15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: Hà Nội vươn mình bứt phá
Kỷ niệm 13 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội (1/8/2008-1/8/2021): Vượt qua gian khó, vững bước thành công Tiếp tục đổi mới, bứt phá vươn lên |
Những đổi thay nơi ngoại thành
Đến ngoại thành Hà Nội không ít lần, nhưng lần nào cũng vậy, những chuyến đi đều để lại trong tôi những cảm xúc khác biệt. Hôm ghé thăm huyện Đan Phượng, tôi gặp chị Đặng Thị Cuối, một nông dân đam mê trồng rau hữu cơ, có doanh thu tiền tỷ ở trong vùng. Ít ai biết, chị Cuối cũng là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh năm vừa qua. Kể về quãng hành trình lập nghiệp nơi ngoại thành, chị kể, trước đây gia đình rất nghèo, có thời gian chị phải bôn ba đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng, cũng nhờ vậy chị lại có trải nghiệm mới mẻ về trồng rau áp dụng công nghệ tân tiến. Qua nhiều năm mày mò học tập, chị Đặng Thị Cuối quyết định về quê khởi nghiệp.
Hà Nội ngày càng đồng bộ và phát triển. Ảnh: Giang Nam |
Thế nhưng, khó khăn ban đầu là không tránh khỏi, có thời điểm sản phẩm từ cơ sở chị Cuối làm ra đẹp nhưng bán không ai mua. Hàng xóm xung quanh đều nghi ngại, cho rằng chị sẽ thất bại. Không cam chịu với kết quả đó, chị Cuối quyết định đem rau ra chợ, ai chê thì chị tặng, ai mua thì bán. Dần dà, mọi người hiểu hơn về sản phẩm rau an toàn nơi chị trồng, hiểu hơn về nông nghiệp công nghệ cao, vườn rau của chị trồng cứ thế làm không đủ bán.
May mắn hơn, thấy được sự quyết tâm mang “luồng gió mới” trong lĩnh nông nghiệp của chị, huyện Đan Phượng đã “tiếp sức”, cho vay thêm kinh phí. Các cán bộ Phòng Kinh tế huyện cũng giúp đỡ tận tình nên mô hình trồng rau của chị Cuối càng ngày càng phát triển mạnh. Nhiều người từ khắp mọi miền đất nước về học hỏi. Ai về, chị cũng tư vấn tận tình, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm để tất cả cùng tiến bộ. Đáng chú ý, hiện hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đều được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định. Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình, chị Cuối còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Đó là sự năng nổ, nhanh nhẹn “chuyển mình” của người nông dân khi biết nắm bắt công nghệ, khi được chính quyền tạo cơ chế phát triển. Thời điểm hiện tại, ở nhiều địa phương khác, bộ mặt kinh tế, đời sống người dân cũng ngày một rõ rệt. Vân Hòa (huyện Ba Vì) - một trong những xã vùng dân tộc thiểu số xa trung tâm của Hà Nội là ví dụ. Ông Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Vân Hoà chia sẻ, do là xã miền núi nên Vân Hòa có tỷ lệ người dân tộc chiếm 48%, trong đó có 2 dân tộc sinh sống chủ yếu là Kinh, Mường và một số ít dân tộc khác.
Những khó khăn khi phát triển kinh tế sao cho đồng bộ là khó tránh khỏi. Nhưng bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân xã, sự quan tâm của huyện và Thành phố, Vân Hòa đã có những bước tiến dài trên chặng đường nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo của Vân Hòa.
Giống như Vân Hòa, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cũng có xuất phát điểm là một trong những địa phương từng gặp nhiều khó khăn trước khi sáp nhập. Thế nhưng, Tiến Xuân hôm nay đã khác xưa. Chẳng khó để thấy đó là điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được đầu tư đồng bộ và khang trang.
Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, Tiến Xuân hôm nay đã có những đổi thay tích cực, xã được Thành phố, huyện đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, hiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân tiếp tục được cải thiện. Hiện, Tiến Xuân đã có hộ dân đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại; phát triển nghề trồng rừng (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi); đa số lao động trẻ có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong vùng...
Cách Tiến Xuân không xa, xã vùng khó Yên Trung cũng đang có sự đổi thay toàn diện về mọi mặt. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Yên Trung cho biết, đến tháng 8 này là tròn 15 năm địa phương sáp nhập vào Hà Nội. Tách ra từ Hòa Bình, Yên Trung về Thạch Thất của Hà Nội đã có những bước chuyển hết sức mạnh mẽ. Dễ thấy nhất là hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm hiện đã được mở mang, bê tông hóa 95%. Xã cũng đạt danh hiệu nông thôn mới từ năm 2016.
Ông Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ, điều kiện kinh tế trên địa bàn hiện có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như thời điểm năm 2008, thu nhập bình quân/người ở Yên Trung chỉ đạt dưới 30 triệu đồng/người/năm thì nay đạt 65 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%, năm 2023 này, Yên Trung phấn đấu không còn hộ nghèo.
