Còn nhiều tồn tại trong an toàn, vệ sinh lao động
Chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật lao động
Dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16 phố Nguyễn Công Trứ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) xảy ra vào tối 30/7 khiến 4 người tử vong. Đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về an toàn lao động”. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thiết bị sàn treo nâng người (vận chuyển cả người và vật liệu xây dựng) bị quá tải nên đã xảy ra sự cố khiến người và vật liệu xây dựng rơi từ tầng 6 xuống đất.
Tổ Gia công - Cắt gọt, Phân xưởng Cơ khí Nhà máy Z753 luôn đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất. |
Tiếp đó, ngày 3/8, tại số 20 ngõ 2A phố Văn Cao (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ), một người đàn ông đi qua công trình nhà dân đang xây dựng thì bị chiếc xe rùa (xe cút kít) bất ngờ rơi từ tầng 5 xuống trúng người, khiến nạn nhân bị thương phải đưa đi cấp cứu. Sau đó 1 ngày, sáng 4/8, tại công trình xây dựng trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trên phố Hàng Vôi (quận Hoàn Kiếm), một thanh sắt dài khoảng 2m rơi từ trên cao xuống đâm thủng nóc xe ô tô 7 chỗ đang di chuyển trên đường. Rất may vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. Theo phản ánh của người dân, đây là lần thứ 2 đơn vị thi công công trình này để rơi nguyên vật liệu xuống đường và lần trước may mắn không trúng ai...
Ngay trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động - tháng 5/2020, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 1 vụ cháy và 1 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 4 người tử vong (nạn nhân thuộc đối tượng có giao kết Hợp đồng lao động nhưng doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở). Tổng hợp 7 tháng năm 2020, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 9 vụ tai nạn lao động và 1 vụ cháy làm 13 người tử vong. Điểm lại năm 2019, toàn thành phố đã xảy ra 223 vụ tai nạn lao động, làm 226 người bị nạn. Trong đó, có 32 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 33 người chết, 34 người bị thương nặng và 159 người bị thương nhẹ. Đáng chú ý, năm 2019, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 1 vụ cháy nghiêm trọng làm 8 người chết, trong đó có 5 công nhân. Các vụ tai nạn lao động chủ yếu là ngã từ trên cao trong ngành xây dựng (19 vụ, chiếm 40,6%), ngành cơ khí, lắp ráp (9,3%), điện, chiết nạp gas (9,0%)… Nạn nhân của các vụ tai nạn lao động hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 1 tháng và không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước và trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020, thành phố Hà Nội hạn chế việc thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp để tập trung khắc phục hậu quả dịch bệnh và đẩy mạnh việc chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng đời sống và việc làm. Do vậy, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại, đã có một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra.
Với vai trò là thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động, cùng thống nhất kết luận các vụ tai nạn chính xác, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Tính đến ngày 31/12/2019, thành phố đã điều tra và kết luận 21/32 vụ. Các vụ tai nạn đã kết luận đảm bảo quyền lợi của người bị nạn ít nhất bằng và chủ yếu là cao hơn luật định.
Nhằm đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, ngày 28/5/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thành lập 2 đoàn, kiểm tra 20 công trình xây dựng có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động. Theo đó, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở cũng phối hợp với chính quyền đồng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành, trong đó có lồng ghép kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại 425 đơn vị, doanh nghiệp. Đối với những đơn vị đã hoàn tất công tác kiểm tra, có 524 lỗi thiếu sót, tồn tại và vi phạm quy định pháp luật. Các đoàn kiểm tra đã đề nghị tạm đình chỉ 9 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động chưa được kiểm định an toàn; lập biên bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện ra quyết định xử phạt những lỗi vi phạm nghiêm trọng với số tiền phạt trên 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, 5.215 Công đoàn cơ sở đã tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, có 7.012 kiến nghị với người sử dụng lao động về các nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động và yêu cầu bổ sung các nội quy, quy trình làm việc an toàn. Ngay sau khi có kiến nghị, 3.610 nội quy, quy trình làm việc an toàn đã được bổ sung, số còn lại các đơn vị đã khắc phục đúng theo cam kết trong biên bản kiểm tra.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cũng chỉ rõ, mặc dù Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020 đã được các cấp Công đoàn Thủ đô phối hợp với chính quyền đồng cấp triển khai một số hoạt động trọng tâm và thiết thực, song trên thực tế, chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, cũng như sự quan tâm của một số công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động còn hạn chế.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới về an toàn, vệ sinh lao động đến các Công đoàn cơ sở, đặc biệt là các Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu kinh nghiệm nên chất lượng tuyên truyền chưa cao. Công tác khai báo về tai nạn lao động của các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc nên chưa phản ánh đúng tình hình tai nạn lao động diễn ra trên thực tế. Đáng chú ý, việc theo dõi, quản lý thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp cho thân nhân nạn nhân bị tử vong còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho gia đình nạn nhân và khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Đẩy lùi tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
Lý giải nguyên nhân của những tồn tại trên, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nhấn mạnh, sự vào cuộc của các cấp chính quyền quận, huyện trong công tác an toàn, vệ sinh lao động ở một số nơi còn thiếu tích cực, đặc biệt công tác thanh tra, xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe (có nơi phát hiện ra nhiều sai phạm, tại nhiều doanh nghiệp nhưng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, không lập biên bản xử lý vi phạm hành chính). Số đơn vị, doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra chuyên ngành còn ít, chủ yếu là lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra chung về thực hiện pháp luật lao động, vì vậy chưa đảm bảo tính chuyên sâu về kỹ thuật an toàn lao động.
Một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động thiếu quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí... Trong khi đó, đội ngũ công nhân lao động phần lớn xuất thân từ những lao động phổ thông, không qua đào tạo, trình độ quản lý cũng như kiến thức về an toàn lao động còn hạn chế, dẫn đến việc tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cũng theo phản ánh của các cấp công đoàn cơ sở, một số văn bản pháp luật quy định còn khó thực hiện trong thực tế như: Quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; chế độ đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; quy trình, thủ tục giải quyết các trường hợp tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động; công tác quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành còn chồng chéo; cơ chế thực thi các quyết định xử phạt hành chính còn gặp nhiều khó khăn…
Để đẩy lùi tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, góp phần xây dựng một Thủ đô xanh - sạch - đẹp và an toàn, cùng với những chỉ đạo thực hiện cụ thể đối với các cấp Công đoàn cơ sở, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm sửa đổi, bổ sung và ban hành lại danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh và công nghệ hiện nay; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị, tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động. Hiện chất lượng kiểm định, quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện chưa đảm bảo chất lượng, nội dung, thời gian, trình độ giảng viên…, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và gây mất an toàn lao động./.
Minh Nghĩa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Chính sách 24/11/2024 14:37
Với đồ uống này, stress, áp lực công việc không làm khó được người trẻ
Việc làm 22/11/2024 21:29
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Cơ hội việc làm hấp dẫn cho cộng đồng người khuyết tật
Việc làm 21/11/2024 15:49
Xây trường mầm non tại các KCN và đối tượng thụ hưởng: Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách
Chính sách 21/11/2024 07:42
Lấy an toàn lao động là tiêu chí hàng đầu
Lợi quyền lao động 21/11/2024 07:41
Ngày 21/11 diễn ra Phiên giao dịch việc làm tuyển dụng lao động là người khuyết tật
Việc làm 20/11/2024 22:37
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Đề xuất điều chỉnh tăng mức trợ cấp thất nghiệp
Chính sách 19/11/2024 09:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37