Đại biểu Quốc hội: Thủ đô phải giữ được không gian văn hóa, nét đẹp riêng có Triển khai hiệu quả Luật Thủ đô, cần đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên” |
Đánh giá rất cao các điều khoản thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua với số phiếu rất cao, chứng tỏ các đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt đến sự phát triển chung của Thủ đô cũng như sự phát triển chung của đất nước.
Theo đại biểu, các khuôn khổ pháp lý của Luật Thủ đô hiện hành không còn phù hợp với xu thế phát triển đất nước, chính vì thế chúng ta đã sửa đổi Luật Thủ đô, tạo ra hành lang pháp lý phù hợp hơn, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng cho Thủ đô mà còn cho cả đất nước.
Thủ đô là trung tâm về chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước, và khi Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước thì đất nước sẽ phát triển bền vững, đạt được những mục tiêu mà chúng ta đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
![]() |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. |
“Một trong những điều tôi đánh giá rất là cao, rất tích cực trong Luật Thủ đô lần này, đó là những quy định về văn hóa. Hà Nội luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước.
Chính vì thế, những điều khoản tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa Thủ đô, cũng tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hóa đất nước và trong Luật Thủ đô lần này, chúng ta có rất nhiều quy định liên quan đến văn hóa”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hay trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó, tạo ra những thuận lợi để cho lĩnh vực văn hóa có được những bước phát triển mới.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng đánh giá rất cao các điều khoản thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Chúng ta đều biết, Thủ đô rất quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta có Nghị quyết 09-NQ/TU về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô và để cho vấn đề này đi vào thực tiễn cuộc sống, thì những điều khoản liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trong Luật Thủ đô thực sự sẽ giúp cho những quan điểm, chủ trương này được thực hiện tốt hơn.
Cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, Luật Thủ đô là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Như vậy, trước hết, một trong những vấn đề cốt lõi trong Luật Thủ đô là các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; quan trọng nhất là phát huy được truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến và Thủ đô văn minh, hiện đại.
![]() |
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội). |
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã luật hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính của các địa phương, từ Thành phố đến các quận, các phường, từ đó, có cơ chế ủy quyền, phân cấp, giúp cấp ủy và chính quyền Thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế.
Thủ đô Hà Nội đã được chứng minh là một trong những trung tâm thu hút nhân tài, các nhà khoa học của cả nước. Luật Thủ đô đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, trong đó xác định vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ khoa học là hết sức quan trọng, thậm chí là cơ chế quyết định để phát triển và nâng tầm Thủ đô.
“Tôi cho rằng, Thủ đô với truyền thống, kinh nghiệm đã thu hút nhân tài, các nhà khoa học trước đây, thì với chính sách mới, với những cơ sở pháp lý mới sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế và Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tài.
Từ đó, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương có đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa” để các nhà khoa học phát huy. Đây là một trong những yếu tố, tác nhân hết sức quan trọng để phát triển Thủ đô thời gian tới”, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết.
Bên cạnh đó, đại biểu Trương Xuân Cừ cũng nhìn nhận, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định đổi mới các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, việc đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội cũng là cơ sở để Thành phố có môi trường, điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, các nhà khoa học trong vấn đề góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô...
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/luat-thu-do-sua-doi-co-so-phap-ly-de-thuc-hien-muc-tieu-ca-nuoc-vi-ha-noi-ha-noi-vi-ca-nuoc-172905.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này