Tầm vóc mới, bản lĩnh mới
Thời gian qua, dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thách thức, nhất là sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền, lượng công việc phải thực hiện lớn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức. Dễ thấy, tại Hà Nội, nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín.
Hàng loạt dự án giao thông lớn nhỏ được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi. Nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô. Trong khu vực nội đô, nhiều tuyến đường như: Vành đai 1, Vành đai 2 và một số đoạn tuyến của Vành đai 2,5 cùng Vành đai 3 và 3,5... được tích cực triển khai xây dựng; Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được mở rộng.
Có thể thấy, sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những thành công đó đã khẳng định những nỗ lực vượt bậc, minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. |
Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, năm 2022, ngoài các dự án trọng điểm, Ban đã hoàn thành, thông xe nhiều dự án, như Hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... trong năm 2023, Ban tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai các dự án ngay từ những ngày đầu năm sát với thực tế để triển khai thực hiện đáp ứng tiến độ, tập trung chỉ đạo, đôn đốc công tác thi công những dự án còn tồn tại vướng mắc. Đồng thời, tập trung hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những khó khăn mà một số dự án đang gặp phải.
Với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, thời gian qua mạng lưới xe buýt Hà Nội tiếp tục được phát triển, điều chỉnh hợp lý hóa để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố gồm 154 tuyến (trong đó 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).
Đáng chú ý, mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 65/75 bệnh viện đạt 87%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%; Xe buýt cũng kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Qua đánh giá, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt.
Đó là về giao thông, tổng quan chung về phát triển kinh tế, theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng đầu của năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Tính riêng trong tháng 1/2023, Thành phố thu hút 21,8 triệu USD, trong đó 22 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vấn đăng ký đạt 2,4 triệu USD. Cũng trong thời gian này, Thành phố có 1.551 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; Thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 13,8.000 người, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022, an sinh xã hội được đảm bảo.
Những điều gửi gắm
Hà Nội đang từng ngày đổi khác. Về những vùng ven của Thủ đô, tất thảy mọi người đều dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt và đổi thay theo chiều hướng tích cực. Sự phát triển mang tính bứt phá của ngoại thành đã xoá nhoà dần đi những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn, miền núi với trung tâm Thủ đô.
Dù có nhiều thành tựu nhưng Hà Nội cũng đang trên đường đổi mới với không ít thách thức. Dễ thấy, đó là những tất yếu trong phát triển hạ tầng giao thông đô thị để Thủ đô có thêm dư địa phát triển; đó là việc xây dựng và phát triển đồng bộ các vùng, các khu vực vệ tinh theo đúng quy hoạch…
Những vùng ngoại thành Hà Nội ngày càng khang trang, đổi mới. Ảnh: Giang Nam |
Ở những vùng xa Thủ đô, các địa phương cũng mong mỏi các cấp chính quyền giành sự quan tâm hơn nữa để kéo ngắn khoảng cách giữa vùng ngoại thành và nội thành. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Yên Trung chia sẻ, xã Yên Trung giờ đã có nhiều đổi mới.
Tuy nhiên, Yên Trung có đặc thù riêng so với nhiều địa phương khác của Hà Nội, diện tích đất đồi rừng trên địa bàn chiếm tỷ lệ cao. Bởi vậy, việc phát triển kinh tế từ đồi rừng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung mong muốn thời gian tới Thành phố có cơ chế thuận lợi để địa phương có thể tận dụng thế mạnh này để phát triển. Đồng thời hi vọng Thành phố và các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, đối với đồng bào Mường ở Tiến Xuân, cồng chiêng được xem như báu vật. Nó gắn liền với từng con người từ khi sinh ra đến khi qua đời và mọi sinh hoạt cộng đồng làng xã. Từ khi chuyển từ huyện Lương Sơn về với Thủ đô đến nay, đồng bào Mường ở Tiến Xuân đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành phố và huyện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Tiến Xuân mong mỏi Thành phố tiếp tục giành sự quan tâm nhiều hơn để phát triển môn nghệ thuật này.
Ở góc độ tổng thể, được biết, cách đây không lâu, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu cụ thể khi đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5% - 8%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300-8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%. Năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7,0-7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%...
Như vậy mục tiêu đã có, hành lang phát triển của Hà Nội đã có, điều cốt yếu hiện tại là sự nỗ lực nội tại của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Điều này cũng phần nào cho thấy, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô công cuộc xây dựng, nâng cao đời sống người dân đã và đang có những bước chuyển mạnh. Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, bằng sự quyết tâm không ngừng nghỉ, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá vàng hôm nay 24/11: Vàng nhẫn tiếp đà tăng, tiến sát mốc 87 triệu đồng/lượng
Hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế và các sàn thương mại điện tử
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/11: Đêm và sáng trời lạnh
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Tin khác
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 18:56