Chủ động lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10
Các trường THPT xây dựng tổ hợp môn học theo nhu cầu của học sinh Đăng ký môn học ở lớp 10: Học sinh cần chọn những môn phù hợp |
Cân nhắc khi lựa chọn
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. Từ lớp 1 đến lớp 9, ngoài kiến thức và kỹ năng từ các môn học, học sinh được làm quen với nghề nghiệp và được hướng nghiệp theo các cấp độ tăng dần. Đến khi vào lớp 10, học sinh cơ bản đã phải trả lời được câu hỏi: “Tôi muốn làm nghề gì trong tương lai?” hay “Tôi muốn học ngành nào khi vào đại học?”.
Nhiều học sinh, phụ huynh còn lúng túng khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10. |
Để đáp ứng mục tiêu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10, học sinh sẽ học 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Cùng đó, học sinh sẽ được chọn 4 trong số 9 môn học, gồm: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.
Việc đăng ký môn học lựa chọn được thực hiện ngay từ khi học sinh bắt đầu vào lớp 10 và sẽ phải theo môn học đã chọn trong suốt 3 năm học THPT. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học và học sinh phải tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo.
Về lý thuyết, học sinh có rất nhiều cách để lựa chọn. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, tuỳ vào số lượng nhân sự hiện có cũng như cơ sở vật chất, mỗi trường THPT lại xây dựng sẵn các tổ hợp môn, chủ yếu chia thành hai nhóm Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội để học sinh lựa chọn. “Để chọn được tổ hợp môn học phù hợp, xuyên suốt 3 năm học THPT và phù hợp với xét tuyển đại học vào trường mà mình mong muốn là điều không hề dễ dàng với em cũng như với nhiều bạn chuẩn bị vào lớp 10 khác”, Dương Thục Anh (học sinh vừa đỗ vào lớp 10 một trường THPT công lập trên địa bàn quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Băn khoăn với việc lựa chọn môn học của con, chị Đặng Thu Trang (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Lựa chọn môn học lớp 10 gắn liền với việc chọn ngành, chọn nghề sau này của con nên gia đình tôi khá băn khoăn. Thứ nhất là xu hướng nghề nghiệp có nhiều sự thay đổi trong thời gian ba năm học THPT. Thứ hai, con vẫn chưa xác định rõ thế mạnh của mình về lĩnh vực Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội”.
Chung nỗi niềm, chị Hoàng Thu Phương (phường Kim Liên, quận Đống Đa) bày tỏ: “Suốt thời gian qua con chỉ vùi đầu vào ôn luyện với mục tiêu thi đỗ, không có thời gian để tìm hiểu về lựa chọn mang tính định hướng nghề nghiệp ở cấp học mới. Trường hợp con thấy không phù hợp hoặc có mong muốn thay đổi thì không biết sẽ phải xử lý như thế nào? Làm phụ huynh và có con lần đầu vào cấp 3, tôi thực sự rất lo lắng”.
Chủ động hỗ trợ học sinh
Theo ghi nhận, rút kinh nghiệm từ hai năm học trước việc lựa chọn môn học từ khi bắt đầu vào học lớp 10 còn nhiều lúng túng, năm học này, các nhà trường đã tích cực, chủ động trong việc xây dựng các tổ hợp và cung cấp thông tin sớm cho học sinh, phụ huynh.
Là một trong những trường thuộc top đầu về điểm tuyển sinh đầu vào của Thành phố, Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) khá chủ động trong việc xây dựng tổ hợp, bố trí nguồn lực để triển khai mô hình các lớp theo định hướng nghề nghiệp. Ngày 5/7 vừa qua, nhà trường đã tổ chức riêng một buổi giới thiệu mô hình giảng dạy và hướng dẫn cách thức lựa chọn tổ hợp môn học tại sân trường để học sinh, phụ huynh cùng nhìn nhận lại năng lực, sở thích của con em nhằm lựa chọn tổ hợp môn hợp lý.
