Đấu thầu vàng miếng, giá vàng liệu có “giảm nhiệt”?
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC Hủy đấu thầu vàng miếng SJC |
Chấm dứt độc quyền vàng miếng
Theo kế hoạch đề ra, vào 10h ngày 22/4 Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên, cách thời gian mở thầu một tiếng, Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy do “không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc”.
Ảnh minh họa: BT |
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đấu thầu lại vào 10h ngày 23/4. Hiện đã có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia. Các đơn vị sẽ đăng ký, đặt cọc tham gia phiên thầu trong ngày 23/4.
Theo thông báo trước đó, khối lượng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng, mỗi lô giao dịch 100 lượng và tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu đặt cọc là 81,8 triệu đồng mỗi lượng .
Qua động thái tổ chức đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện quan điểm xóa bỏ độc quyền vàng miếng. Đồng thời, sẵn sàng tăng cung vàng miếng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quay ngược lại thời gian, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Đấu thầu vàng hiện nay có nhiều điểm khác với bối cảnh năm 2013. Cụ thể, thời điểm đó, tình hình vàng hóa nền kinh tế diễn ra khá cao do Ngân hàng Nhà nước cho phép vay mượn bằng vàng, tức là các ngân hàng có thể huy động, thanh toán và cho vay bằng vàng.
Sau đó, Nghị định 24/2021/NĐ-CP ra đời và đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng. Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2024, khi nói về việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định 24, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, dù nhiều loại vàng hay không, mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân. Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.
Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới.
Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ quý I diễn ra mới đây, ông Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo, giá vàng quốc tế sáng nay đã vượt 2.400 USD/ounce. Giá vàng tăng do nhiều nguyên nhân như: Nhu cầu về vàng của các nhà đầu tư tăng; ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng; tâm lý lo ngại tình hình xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông.
Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tú, Ngân hàng đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, trước mắt là bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu. Đồng thời, Ngân hàng hiện đã và đang sửa Nghị định 24 để trong thời gian tới quản lý thị trường vàng phù hợp với sự phát triển chung của thị trường.
Về chính sách đối với thị trường vàng trong nước thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết cơ quan này đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị định 24, đã lấy ý kiến các bộ, ngành, trình Chính phủ chủ trương sửa đổi Nghị định 24.
Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá Nghị định 24 đã có những tác động tích cực trong thời gian qua và đã đến lúc sửa Nghị định này cho phù hợp với các điều kiện hiện nay, đặc biệt tập trung vào vấn đề Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.
Đối với sức nóng của thị trường vàng, ngoại tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng có những biến động hết sức đột xuất nhưng nằm trong dự định của cơ quan quản lý cũng như đánh giá của giới phân tích. Dù rằng, sự biến động đó đã ảnh hưởng lớn đến điều hành chính sách chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Rõ hơn về việc tăng cung vàng thông qua đấu thầu vàng miếng, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng cung cho thị trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong chiều ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo chủ trương đấu thầu đến 15 tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp là các đơn vị đủ điều kiện để tham gia đấu thầu vàng với Ngân hàng Nhà nước và công tác đấu thầu được tiến hành sớm trong tuần.
Tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng
Giới chuyên gia cho rằng, có thể qua vài lần đấu thầu, giá vàng sẽ hạ nhiệt. Đấu thầu vàng trở lại sẽ làm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế Việt Nam để qua đó giảm chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác.
Trao đổi với Báo Lao động Thủ đô, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết: Chỉ đạo của Chính phủ là kéo dần giá vàng trong nước xuống mức không còn chênh lệch nhiều với giá vàng thế giới. Đây là chỉ đạo rất kịp thời.
Tuy nhiên, sau đấu thầu cần có những chính sách mới cho thị trường vàng miếng. Đó là không duy trì nhập nguyên liệu vàng miếng đang độc quyền như hiện nay. Đồng thời mở rộng doanh nghiệp được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Trong kinh doanh vàng cũng như các loại hàng hóa khác thì bài toán tăng bình đẳng cạnh tranh.
“Bài toán chủ động cứng, tăng cạnh tranh, công khai bình đẳng, không độc quyền luôn là vấn đề quan trọng nhất đối với thị trường”, ông Vũ Vinh Phú khẳng định.
