Công nhân, công đoàn cùng Thủ đô vươn mình lớn mạnh
Triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước | |
Mỗi hoạt động đều thiết thực vì NLĐ |
Trong thành tựu chung đó, tổ chức Công đoàn, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô cũng có bước chuyển mình đáng kể khi quy mô số lượng lớn mạnh vượt bậc, chất lượng hoạt động không ngừng nâng cao theo hướng thiết thực, hiệu quả góp phần nâng cao đời sống, trình độ, kỹ năng của của đội ngũ CNVCLĐ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Quy mô phát triển lớn mạnh
Đối với tổ chức công đoàn, bước thay đổi hiển nhiên và có thể thấy rõ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô ấy là sự phát triển lớn mạnh về quy mô tổ chức công đoàn và lực lượng CNLĐ. Về lực lượng CNLĐ, việc hợp nhất Hà Nội, Hà Tây và một số địa phương liên quan đã tạo điều kiện, cơ hội, bổ sung nguồn lực, sức mạnh cho Hà Nội vươn lên, đặc biệt là hoạt động thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Trong 10 năm qua, đã có rất nhiều dự án đầu tư, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã xây dựng nhà máy, xí nghiệp, công ty trên địa bàn Thành phố, nhất là ở các huyện ngoại thành, từ đó thu hút đông CNLĐ đến làm việc và sinh sống.
Hàng năm Thành phố Hà Nội đều tổ chức hội nghị đối thoại với CNLĐ. |
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Thành phố có 231 nghìn doanh nghiệp (tăng 4 lần so với năm 2008), với khoảng 2,5 triệu lao động (tăng 70% so với năm 2008, trong đó công nhân ngoài khu vực nhà nước chiếm 87,5%). Theo quy hoạch được duyệt, Thành phố có 19 khu công nghiệp tập trung, đến nay đã và đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với 639 doanh nghiệp, thu hút khoảng 145.937 lao động. Số công nhân đã qua đào tạo chiếm 62% (gấp đôi so với năm 2008). Tiền lương bình quân năm 2008 của người lao động trên 2 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2018 tăng lên mức gần 6 triệu đồng/người/tháng.
Điển hình về sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp và lực lượng CNVCLĐ phải kể đến huyện Thạch Thất. Nếu như trước khi hợp nhất, Thạch Thất là một vùng quê thuần nông thì nay trên địa bàn huyện đã có 1.170 doanh nghiệp hoạt động ổn định, sử dụng hơn 24 nghìn lao động. Ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạch Thất cho biết, trong 10 năm qua, các cấp công đoàn huyện đã luôn đồng hành cùng người lao động, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, vừa tổ chức thương lượng, đối thoại để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.
Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường đào tạo nghề cho CNLĐ trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, trong 10 năm qua, đã có gần 50 nghìn lao động trên địa bàn huyện được đào tạo, nâng cao tay nghề. “Từ cuối năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thất đã ban hành Đề án số 09-ĐA/HU về “phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giai đoạn 2016 – 2020”, nhờ đó đã tạo được sức bật lớn cho nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; giải quyết được những bức xúc của CNLĐ, từ đó mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp ngày càng được củng cố”- ông Nguyễn Thế Hùng cho biết.
Đối với quy mô của tổ chức công đoàn, ngay sau khi hợp nhất, các cấp LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tăng cường hoạt động hướng về cơ sở, nhất là đối với các huyện ở vùng xa, vùng nông thôn. Ngoài việc số lượng đầu mối công đoàn cấp trên cơ sở và số lượng CĐCS tăng lên tự nhiên do việc mở rộng địa giới hành chính, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS luôn được LĐLĐ Thành phố xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. LĐLĐ Thành phố đã tập trung chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, với tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm chính trị cao.
