Chủ động thích ứng, đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới
Phóng viên: Nhìn lại lịch sử vẻ vang 92 năm của tổ chức Công đoàn Việt Nam có sự đóng góp của tổ chức Công đoàn Thủ đô. Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Công đoàn Việt Nam, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động của Công đoàn Thủ đô thời gian qua?
Tiến sĩ Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội. (Ảnh: Mai Quý) |
Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Tiếp nối truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, vì đoàn viên, người lao động.
Dưới sự vận động, tập hợp của tổ chức Công đoàn, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô giàu mạnh, góp phần vào sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Công đoàn Thủ đô đã phát động nhiều phong trào thi đua nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm, khả năng sáng tạo, lòng nhiệt tình cách mạng của công nhân, viên chức, lao động, góp phần cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, duy trì sự tăng trưởng, phát triển bền vững của đơn vị.
Tiêu biểu như phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô”… Qua các phong trào thi đua, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã phát huy hàng vạn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được áp dụng vào sản xuất và công tác, làm lợi hàng ngàn tỉ đồng.
“Hội thi thợ giỏi” do Liên đoàn Lao động Thành phố khởi xướng tổ chức hàng năm, đã được Ủy ban nhân dân Thành phố lựa chọn trở thành phong trào chung của thành phố Hà Nội, được tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần đã thúc đẩy những “bàn tay vàng” làm ra nhiều của cải vật chất giá trị cho xã hội.
Bên cạnh các phong trào thi đua, trong những năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Điển hình như hoạt động khám, tư vấn sức khỏe cấp thuốc miễn phí cho công nhân lao động; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa “Mái ấm Công đoàn”; trợ cấp cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức Tết sum vầy và các chuyến xe đưa công nhân về quê đón Tết...
Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phối hợp với các doanh nghiệp trao trên 100 nghìn suất quà cho công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn; tặng hơn 90 nghìn vé xe, hỗ trợ phương tiện cho công nhân lao động về quê đón Tết, với số tiền trên 62 tỷ đồng.
Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố, lúc cao điểm đã có khoảng 1.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và 48.000 người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, nghỉ luân phiên.
Với tinh thần khi đoàn viên Công đoàn, người lao động gặp khó khăn, tổ chức Công đoàn càng phải thể hiện rõ nét nhất vai trò của mình, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động. Cụ thể, các cấp Công đoàn Thủ đô đã trích từ nguồn ngân sách Công đoàn với số tiền trên 28 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch; ủng hộ Quỹ vắc xin cho công nhân, ủng hộ công tác phòng, chống dịch…
Đồng thời, tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội hóa với tổng số tiền trên 78 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, ủng hộ Quỹ vắc xin và công tác phòng, chống dịch. Liên đoàn Lao động Thành phố đã thành lập Tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp và triển khai thí điểm mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” để kịp thời hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường (thứ 2 từ trái sang) trao hỗ trợ cho lực lượng y tế tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Mai Quý) |
Phóng viên: Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có Hà Nội. Được biết ngoài việc chăm lo cho người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô còn tham gia rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí có thể cho bạn đọc biết rõ hơn hoạt động này của Công đoàn Thủ đô?
Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Song song với việc triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, góp phần duy trì “mục tiêu kép”, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người lao động, ổn định tình hình quan hệ lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Ngay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, cùng với cả hệ thống chính trị chung sức phòng, chống dịch, Liên đoàn Lao động Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và 5 “Tổ công tác đặc biệt” bám sát cơ sở, phân vùng kiểm tra, chỉ đạo, xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp.
Xác định khu công nghiệp, chế xuất là điểm nóng, Liên đoàn Lao động Thành phố đã biệt phái lực lượng cán bộ từ các Ban xuống 9 Khu Công nghiệp để tăng cường ứng trực, hỗ trợ Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất trong công tác phòng, chống dịch, nắm bắt tình hình quan hệ lao động; đồng thời phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội ban hành 2 văn bản liên tịch chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch với những hướng dẫn cụ thể.
Cùng với đó, Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn đặc biệt quan tâm đến quan hệ lao động, nắm chắc tình hình tư tưởng công nhân lao động, làm tốt công tác tuyên truyền vận động và sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh.
Soi từ tấm gương thực tế của các tỉnh, thành lân cận, khi dịch Covid-19 tấn công vào các nhà máy, phân xưởng, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, sẽ làm tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh, làm đứt gãy chuỗi sản xuất của nhiều doanh nghiệp, kéo theo đời sống, việc làm của hàng ngàn người lao động bị ảnh hưởng, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Đây chính là cánh tay nối dài, là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp.
Các "Tổ An toàn Covid-19" tại doanh nghiệp đã nhanh chóng phát huy tác dụng. (Ảnh: Kiểm tra thân nhiệt cho công nhân trong quá trình làm việc tại Công ty TNHH FWCC Sowa) |
Chỉ trong 1 tháng, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn doanh nghiệp thành lập được trên 11.000 “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn) với hơn 49.000 công nhân lao động tham gia.