Ông Vũ Vinh Phú cũng nhận định: Chắc chắn sắp tới khi các giải pháp mang tính đồng bộ, quyết liệt, khoa học sẽ kéo dần giá vàng nội địa ở thị trường Việt Nam tiệm cận thường xuyên với giá vàng thế giới; giúp làm giảm bớt hiện tượng đầu cơ buôn lậu vàng như hiện nay. Nguồn tiền trong nước sẽ di chuyển đến các lĩnh vực khác đem lại sự phát triển cho nền kinh tế đất nước một cách thiết thực nhất.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan quản lý vẫn nên cho phép nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều. Số lượng nhập vào phải làm sao vừa kiểm soát cung cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô.
Việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn. Trong khi xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.
Để tiếp tục thực hiện quyết liệt giải pháp đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường. Theo thị trường, giá vàng SJC ngày 22/4 đã rơi tự do, giảm 1,5 triệu trước đấu thầu vàng. Cụ thể, SJC giảm 1,5 triệu đồng chiều mua vào và 1 triệu đồng chiều bán ra, về mức 83 triệu đồng/lượng (bán ra). Tập đoàn Doji đưa giá vàng miếng SJC về mức thấp hơn, bán ra chỉ còn 82,75 triệu đồng/lượng. Đây là mức giảm rất mạnh của giá vàng miếng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ chính thức đấu thầu vàng miếng để tăng nguồn cung ra thị trường. Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại cũng giảm mạnh về 74,4 triệu đồng/lượng mua vào, 76,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 400 nghìn đồng/lượng so với hôm trước.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng vừa mở cửa tuần giao dịch mới cũng lao dốc khá mạnh xuống 2.379 USD/ounce, giảm 13 USD/ounce so với cuối tuần. Mức giảm của giá vàng thế giới không mạnh bằng đà lao dốc giá vàng trong nước nên chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục được thu hẹp.
Hiện nay, dự trữ vàng của Việt Nam chiếm khoảng 0,68% tổng dự trữ ngoại hối, nếu Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu cung ứng vàng miếng có thể xuất được 2-3 tấn vàng, quỹ dự trữ vàng giảm xuống 0,5% là mức không thể giảm hơn được nữa. Tuy nhiên, theo con số thống kê từ Hiệp hội Kinh doanh vàng quốc tế, khối lượng giao dịch vàng tại thị trường Việt Nam khoảng 40 tấn/năm. Do đó, con số cung ứng ra thị trường không phải lớn nhưng cũng có tác động vào thị trường, sẽ giảm bớt mất cân đối cung - cầu. |
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Transerco sắp thí điểm vận hành xe buýt điện
Khởi động Giải bóng đá nữ U19 Quốc gia - Cúp Acecook 2025
Phát huy nguồn lực sẵn có để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm, tặng quà Tết tại Đồng Nai
Bất động sản công nghiệp đang hấp dẫn các nhà đầu tư
Sôi nổi phong trào thi đua yêu nước ở huyện Thường Tín
LĐLĐ huyện Mỹ Đức trao quà cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2025
Tin khác
Giá xăng, dầu đồng loạt tăng từ chiều 9/1
Thị trường 09/01/2025 16:33
Hôm nay (9/1): Giá dầu thế giới bất ngờ giảm sâu, trong nước dự báo tăng mạnh?
Thị trường 09/01/2025 07:33
Hôm nay (9/1): Đồng USD tiếp đà tăng
Thị trường 09/01/2025 07:27
Dự báo giá xăng tiếp đà tăng trong kỳ điều hành ngày 9/1
Thị trường 08/01/2025 18:54
Nhiều cơ sở để GDP năm 2025 đạt 8-10%
Thị trường 08/01/2025 18:08
Tỷ giá USD ngày 8/1: Đồng USD phục hồi
Thị trường 08/01/2025 10:07
Sẵn sàng các kịch bản điều hành giá với từng nhóm mặt hàng
Thị trường 08/01/2025 08:37
Cần thời gian đánh giá tác động khi điều chỉnh giá điện theo chu kỳ 2 tháng
Thị trường 07/01/2025 21:05
Tỷ giá USD hôm nay (7/1): Đồng USD trên thị trường thế giới giảm mạnh
Thị trường 07/01/2025 07:07
Giá xăng dầu hôm nay (7/1): Giá dầu thế giới quay đầu giảm
Thị trường 07/01/2025 06:51