CNLĐ Thủ đô tích cực tham gia các hội thi tay nghề do các cấp công đoàn tổ chức |
Các cấp công đoàn Thành phố luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc địa bàn, các doanh nghiệp có đủ điều kiện, trọng tâm là các doanh nghiệp có từ 50 lao động trở lên, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra hàng năm trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra hàng năm. Tính từ năm 2013 đến hết năm 2017, toàn thành phố đã phát triển được 2.421 CĐCS, nâng tổng số CĐCS lên 7.867 (năm 2008 là 5.422 CĐCS); số đoàn viên công đoàn tăng từ 408.936 người năm 2008 lên 591.074 đoàn viên. Hà Nội hiện là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn Thủ đô cũng tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tại Đại hội Đảng bộ các cấp, 10 năm qua, đã có 38 đồng chí cán bộ chủ chốt Công đoàn tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ quận, huyện, thị uỷ, sở, ngành và Thành phố; các cấp Công đoàn đã giới thiệu hơn 60 nghìn đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp và có gần 57 nghìn đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, điều đó đã khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị Thủ đô.
Chất lượng hoạt động không ngừng được nâng lên
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển về số lượng, với vị thế mới của tổ chức Công đoàn Thủ đô đã được mở rộng, các cấp công đoàn Thủ đô cũng không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, các cấp công đoàn đã tập trung thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách, nâng cao kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐCS. Hơn 10 năm qua, các cấp công đoàn Thành phố đã tổ chức trên 2 nghìn lớp tập huấn cho gần 316 nghìn lượt cán bộ công đoàn; 100% cán bộ công đoàn chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐCS ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI.
10 năm qua, phương châm hoạt động “hướng về cơ sở” luôn được tổ chức công đoàn đặt ra và triển khai thực hiện có hiệu quả. Đáng chú ý, trong 10 năm qua, bằng nỗ lực của toàn hệ thống công đoàn Thủ đô, đã có 59,76% doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản, nội dung có lợi hơn cho người lao động, chất lượng bữa ăn ca và các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người lao động cũng được doanh nghiệp quan tâm.
Hàng năm, LĐLĐ Thành phố đều phối hợp với UBND Thành phố tổ chức Hội nghị tiếp xúc đối thoại với CNLĐ, cán bộ CĐCS và người sử dụng lao động các KCN&CX Hà Nội; các cấp công đoàn Thành phố đã phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa công đoàn - người sử dụng lao động – người lao động, kịp thời nắm bắt diễn biến, tình hình tư tưởng, giải quyết những kiến nghị, băn khoăn, bức xúc, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên và người lao động góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, LĐLĐ Thành phố đã phối hợp kiểm tra, thanh tra 1390 doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, công tác ATVSLĐ, trong đó hậu kiểm việc nợ đọng BHXH tại 105 doanh nghiệp, thu được gần 450 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN. Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã phối hợp kiểm tra trên 6.000 doanh nghiệp; phối hợp giải quyết kịp thời 59 cuộc tranh chấp lao động; phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho 55.345 lao động.
Các cấp công đoàn Thủ đô đã tích cực tham gia cùng chính quyền sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại lao động, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động dôi dư theo quy định. Từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và nguồn hỗ trợ khác, LĐLĐ Thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 603 “Mái ấm Công đoàn” cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền gần 17 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới 07 điểm vui chơi cho trẻ em với số tiền 340 triệu đồng; trợ cấp cho 128.929 lượt CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức 2.045 chuyến xe ô tô miễn phí đưa 135.493 lượt CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết...
Đáng chú ý, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện, thị xã triển khai hướng dẫn lập dự án, thẩm định cho vay 803 dự án, đảm bảo đúng nguyên tắc quy định quản lý ngân quỹ quốc gia; đã giải ngân gần 196 tỷ đồng cho 8.005 lượt hộ gia đình CNVCLĐ, giúp tăng thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng, giới thiệu việc làm cho trên 20.000 lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Có thể nói, với những hoạt động thiết thực của tổ chức công đoàn, đời sống đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô đang được cải thiện, nâng lên từng ngày. Với gần 20 năm gắn bó với công tác công đoàn, luôn gần gũi, chăm lo người lao động, ông Nguyễn Chí Thành – nguyên Chủ tịch LĐLĐ huyện Thường Tín thấy rõ đời sống CNLĐ trên địa bàn thay đổi từng ngày kể từ khi hợp nhất. Theo ông Nguyễn Chí Thành, sau khi hợp nhất, huyện Thường Tín là một phần của Thủ đô, nên sẽ được hưởng các chính sách đặc thù, bên cạnh đó, sẽ được thực hiện trước tiên những chủ trương, chính sách của Trung ương.