Việc thành lập và hoạt động hiệu quả của “Tổ An toàn Covid-19” đã khẳng định sự có mặt của tổ chức Công đoàn khi doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị dịch Covid-19 tấn công và rất cần những mô hình, hoạt động thiết thực, hiệu quả như “Tổ An toàn Covid-19” để phòng, chống dịch, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mô hình “Tổ An toàn Covid-19” đã được đông đảo doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, là mô hình sáng tạo của Liên đoàn Lao động Thành phố được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo thành phố Hà Nội ghi nhận, Liên đoàn Lao động nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai, áp dụng.
Phóng viên: Chặng đường phía trước có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, sẽ tác động sâu sắc đến hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đồng chí có thể cho biết những thời cơ, thách thức đang đặt ra cho tổ chức Công đoàn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng?
Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Thủ đô nói riêng đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức có tác động sâu sắc đến hoạt động. Đó là, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và đã ký, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Ngoài ra, Việt Nam đã ký 25 Công ước quốc tế, trong đó, có Công ước 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể và sắp tới sẽ ký Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức, những Công ước này có tác động mạnh mẽ đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Cạnh đó, Bộ Luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021 có nhiều điểm mới tác động đến hoạt động Công đoàn.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế và đời sống, việc làm của công nhân lao động; số lượng công nhân lao động tăng nhanh, số lượng doanh nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước… Tất cả đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Xe buýt siêu thị 0 đồng chở nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. (Ảnh: Mai Quý) |
Phóng viên: Trước những thời cơ và thách thức đang đặt ra, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” là rất kịp thời, chính xác và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tổ chức Công đoàn. Xin đồng chí cho biết, Công đoàn Thủ đô đã có kế hoạch gì để đưa Nghị quyết vào cuộc sống?
Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nghị quyết được ban hành ngay sau Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam. Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại và phát triển tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện.
Cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô hết sức vui mừng, phấn khởi đón nhận Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã báo cáo với Thường trực Thành ủy. Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Liên đoàn Lao động Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Thành ủy để tham mưu xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Nội dung Kế hoạch bám sát các nội dung trong Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội”; đồng thời, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cũng được xây dựng dựa trên tình hình thực tiễn của Thủ đô nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Dự thảo Kế hoạch hành động, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ xây dựng Quy chế phối hợp, và phấn đấu thực hiện ký kết Quy chế phối hợp với 30/30 quận, huyện, thị ủy trong năm 2021, trong đó tập trung 3 nội dung chính: Phát triển tổ chức Công đoàn; phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và triển khai công tác cán bộ Công đoàn, qua đó chăm lo tốt hơn cho người lao động. Dự kiến, Kế hoạch sẽ được ban hành vào đúng dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam và được quán triệt đến các cấp ủy đảng để tuyên truyền sâu rộng và thực hiện hiệu quả.
Riêng với tổ chức Công đoàn Thủ đô, nhận thức được tính cấp thiết trong việc đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố đã kịp thời đề ra 10 nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô và thành lập 10 Tổ công tác chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm.
Trong đó, Liên đoàn Lao động Thành phố đã xây dựng và thông qua 2 Nghị quyết chuyên đề, đó là Nghị quyết về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước” và Nghị quyết về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Việc xây dựng và thông qua 2 Nghị quyết này nhằm thực hiện hiệu quả những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.
Phát triển tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, luôn sát cánh vì quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và nâng cao năng suất lao động để góp phần đẩy mạnh giá trị sản xuất- kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn Thủ đô thời gian tới. (Ảnh: minh họa Mai Quý) |
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đã và đang triển khai hiệu quả 4 đề án thí điểm, gồm: Đề án thí điểm “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở”, qua đó củng cố và định hướng hoạt động của các Công đoàn cơ sở; Đề án thí điểm “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp”, kèm theo quy chế hỗ trợ tài chính đối với các bản Thỏa ước lao động tập thể ký kết được. Từ đó, nhằm tăng cường chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và nâng cao số lượng, chất lượng của các bản Thỏa ước lao động tập thể.
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, Liên đoàn Lao động Thành phố đã dành nguồn lực để thực hiện Đề án thí điểm “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022”, theo đó, mỗi năm sẽ tổ chức khoảng 80 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước; phấn đấu hết năm 2022, 100% Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác Công đoàn.
Xác định giai đoạn 2021- 2022 là khoảng thời gian quan trọng để phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, với mục tiêu không để khoảng trống, khoảng trắng, Liên đoàn Lao động Thành phố đã triển khai Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”, nhằm tạo động lực, khích lệ các cá nhân, tập thể tích cực tham gia công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.
Cùng với đó, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương rà soát dư địa phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở để có kế hoạch, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này; đồng thời đánh giá hiệu quả hoạt động của các Công đoàn cơ sở để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Thành ủy Hà Nội, sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội…, chúng tôi tin tưởng rằng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và từ đó, vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Thủ đô nói riêng sẽ tiếp tục được khẳng định, nâng cao.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Mai Quý (thực hiện)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Tổ chức Hội nghị cán bộ năm 2025 đảm bảo dân chủ, thiết thực
Hoạt động 23/11/2024 18:16
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 16:31
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 12:19
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác truyền thông Công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 10:27
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42