“Đánh thức” các phế tích đang “ngủ quên” trên núi Ba Vì
Đánh thức một thị trấn đang "ngủ quên" trên núi Ba Vì | |
Vẻ đẹp u tịch của phế tích Nhà thờ đổ trên núi Ba Vì |
Tìm lại dấu tích xưa
Tại toạ đàm “Phát huy giá trị phế tích tại vườn quốc gia Ba Vì” được tổ chức tại Hà Nội sáng 9/9, các chuyên gia kiến trúc, bảo tồn, các nhà nghiên cứu văn hoá – lịch sử… đã đưa ra những đánh giá, đề xuất cách ứng xử phù hợp để “đánh thức” các công trình phế tích đang bị “ngủ quên” trên núi Ba Vì.
Phế tích nhà thờ đá trên núi Ba Vì thu hút giới trẻ Thủ đô đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh (Ảnh: P.B) |
Mở đầu buổi toạ đàm là câu chuyện sống động của hoạ sĩ, dịch giả Trịnh Lữ khi ông kể về “Nhà Bà Vì” – nơi cha ông, cố hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã mua đất, xây nhà, đưa gia đình về sống tại núi Ba Vì từ năm 1944. Mới đầu ngôi nhà chỉ là một nhà lá chừng 50 mét vuông nền để ở tạm, sau là nhà xây 200 mét vuông nền, bằng cả bê tông, gạch, đá, mái lớp ván gỗ thông phủ nhựa đường. Hoạ sĩ, dịch giả Trịnh Lữ bồi hồi kể lại: Cha tôi đưa hai vợ và 6 con lên Nhà Ba Vì với mong muốn trở thành một gia đình bản địa, như người Mường, người Dao ở đó.
Dưới chân núi, ông nhờ người nuôi một đàn bò. Sau nhà, ông cho làm một trại gà giật cấp nhìn xuống Sông Đà. Mấy anh chị tôi rất thích sáng ra đi nhặt trứng ở những chuồng gà làm bằng gỗ hình tam giác ấy. Trước nhà là vườn rau. Nước lấy ngay ở con suối chảy qua trước nhà. Nước suối sạch đến mức không cần phải đánh phèn hay lọc than gì cả. Chúng tôi thắp sáng bằng đèn Hoa Kỳ và đèn “măng- xông”, dùng dầu hoả thông thường. Có bà Nghiễm, sống dưới chân núi, chăm đôi ngựa thồ chuyên chở nhu yếu phẩm cho gia đình. Có “ông bếp già” lo việc cơm nước. Còn cha tôi phải lo việc xưởng nội thất gỗ nên chỉ lên núi vào cuối tuần. Đạp xe đến chân núi thì ông để xe ở nhà bà Nghiễm, rồi chống cây dáo dài đi bộ lên. Có những lần đi đêm, lên đến nhà thì rạng sáng…
Hoạ sĩ, dịch giả Trịnh Lữ nhớ lại Nhà Bà Vì với những cơn mưa rừng, sương núi, những đàn chim trĩ, muôn loài bướm, bọ cành cây, chim chóc đủ màu, cua suối… Rồi con Vàng, con Bạc – hai chú chó bắt cua rất giỏi, mà mỗi lần run sợ chúi nấp trong nhà là ông biết có hổ đến gần, sáng sớm hôm sau cứt hổ còn nóng hổi ngay rìa vườn rau. Gia đình ông cũng thường xuyên đón các đồng chí như Hoàng Đạo Thuý, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng, Nhữ Thế Bảo lên ở Nhà Ba Vì cùng, người một hai ngày, người cả tuần lễ. Tuy nhiên, đến năm 1948 vì tình hình chiến sự khiến cha ông buộc phải đưa vợ con trở lại Hà Nội, bỏ lại căn nhà trở thành phế tích.
