Đại dịch Covid-19 khiến bạo lực gia đình gia tăng
Tuyên truyền bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức sân khấu hoá Tăng cường phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình |
Những nỗi đau không thể xóa nhòa
Sự việc bé gái 6 tuổi tử vong ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nghi do bố bạo hành xảy ra khi đang giãn cách xã hội khiến dư luận không khỏi xót xa. Chiều 17/9, Công an quận Bắc Từ Liêm, đã ra quyết định tạm giữ hình sự L.T.C (sinh năm 1978, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) để phục vụ công tác điều tra.
Ngôi nhà nơi xảy ra sự việc bé gái 6 tuổi tử vong ở phường Xuân Đỉnh. Ảnh: H.Phong |
Tại cơ quan công an, bước đầu anh C. thừa nhận, khoảng 11h ngày 16/9 có đánh cháu L.H.A (sinh năm 2015, là con gái). Đến khoảng 16h cùng ngày, mẹ cháu L.H.A cho cháu ăn cháo và uống 1 viên thuốc thì cháu nôn nhiều nên đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Khi đến bệnh viện, bác sĩ xác nhận cháu L.H.A đã tử vong ngoài bệnh viện nên đã báo Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa, đến lập biên bản ghi nhận vụ việc. Đến 15h ngày 17/9, công tác pháp y đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa hoàn tất. Đồng thời, căn nhà nơi cháu bé cùng gia đình đang sinh sống đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra. Báo cáo của UBND quận Bắc Từ Liêm cũng nêu rõ, trong giờ học trực tuyến tối 16/9, cô giáo chủ nhiệm lớp 1A16, Trường Tiểu học Xuân Đỉnh thấy cháu L.H.A không vào học, đã gọi điện cho phụ huynh thì được biết cháu đã mất.
Theo số liệu thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ 111, trong thời gian giãn cách xã hội, Tổng đài nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn, đề nghị can thiệp có liên quan tới bạo lực trẻ. Dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến cho 60% trẻ em gặp khó khăn, áp lực trong việc học tập; 48% trẻ gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% trẻ bị đánh. Nhiều trẻ cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm, thậm chí bị chính người cha, người mẹ bạo hành trong thời gian giãn cách vì căng thẳng, áp lực về kinh tế, việc làm, stress...
Các vụ việc có tính chất phức tạp hơn
Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), cho biết: “Từ làn sóng Covid-19 lần thứ nhất ở Việt Nam, CSAGA đã triển khai chương trình phòng, chống bạo lực giới trong bối cảnh Covid-19. Đã có nhiều vấn đề xảy ra với các gia đình trong thời điểm này. Cha mẹ mất việc làm, căng thẳng do thu nhập không ổn định; trẻ em phải học online hay thậm chí thời gian ở trong nhà bên nhau nhiều… tất cả những yếu tố đó khiến bạo lực gia đình nói riêng và bạo lực về giới nói chung tăng hơn so với trước đây. Ghi nhận này đúng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong thời gian này, hotline của CSAGA nhận các cuộc gọi về bạo lực giới gấp đôi so với trước và các vụ việc có tính chất nặng hơn”. Sau thời gian triển khai chương trình về phòng, chống bạo lực giới trong bối cảnh Covid-19, bà Nguyễn Vân Anh nhận định: “Trong giai đoạn Covid-19, nạn nhân bị bạo lực trong gia đình thường phải chịu gấp đôi, thậm chí gấp ba về sự rủi ro và tổn thương. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, càng cần phải quan tâm tới việc hỗ trợ những người bị bạo lực về giới, về bạo lực gia đình. Thậm chí, cần phải nâng mức cảnh báo về vấn đề này trong giai đoạn Covid-19”.
Nhìn nhận về bạo lực gia đình dưới góc độ bảo vệ quyền lợi của trẻ em, PGS-TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Nước ta có rất nhiều đơn vị, tổ chức chăm sóc, bảo vệ trẻ. Tuy nhiên, tôi đánh giá công tác dự báo, hỗ trợ về bạo lực gia đình với trẻ trong bối cảnh dịch bệnh chưa tốt, chưa kịp thời”. PGS-TS Trần Thành Nam phân tích: Ngay từ khi Covid-19 diễn ra, học sinh tạm dừng đến trường, các cơ quan chức năng hay tổ chức bảo vệ trẻ em cần có những dự báo về tình trạng trẻ có thể bị tổn thương sức khoẻ tinh thần trong giai đoạn này, bởi những tác động từ gia đình như suy giảm kinh tế, bố mẹ chưa biết ứng xử với con, an sinh xã hội giảm… Đến nay, một số tổ chức đã có những cẩm nang chăm sóc sức khoẻ tinh thần, hướng dẫn các kỹ năng với phụ huynh, nhưng điều này cần phải làm sớm hơn, tốt hơn nữa.
