đã góp phần giúp chúng tôi làm được điều đó” – anh Yên bày tỏ.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này