Nhức nhối hàng giả, nhái trên không gian thương mại điện tử

07:47 | 10/11/2022
Một kho hàng lớn tới mức giao dịch lên đến gần 650 tỷ đồng trong 2 năm; một kho hàng bán qua livetream trên mạng xã hội với 1.000 đơn/ngày... Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ gian lận hàng hóa thông qua thương mại điện tử được triệt phá trong thời gian qua. Điều này cho thấy, vấn đề gian lận thương mại trên không gian mạng thực sự nhức nhối và đây cũng là mặt trái của sự bùng nổ thương mại điện tử.
Hàng giả, hàng nhái bán qua livestream: Vì sao khó quản, khó xử lý? Đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên "chợ mạng"?

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến, đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân. Hàng hoá giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn TMĐT, ứng dụng bán hàng như Shopee, Lazada, Tiki… rất phong phú, đa dạng với hàng trăm ngàn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau.

Theo Sách Trắng Thương mại điện tử, năm 2021, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô khoảng 14 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.

Nhức nhối hàng giả, nhái trên không gian thương mại điện tử
Lực lượng QLTT tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm.

Được đánh giá là nước có tiềm năng lớn về phát triển TMĐT, với tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 trong khu vực Ðông Nam Á. Tuy nhiên, tiềm năng lớn đi cùng với thực trạng nhức nhối khi tình trạng bán hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng ngày càng tăng. Người tiêu dùng Việt đang dần mất niềm tin với hoạt động mua bán trực tuyến trên cả các sàn TMĐT uy tín, lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo… Sách Trắng Thương mại điện tử cũng chỉ ra, trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chính là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo.

Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, chỉ trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng TMĐT rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các sàn TMĐT rà soát và gỡ bỏ trên 200 gian hàng và trên 500 sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, gian lận trên sàn TMĐT vẫn còn “kẻ có tóc” để nắm, nhưng những gian lận từ các tài khoản mạng xã hội mới thực sự “khủng” và vô cùng khó nắm bắt. Thời gian qua, rất nhiều vụ việc lớn, phức tạp liên quan đến gian lận thương mại trên TMĐT đã được Tổng cục QLTT triệt phá. Trong đó phải kể đến kho hàng hơn 10.000m2 ở Lào Cai với doanh thu lên đến 649 tỷ đồng trong vòng chưa đến 2 năm hoạt động; hay như kho hàng giả mạo có diện tích 2.000m2, được bán qua hình thức livestream lớn nhất tỉnh Tuyên Quang với hàng chục nghìn sản phẩm tiêu dùng nghi giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Nike, Adidas, Dior, Chanel, Gucci, Hermes... Trong đó, facebook chính của cơ sở này mang tên “Nhật Minh - Tổng kho buôn số lượng lớn” đã thu hút 345.000 lượt thích và theo dõi; trung bình mỗi ngày, công nhân thực hiện đóng gói trên dưới 1.000 đơn sau đó giao cho đơn vị chuyển phát. Theo chủ cơ sở thừa nhận, hàng hóa được bày bán chủ yếu nhập từ nguồn hàng thanh lý của chợ Ninh Hiệp (Hà Nội).

Từ những vụ việc trên có thể thấy, vấn nạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng đang bùng nổ và khó kiểm soát, trong khi đó các chế tài xử lý dường như vẫn chưa thể theo kịp. Và đây chính là lý do thôi thúc cơ quan chức năng cần nhanh chóng chỉnh sửa những vấn đề bất cập liên quan đến quản lý TMĐT.

Đề cập đến vấn đề này, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” vừa diễn ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân nhận diện việc xử lý gian lận trên TMĐT còn rất thấp là do tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày càng lớn của loại hình này. Các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để một mặt cung cấp thông tin về hàng hóa, quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ… bán tràn lan trên không gian mạng. Điều này đã đặt ra thách thức không chỉ đối với công tác thanh tra, kiểm soát thị trường mà còn thách thức với cả nền kinh tế.

Vì thế, về mặt quy định pháp lý cũng cần được tiếp tục hoàn thiện để điều chỉnh kịp thời và đầy đủ các hành vi vi phạm mới trong bối cảnh của hội nhập quốc tế sâu rộng, sự chuyển đổi số nền kinh tế, hay tiến tới là nền kinh tế số. Vì thế, chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng, quản lý thương mại truyền thống vốn đã khó dù được nhìn tận mắt, sờ tận tay, vì thế việc quản lý hàng hóa qua TMĐT càng khó khăn hơn. “Người tiêu dùng luôn ở thế yếu trong quan hệ mua bán nên dự án Luật sửa đổi cần phải quản lý cả khâu trung gian để tìm được người sản xuất”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này