Phụ huynh cần có kỹ năng lắng nghe
Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch CSAGA, cho biết: “Thời gian qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc đưa ra lời kêu gọi liên quan đến sáng kiến bảo vệ người bị bạo lực bằng cách để các tổ chức làm việc với các nhà thuốc, hiệu tạp hoá. Việt Nam cũng sử dụng sáng kiến này, trong đó CSAGA là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp và đã triển khai ở một số tỉnh. Chúng tôi tập huấn cho các nhà thuốc, chủ hiệu tạp hoá về cách nhận diện nạn nhân bị bạo lực. Các nhà thuốc có tờ rơi của CSAGA với nội dung giúp mọi người nhận diện được bạo lực, địa chỉ để nạn nhân xin cầu cứu”.
Một thực tế được bà Vân Anh chỉ ra: Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, CSAGA phát hiện không ít vụ bạo lực gia đình ở các chung cư cao cấp. Vì vậy, với sự đồng hành của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), CSAGA đặt quảng cáo hotline tại hàng loạt chung cư cao cấp trên nhiều thành phố. Cùng với đó là tài liệu hướng dẫn, sách hướng dẫn để có thể hỗ trợ được nạn nhân nhiều nhất. Trung tâm cũng tăng cường thời gian trực hotline trong ngày”, bà Nguyễn Vân Anh cho biết.
Đối với trẻ em, lời khuyên của các chuyên gia nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình trong bối cảnh hiện nay là việc các phụ huynh cần có kỹ năng lắng nghe. Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD cho biết: “Các phụ huynh hãy nghiêm túc trong việc tôn trọng và lắng nghe con, hãy “họp gia đình", hãy dành thời gian để nói chuyện và trao đổi với con ít nhất 1 giờ hàng ngày ngay từ khi con còn nhỏ. Không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con”. Bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh: “Trẻ em cần học để lớn khôn, cha mẹ cũng cần học tập các phương pháp giáo dục tích cực để là động lực, tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, tối đa hoá các tiềm năng của mình”.
Còn theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan Nhà nước đang có chính sách, chương trình để hỗ trợ các gia đình trong việc tìm được tiếng nói chung, bảo vệ gia đình, trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh. “Chúng tôi đã phối hợp với Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội để thực hiện nhiều chương trình, chính sách đảm bảo việc trẻ em được lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình trong gia đình. Gần đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức truyền thông về gia đình, trong số đó đều có những nội dung liên quan đến việc trẻ em, như trẻ em được lên tiếng trong gia đình; cha mẹ cần lắng nghe trẻ em bằng trái tim, đồng hành và làm bạn cùng con. Bên cạnh đó, Bộ cũng có tập huấn cho các cán bộ về gia đình ở các cấp, bao gồm cả ở các địa phương, cũng như đề xuất bộ quy tắc ứng xử trong gia đình tôn trọng - bình đẳng - yêu thương. Chúng tôi cũng đang mong muốn cùng các bên liên quan xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc để cha mẹ có thể tham khảo đồng hành cùng con khôn lớn một cách hiệu quả”, ông Khuất Văn Quý cho biết. /.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Tin nóng 23/11/2024 21:35
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Điều tra - bạn đọc 23/11/2024 15:04
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Tin nóng 23/11/2024 10:05
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Pháp đình 22/11/2024 19:00
Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đối thoại với lực lượng Công an xã, thị trấn huyện Mỹ Đức
Công an Thủ đô thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy 22/11/2024 10:33
Thủ đoạn làm giả "thẻ ngành" để lập hồ sơ vay tiền ngân hàng
Tin nóng 22/11/2024 09:19
Bắt đối tượng lừa đảo nhiều người bằng chiêu đáo hạn thẻ tín dụng
Tin nóng 21/11/2024 13:03
Bộ trưởng Bộ Công an biểu dương Công an Hà Nội triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia
Công an Thủ đô thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy 20/11/2024 19:16
Không để xảy ra tình trạng phức tạp về tội phạm ma túy
Công an Thủ đô thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy 20/11/2024 18:54
Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án mới
Tin nóng 20/11/2024 16:09