Thật may những ký ức về cuộc sống bên Suối Hoa đã sống dậy khi gia đình hoạ sĩ, dịch giả Trịnh Lữ tìm thấy phế tích ngôi nhà sau bao tâm huyết. Từ năm 2009 tới nay, đại gia đình ông đã rủ nhau về Nhà Ba Vì hàng năm. Lần nào cũng bồi hồi, xúc động, kể cả dâu, rể đến các cháu, chắt của cụ Ngọc, ai cũng muốn được nghe câu chuyện đời Suối Hoa ở bên những bức tường đá đã trở thành phế tích. Với họ, Nhà Ba Vì đã từ phế tích trở thành di sản có giá trị văn hoá và lịch sử, kết nối các thành viên gia đình qua nhiều thế hệ.
Không để Ba Vì bị “bỏ quên”
Ngoài Nhà Bà Vì, còn có sự tồn tại của gần 200 nền phế tích mà người Pháp đã xây dựng thị trấn và khu nghỉ mát cách đây gần 100 năm. Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, qua khảo sát sơ bộ, tài liệu liên quan đến núi Ba Vì có gần 200 hồ sơ thuộc trên 10 phông tài liệu và nhiều cuốn tư liệu liên quan đến: Phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Nha Nông lâm và Thương mại Đông Dương… Theo thông tin từ tài liệu lưu trữ, từ cuối thế kỷ 19 người Pháp đã đến Sơn Tây cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc khác vì mục đích quân sự. Đến đầu thế kỷ 20 đã dần có sự xuất hiện của các điền chủ người Âu với nhiều đồn điền, trang trại sau đó là các khu nghỉ mát được xây dựng.
Năm 1942, trong báo cáo của mình, Công sứ Sơn Tây Tucat đã đánh giá: “… khu núi Ba Vì sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng mang lại lợi ích cao hơn Tam Đảo…”. Cho đến năm 1944, khá nhiều công trình đã được xây dựng ở đây. Các hoạt động khai thác du lịch và nghỉ dưỡng đã hình thành. “Tuy nhiên, nhiều công trình còn dang dở từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945. Sau nhiều năm, các công trình hầu như không còn hoặc chỉ còn lại các “dấu tích” ở nơi đây. Các “dấu tích” mà hiện nay đang được coi là “phế tích” trên đỉnh núi Ba Vì là một trong các “di sản” cần được trân trọng và phát huy giá trị cho các thế hệ, không thể để chúng mãi là các “phế tích”, không để Ba Vì bị “bỏ quên”- Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho hay.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đưa ra các giải pháp đề xuất khai thác nền phế tích kết hợp với thảm thực vật trong Vườn quốc gia Ba Vì để phục vụ du lịch, giáo dục trực quan sinh động theo hướng: Phục dựng, chỉnh trang những không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; tạo lập không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên; giữ nguyên những phế tích với cây cổ thụ ôm cuốn trên tường, xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ – hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung và có quy hoạch.
Cùng chia sẻ và ủng hộ quan điểm bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn theo kinh nghiệm trên thế giới đã làm, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: “Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy.
Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp”. Tương tự, giáo sư Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam cho rằng: “Nếu ai đã đến và thấy những phế tích trong Vườn quốc gia Ba Vì thì đều biết đó là 1 câu chuyện cần được cảm nhận để làm giàu thêm giá trị của lịch sử, môi trường, cảnh quan mà chúng ta đang hưởng thụ. Việc phát huy nó, khai phá nó, làm thức tỉnh nó để phục vụ cộng đồng được thăm quan, sống cùng một thời kì lịch sử là 1 hướng đi cần thiết. Cần bảo tồn và khai thác được khí hậu, cảnh quan mẹ thiên nhiên đã ban tặng, bảo vệ rừng nguyên sinh một cách hài hòa tích cực. Nhưng nếu đầu tư thái quá cũng không đúng, để yên cũng không đúng. Tìm ra phương án và đường đi là nhiệm vụ của thời đại chúng ta hôm nay”.
Với chủ trương của nhà nước nhằm kích cầu du lịch, các chuyên gia tham dự toạ đàm kêu gọi các cơ quan quản lý hãy nghiên cứu, xem xét và phát triển các tiềm năng vô cùng giá trị hiện hữu tại núi Ba Vì để trở thành một món quà nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội khi Hà Nội tìm thấy điều mới mẻ ngay trong chính quá khứ của mình./.
Bùi Phương
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42