“Địa chỉ đỏ” lưu giữ tinh thần cách mạng
Giao lưu với nhân chứng lịch sử "Viết tiếp khúc quân hành" | |
Cách mạng Tháng Tám, những ngày Hà Nội sục sôi |
Dấu tích xưa còn lại
Vào những năm 40 của thế kỷ trước, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang vốn là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Ngôi nhà thuộc sở hữu của vợ chồng nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 đầy gian khó, chủ nhân ngôi nhà đã dành một phòng để làm nơi làm việc cho Bác và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong những ngày đầu Người trở về Hà Nội và đưa ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Trong đó có việc chắp bút viết nên Bản Tuyên ngôn Độc lập – Bản Tuyên ngôn bất hủ của dân tộc.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang ngày nay đã được xếp hạng di tích Quốc gia |
Ngày nay, ngôi nhà 48 Hàng Ngang không phải là cửa hàng buôn bán tấp nập như xưa mà nó lặng lẽ, ẩn mình trong sự náo nhiệt của phố cổ Hà Nội. Năm 1970, ngôi nhà được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và được khôi phục làm nhà lưu niệm để đáp ứng tình cảm của nhân dân dành cho Bác. Đến năm 1979, ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia và được mở cửa cho khách đến tham quan, tìm hiểu.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hiện tại, ở tầng 1, phòng ngoài được dùng làm nơi trưng bày các di ảnh, đồ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng. Trên tầng 2 của di tích có hai phòng lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo Đảng chuẩn bị cho một Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Ngoài ra, tầng 2 của ngôi nhà còn có một phòng họp của Trung ương Đảng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau một ngày về đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng và trong cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất trí với Thường vụ Trung ương Đảng về những chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới. Tầng ba của ngôi nhà là phòng truyền thống và nơi dâng hương. Gần đây, rất đông học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến di tích tìm hiểu, học tập.
Mãi soi đường chúng ta đi
Sau khi hoàn thành xong bản Tuyên ngôn độc lập tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thăm lại ngôi nhà 48 Hàng Ngang vào những ngày cuối tháng 8 mới thấy hết được ý nghĩa lịch sử hào hùng. Bạn Lê Thị Huệ (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Khi bước vào ngôi nhà, tôi vô cùng xúc động, cảm giác như mình được trở về quá khứ. Ngôi nhà vẫn mang đậm dấu ấn Hà Nội ngày xưa với bề dày lịch sử. Được tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ đã từng sinh sống, từng làm việc, từng viết nên bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là điều mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng muốn một lần được biết đến”. |
Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thời điểm bấy giờ. Với hệ thống lập luận ngắn gọn, chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, chứa đựng những nội dung bất hủ, một cơ sở pháp lý vững chắc không chỉ có giá trị lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Không phải ngẫu nhiên trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Bản Tuyên ngôn chính thức chỉ ra một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là kết quả của một quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Người. Điều đó càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ sắc sảo của Người mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi.
74 năm đã trôi qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam. Đến nay, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội. Và thấm nhuần tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” với ý chí: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân tiếp tục và kiên trì đường lối, chủ trương độc lập tự chủ, hòa bình và hữu nghị với các nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Năm tháng rồi sẽ qua đi, thế nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như căn nhà 48 Hàng Ngang vẫn sẽ luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.
Kim Tiến
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Quan tâm, nâng đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Long trọng kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây
Techcombank tiên phong triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VneID
Hà Nội giành giải Nhất toàn đoàn tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Bế mạc Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ XI năm 2024
Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu
Báo Kinh tế & Đô thị trao tặng nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Giang
Tin khác
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35