“Nhiều phụ huynh rất băn khoăn vì việc lựa chọn môn học tương đối mới, lại theo con suốt ba năm học THPT. Những thông tin tư vấn của trường rất đầy đủ về các tổ hợp môn. Đây đều là các thông tin cần thiết để học sinh, phụ huynh quyết định lựa chọn môn học vì điều đó ảnh hưởng đến việc thi, xét tuyển đại học sau này”, anh Nguyễn Xuân Thắng (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.
Hay như tại Trường THPT Yên Hoà (quận Cầu Giấy), nhà trường đã xây dựng 5 mô hình các môn học lựa chọn theo hai nhóm lớp Khoa học Tự nhiên (2 mô hình các môn học lựa chọn với 7 lớp) và Khoa học Xã hội (3 mô hình các môn học lựa chọn với 8 lớp). Đồng thời nhà trường cũng tổ chức một buổi tư vấn cho cha mẹ học sinh trước khi đăng ký các nhóm môn học.
Năm học 2024-2025, Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) xây dựng 2 phương án mô hình lớp học để học sinh, phụ huynh lựa chọn, gồm: Mô hình lớp đại trà (lớp không liên kết Tiếng Anh IELTS) và mô hình lớp liên kết (lớp liên kết Tiếng Anh IELTS). Trong đó, ở mô hình lớp đại trà, ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, nhà trường xây dựng 4 tổ hợp gồm: Vật lí - Hóa học - Sinh học - Công nghệ, Hóa học - Sinh học - Giáo dục kinh tế và pháp luật - Tin học, Vật lí - Hóa học - Địa lí - Tin học, Vật lí - Địa lí - Mĩ thuật - Âm nhạc. Mỗi tổ hợp có chuyên đề học tập các môn đi kèm tương ứng.
Dành lời khuyên cho học sinh khi đăng ký môn học lựa chọn, thầy giáo Nguyễn Minh Phi (Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Các học sinh nên lựa chọn tổ hợp môn học theo định hướng nghề nghiệp và sở thích của bản thân để tránh việc đổi tổ hợp ngang chừng”.
Các môn lựa chọn được đặt ra để giúp học sinh xác định và lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai. Do đó có thể thấy đây là bước chuẩn bị, bước dự bị cho trường đại học hoặc trường nghề mà học sinh sẽ phát triển sau khi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, cần đảm bảo sự lựa chọn là một quyết định có cân nhắc kỹ càng và trách nhiệm trong suốt 3 năm học THPT.
Học sinh, phụ huynh nên xác định môn học lựa chọn dựa trên bốn yếu tố: Thứ nhất là mục tiêu nghề nghiệp của học sinh, thứ hai là năng lực và sở thích hiện tại của học sinh, thứ ba là tương lai của thị trường lao động và cuối cùng là điều kiện tổ chức dạy học các môn lựa chọn của trường học.
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hai doanh nghiệp hơn 530 triệu đồng
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Nhiều chính sách về tiền lương, tiền thưởng có hiệu lực từ tháng 12
Phát huy vai trò của Công đoàn trong ngành Giáo dục và Đào tạo
LĐLĐ quận Đống Đa: Bảo vệ tốt quyền lợi người lao động
Sửa đổi Luật Dược: Chỉ cho phép bán thuốc online trong một số trường hợp
Nâng cao chất lượng phong trào công nhân, viên chức
Tin khác
Khắc phục chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý
Giáo dục 02/12/2024 06:08
Siết xét tuyển sớm để đảm bảo công bằng cho thí sinh
Giáo dục 30/11/2024 11:01
Người thầy mang quân hàm xanh
Giáo dục 28/11/2024 08:06
Chung tay kiến tạo Trường học hạnh phúc
Giáo dục 28/11/2024 08:04
Ngày 1/12, Đại học Bách khoa Hà Nội mở đăng ký thi đánh giá tư duy
Giáo dục 27/11/2024 22:27
Bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Giáo dục 27/11/2024 22:16
6 học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế năm 2024
Giáo dục 27/11/2024 21:13
Trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 27/11/2024 21:12
Chú trọng xây dựng văn hóa giao thông từ trường học
Giáo dục 27/11/2024 17:54
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17