Để trẻ em không mắc bệnh lao: Tiêm vắc xin là cách phòng tốt nhất
Bước tiến quan trọng trong lộ trình chấm dứt bệnh lao Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao |
Trẻ 3 tháng tuổi lây nhiễm lao từ người lớn
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận bé gái 3 tuổi (Hòa Bình) vào nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, sốt cao, co giật toàn thân do nhiễm bệnh lao. Người nhà bệnh nhi cho biết, cách đó 1 tháng, bé có biểu hiện húng hắng ho, gia đình đưa con đi khám tại một số phòng khám tư và được chẩn đoán viêm đường hô hấp. Trước khi vào viện 3 ngày, bé xuất hiện ho nhiều và co giật toàn thân, kèm khó thở, gia đình cho con vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Để phòng ngừa bệnh lao ở trẻ em, bác sĩ khuyến cáo tiêm vắc xin lao cho trẻ. |
Tại đây, bé được chẩn đoán mắc bệnh lao toàn thể gồm: Lao phổi và lao màng não. Khai thác tiền sử gia đình được biết, cách đây 1 năm, bố của bé đã được chẩn đoán mắc bệnh lao, do chưa hiểu biết về nguy cơ lây bệnh lao cho những người tiếp xúc nên đã lây cho trẻ. Rất may mắn, sau 3 tuần điều trị tích cực, tình trạng của trẻ đã ổn định, dự kiến sẽ sớm được ra viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trên toàn thế giới. Bệnh lao do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, bệnh lây lan khi những người bị bệnh lao phát tán vi khuẩn vào không khí. Được biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm phát hiện và điều trị khoảng 70 - 80 ca bệnh lao, tập trung là những ca lao nặng, khó chẩn đoán. Trong đó gồm các thể lao phổi - màng phổi (45%), lao toàn thể (18%), lao màng não (30%), lao xương, lao hạch.
Theo các chuyên gia y tế, hầu hết các trường hợp nhiễm lao xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và bệnh xảy ra trong vòng 2 năm sau tiếp xúc với nguồn bệnh. Tỷ lệ nhiễm lao cao ở những trẻ em phơi nhiễm. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sống trong gia đình có người bị lao cao hơn so với trẻ sống trong gia đình không mắc bệnh lao; nếu mẹ bị lao, tỷ lệ tử vong tăng gấp 8 lần. "71% trẻ bỏ lỡ cơ hội dự phòng lao bị mắc lao sau này, trong đó có 81% là trẻ dưới 3 tuổi, 25% mắc lao lan tỏa và 5% tử vong. Nguồn lao là mẹ hoặc cha trong các trường hợp này là 47,4%", bác sĩ Thảo cho hay.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, đa số trẻ em trong độ tuổi chưa đến trường mắc lao từ nguồn lây gia đình. Trong gia đình có người mắc lao, trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương thường tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhi mắc lao. Trong đó nhiều trẻ bị thể nặng, đã điều trị tại một số cơ sở y tế và được chẩn đoán sang bệnh khác, khi không đỡ và nghi ngờ mắc lao mới chuyển đến Bệnh viện. “Trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều trẻ chưa được khám và điều trị kịp thời, khi bệnh nặng đi viện thì đã mắc lao ở giai đoạn muộn”, Phó Giáo sư Nguyễn Bình Hòa cho hay.
Điển hình như trường hợp bệnh nhi C.V.B (sinh năm 2007, quê Sơn La) vào nhập viện trong tình trạng viêm khớp háng biến dạng hoàn toàn hẹp khe khớp, phù tuỷ xương và tạo các ổ áp xe phần mềm quanh khớp. Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã phẫu thuật khớp háng để xử lý ổ vi khuẩn lao xương khớp. Theo gia đình bệnh nhân, khoảng 1 năm trước đó, cháu đã có biểu hiện bệnh, làm gián đoạn việc học. Tuy nhiên, vì phát hiện muộn, khi tới viện thì bệnh của cháu đã nặng.
Chủ động tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ em
Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, có 10,6 triệu ca mắc lao mới trên toàn cầu, trong đó ước tính 11% là trẻ em. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị thấp, chỉ 7% trong số đó được phát hiện. Tại Việt Nam, số trẻ em mắc lao phát hiện và điều trị hàng năm chỉ từ 1,5-2% trên tổng số bệnh nhân lao, đây là con số rất thấp. “Rất nhiều bệnh nhân lao trẻ em chưa được phát hiện, hoặc được phát hiện tại các bệnh viện có Khoa Nhi nhưng chưa được báo cáo về Chương trình Chống lao Quốc gia. Thời gian tới cần phải quan tâm hơn nữa tới các đối tượng là trẻ em”, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Bình Hòa cho biết.
Bệnh lao trẻ em đa phần là nhẹ, tuy nhiên, rất nhiều bệnh lao trẻ em tiến triển rất nhanh, có thể lao rất nặng như: Lao màng não, lao xương khớp, có thể để lại di chứng, thậm chí gây ra tử vong. Bởi vậy, Phó Giáo sư Nguyễn Bình Hòa khuyến cáo khi trẻ có triệu chứng ho, sốt về chiều, quấy khóc, bỏ ăn và không tăng cân thời gian dài, chụp X-quang có bất thường, cần phải xét nghiệm vi khuẩn học để xác định trẻ có bị mắc lao hay không.
Các bác sĩ cũng cho hay, lao tiềm ẩn đang là mối đe dọa với sức khỏe trẻ em. Theo WHO, trên toàn cầu có khoảng 21% người nhiễm lao tiềm ẩn, những người này có thể phát triển thành lao bệnh bất cứ lúc nào trong cuộc đời khi cơ thể suy giảm miễn dịch (ước tính có khoảng 5% trong số đó thành lao bệnh). Tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân lao không được phát hiện và vẫn là nguồn lây trong cộng đồng. Vì vậy, đối với những trẻ có nguy cơ cao, sống trong khu vực có nhiều bệnh nhân lao cần phải được khám sàng lọc định kỳ hàng năm để phát hiện sớm lao tiềm ẩn, điều trị ngăn ngừa thành bệnh lao.
Các bác sĩ cũng lo lắng về tình trạng lao kháng thuốc hiện nay, nên với trẻ đã mắc lao, cần phải được phát hiện và chẩn đoán đúng bệnh, điều trị theo phác đồ, tránh bệnh trở nặng, tránh di chứng và tránh hậu quả đáng tiếc. Khi mắc lao, cha mẹ phải tuân thủ điều trị cho con theo hướng dẫn của bác sĩ, điều trị đủ thời gian. Trẻ đi đến nơi đông người nên đeo khẩu trang để phòng bệnh và phải tiêm vắc xin lao BCG (Bacillus Calmette-Guérin) để giúp cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh khi bị nhiễm lao.
Minh Khuê
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00