Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đánh dấu một mốc quan trọng của giáo dục phổ thông. Đây là kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vậy có điều gì khác biệt của kỳ thi năm nay với những kỳ thi năm trước hay không?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Nếu xét về quy mô, tính chất, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hoàn toàn không có gì khác biệt với những kỳ thi năm trước. Kỳ thi vẫn được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô hơn 1 triệu thí sinh dự thi vào cùng thời điểm và cùng đề thi. Về công tác tổ chức, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023.
Mục tiêu của kỳ thi cũng không thay đổi. Kết quả thi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng công tác quản lý, công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Tương tự như mọi năm, với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. |
Năm nào các đơn vị, cá nhân được giao trọng trách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng nỗ lực, cố gắng hết sức để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chu đáo và đạt hiệu quả. Năm nay, tất cả các cấp, các ngành, địa phương và từng nhân sự được giao nhiệm vụ làm thi cũng đã và đang nỗ lực như vậy. Những điều kiện tốt nhất đều đang hướng về thí sinh để các em yên tâm tham gia kỳ thi.
Phóng viên: Cho tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Năm 2024 là năm việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ sớm mà còn hết sức chủ động. So với những năm trước, hệ thống văn bản chỉ đạo kỳ thi năm 2024 như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch, quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành, cơ quan liên quan được ban hành sớm hơn. Đây chính là cơ sở để các tỉnh/thành phố chủ động triển khai công tác chuẩn bị tại địa phương.
Qua kiểm tra thực tế, các địa phương đã có sự chuẩn bị cho kỳ thi từ sớm, từ xa, thể hiện cụ thể trong 6 nhóm công việc như sau: Thứ nhất, các địa phương đã chủ động ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Có địa phương đã ban hành chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh về kỳ thi từ rất sớm. Thứ hai, ngoài Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, địa phương còn thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, thể hiện sự quan tâm của địa phương cho kỳ thi này. Thứ ba, Ban Chỉ đạo kịp thời phân công, làm rõ trách nhiệm, tiến hành thanh tra, kiểm tra với tinh thần rà soát tháo gỡ, chủ động trong công việc. Thứ tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chủ động tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tốt nhất cho kỳ thi. Thứ năm, chủ động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt công tác tập huấn được triển khai nghiêm túc với tinh thần tất cả các cán bộ tham gia kỳ thi đều phải được tập huấn. Thứ sáu, các địa phương cũng rất chủ động trong công tác truyền thông, truyền thông đúng, đủ, kịp thời.
Năm 2024 là năm tiếp theo Bộ GD&ĐT triển khai hệ thống phần mềm đăng ký dự thi trực tuyến. Trong 9 ngày mở Cổng đăng ký dự thi trực tuyến với hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thành công, không ghi nhận khó khăn hay sai sót nào. Đây là nỗ lực và kết quả rất lớn không chỉ của Bộ GD&ĐT mà còn của các địa phương, nhà trường trong việc hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh cả về thông tin và kỹ thuật.
Cũng qua kiểm tra thực tế tại địa phương, một trong những việc mà các địa phương, nhà trường đã làm rất tốt, đó là hỗ trợ thí sinh. Không chỉ hỗ trợ thí sinh về ôn tập, củng cố kiến thức để đạt kết quả mong muốn trong kỳ thi, mà sự chăm lo còn từ những việc nhỏ như thu thập số điện thoại của nhiều người trong gia đình thí sinh để trong trường hợp thí sinh đến muộn sẽ có phương án đưa đón, hay nắm bắt từng thí sinh nhà xa để hỗ trợ đưa đón tới điểm thi.
Đặc biệt với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh yếu thế, các địa phương đều có phương án hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần để các em yên tâm tham gia kỳ thi.
Kiểm tra tại các địa phương, tôi luôn nhấn mạnh: Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu, chu đáo bao nhiêu việc triển khai thuận lợi bấy nhiêu. Và cho tới thới điểm này, có thể khẳng định công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng, sâu sát và toàn diện. Toàn quốc đã sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Phóng viên: Một trong những vấn đề được nhắc tới nhiều trong những năm qua và vẫn tiếp tục được nhắc lại nhiều lần trong năm nay, đó là phòng chống gian lận thi cử, nhất là thiết bị công nghệ cao. Thứ trưởng có lưu ý gì với Hội đồng thi 63 tỉnh/thành phố về vấn đề này?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Chúng ta đều biết trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay thì không thể tránh khỏi việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi - không chỉ phục vụ cho gian lận thi cử mà còn cho nhiều hoạt động khác. Vấn đề của chúng ta là phải làm tốt công tác phòng chống.
Trong nhiều năm qua, việc phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao đã được Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các cấp coi là một trong những việc quan trọng phải được thực hiện kỹ từ giai đoạn chuẩn bị. Trong đó, vai trò phối hợp tích cực của lực lượng Công an đã phát huy rất hiệu quả.
Để có thể phát hiện, ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả các cán bộ làm thi. Tiếp đó, Công an các tỉnh/thành phố tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ thí sinh có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.
Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trường đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm). |
Chúng tôi xác định lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính. Trong đó, tiếp tục đề cao công tác con người. Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa, thì quan trọng nhất vẫn là lựa chọn con người. Đồng thời với đó là làm tốt công tác truyền thông để thí sinh hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của việc bị phát hiện gian lận và xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm.
Hiện nay, Bộ Công an và Công an 63 tỉnh/thành phố đang phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để làm tốt công tác phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Phóng viên: Chỉ còn vài ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra, Thứ trưởng còn những lưu ý gì khác để việc tổ chức kỳ thi đúng như tinh thần mà ông đã chỉ đạo trong cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo thi quốc gia với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh/thành phố mới đây là “an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện”?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Các địa phương cho tới thời điểm này đã chuẩn bị hết sức chu đáo, trách nhiệm cho kỳ thi. Tuy nhiên, với một kỳ thi trên diện rộng, vốn phức tạp và nhạy cảm như kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi mong các địa phương sẽ quán triệt quyết liệt tinh thần không lơ là, chủ quan, kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Chỉ dựa vào kinh nghiệm dễ gây chủ quan và dẫn tới sai sót. Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều kiện, nội dung, nhiệm vụ và đặc biệt là có kịch bản dự phòng, để trong bất kỳ tình huống nào cũng không bị động.
Từ nay đến ngày diễn ra kỳ thi, đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát kỹ một lần nữa về điều kiện dự thi của các thí sinh, nhất là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh yếu thế, thí sinh ở xa địa điểm tổ chức thi… Phương châm cao nhất mà chúng ta đã thống nhất là, không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn kinh tế hay cách trở về giao thông mà không được dự thi. Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi; ở những nơi xa xôi, ảnh hưởng của mưa bão nên có phương án đưa các em về điểm thi trước.
Tôi muốn nhắc lại tinh thần “4 đúng - 3 không” đã được quán triệt từ kỳ thi năm 2023 và tiếp tục lưu ý thực hiện trong kỳ thi năm nay. “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.
Cuối cùng, tôi muốn lưu ý về công tác truyền thông. Công tác này phải thực hiện chủ động, kịp thời; truyền thông đúng, đủ, để xã hội thấu hiểu, đồng thuận, thấy được tính chất, quy mô, áp lực của kỳ thi. Trong quá trình truyền thông, mong các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương phản ánh đúng tinh thần của kỳ thi; truyền thông để nâng cao nhận thức, phòng ngừa tiêu cực, phát huy các mặt tích cực, tránh để dư luận, thí sinh hoang mang, áp lực.
Phóng viên: Với kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Thứ trưởng muốn chia sẻ gì đến các học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Đối với mỗi học sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn rất quan trọng khi kết thúc hành trình học phổ thông, mở ra hành trình nghề nghiệp và cao hơn. Những ngày vừa qua, khi kiểm tra thực tế tại các địa phương, tôi đã chứng kiến nhiều sự nỗ lực của thầy cô và học trò để ôn luyện trong giai đoạn “nước rút” với mong muốn có kết quả tốt trong kỳ thi này.
Còn vài ngày nữa bước vào kỳ thi chính thức, chúc các em học sinh mạnh khoẻ, tự tin bước vào kỳ thi với kết quả tốt nhất. Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành và các địa phương đã và đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho các em yên tâm tham gia kỳ thi. Các em lưu ý ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô và thực hiện theo đúng quy chế thi để đạt kết quả như mong muốn.
Đối với các cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ tại kỳ thi năm nay, tôi mong các thầy cô sẽ thực hiện đúng, đủ các nội dung đã được tập huấn, hướng dẫn. Nhiệm vụ tạo ra một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, thân thiện và nhân văn đang được đặt lên vai các thầy cô, mong rằng các thầy cô sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người trẻ sốt ruột, nóng trong người vì áp lực công việc ngày cuối năm
Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Công đoàn phát động thi đua đổi mới, sáng tạo góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nghệ An thông qua kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc
Chỉ đạo quyết liệt, triển khai phải nhanh, hiệu quả
Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050
Tin khác
Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc
Giáo dục 13/12/2024 15:43
Lãnh đạo ngành GD&ĐT Hà Nội chúc mừng đội tuyển dự thi Olympic khoa học trẻ quốc tế
Giáo dục 13/12/2024 13:38
Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
Xã hội 13/12/2024 12:12
Sắp diễn ra triển lãm quốc tế về rau, hoa, quả quy mô lớn
Cộng đồng 13/12/2024 12:11
Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 13/12/2024 11:46
Đề thi mới, chính sách mới: Khi “đường đua” học tập ngày càng khó
Giáo dục 13/12/2024 09:46
Nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục 12/12/2024 22:45
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh
Giáo dục 12/12/2024 17:11
Chủ quan không tiêm chủng, nhiều trẻ nhập viện vì mắc sởi
Y tế 12/12/2024 17:09
Lễ nghi trong đám cưới xưa và nay
Cộng đồng 12/12/2024 14:08