Vì vậy, từ công tác tổ chức đến việc thu, trích quỹ đoàn phí và quỹ hoạt động công đoàn cũng được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Trên cơ sở đó, hoạt động công đoàn được phát triển mạnh, là tiền đề để tiếp tục bảo vệ, chăm lo tốt hơn người lao động. “Thực tế cũng đòi hỏi hệ thống Công đoàn Thủ đô, nhất là Công đoàn ở các huyện phải đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động, hướng về cơ sở nhiều hơn nữa để đưa những chủ trương, chính sách có lợi đến được với người lao động” – ông Thành bày tỏ.
Đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thành phố
Là tổ chức công đoàn ở Thủ đô đang từng giờ chuyển mình, các cấp công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô cũng xác định vai trò của mình trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại phát triển. Điều này thể hiện ở việc trong 10 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước luôn được các cấp công đoàn Thủ đô duy trì, phát triển, có sức lan tỏa ngày càng lớn và đạt những hiệu quả thực chất. thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia. Trong đó, các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”… được gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thu hút được đông đảo CNVCLĐ ở các ngành nghề, cơ sở trong các thành phần kinh tế tham gia, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi.
Ở khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức đã có nhiều mô hình tốt, cách làm hiệu quả ở các ngành, địa phương được phát huy, đã động viên người lao động tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đăng ký hoàn thành các công trình sản phẩm mới. Phong trào thi đua trong khu vực hành chính sự nghiệp được nhiều đơn vị cụ thể hóa, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động xây dựng người CBCC “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân.
Các phong trào “Thi đua liên kết phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”, phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thao diễn kỹ thuật”, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, thi giáo viên dạy giỏi… đã thu hút được đông đảo CNVCLĐ ở các ngành nghề, cơ sở trong các thành phần kinh tế tham gia, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi.
Từ thực tiễn phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc được biểu dương khen thưởng, đã có 254.424 lượt CNLĐ đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, 18.181 “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở và 895 “Công nhân giỏi Thủ đô”; 120.568 lượt CNVCLĐ đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp cơ sở, 10.422 “Sáng kiến, sáng tạo” cấp trên cơ sở; có 879 lượt cá nhân được UBND - LĐLĐ Thành phố biểu dương “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; 45 công trình được Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố gắn biển khen thưởng; với tổng trị giá hơn 4.500 tỷ đồng; hơn 200 lượt CNLĐ đạt thợ giỏi được các cấp công đoàn biểu dương khen thưởng; 165 tập thể, 165 cá nhân được biểu dương “Điển hình tiên tiến” 5 năm (2010-2015); 07 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 2. “Thông qua các phong trào đã động viên CNLĐ nỗ lực nâng cao trình độ, kỹ năng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước” – Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố khẳng định.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (01/8/2008 – 01/8/2018), trong thời gian tới, các cấp công đoàn Thủ đô đặt ra mục tiêu: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn và chất lượng hoạt động CĐCS; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu tập hợp thu hút phát triển đoàn viên và hoàn thiện phương thức hoạt động; nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức pháp luật, trách nhiệm xã hội của NLĐ; xây dựng đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh giàu đẹp.
Các cấp công đoàn Thủ đô cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu nói trên. Trong đó, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như tập trung chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động. Cùng đó, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động.
Các cấp công đoàn Thủ đô cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh đồng thời tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Phạm Diệp
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Tin khác
Với đồ uống này, stress, áp lực công việc không làm khó được người trẻ
Việc làm 22/11/2024 21:29
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Cơ hội việc làm hấp dẫn cho cộng đồng người khuyết tật
Việc làm 21/11/2024 15:49
Xây trường mầm non tại các KCN và đối tượng thụ hưởng: Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách
Chính sách 21/11/2024 07:42
Lấy an toàn lao động là tiêu chí hàng đầu
Lợi quyền lao động 21/11/2024 07:41
Ngày 21/11 diễn ra Phiên giao dịch việc làm tuyển dụng lao động là người khuyết tật
Việc làm 20/11/2024 22:37
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Đề xuất điều chỉnh tăng mức trợ cấp thất nghiệp
Chính sách 19/11/2024 09:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00