Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào
Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Sisouk Vongvichith cùng gần 300 đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ 50 cơ sở giáo dục của Việt Nam và Lào, hơn 20 cơ quan quản lý giáo dục và doanh nghiệp Lào.
Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Lào
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu đời. Trong lĩnh vực giáo dục, sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào cũng đã có bề dày lịch sử, cùng với việc xây dựng hệ thống giáo dục tại vùng giải phóng Lào, ngay từ năm 1958, Việt Nam đã đón nhận hàng nghìn con em của các bộ tộc Lào sang học tập để sau này trở về xây dựng đất nước.
Trong suốt hơn 60 năm qua, Việt Nam đã giúp đào tạo cho Lào hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên ở mọi lĩnh vực từ chính trị, hành chính, an ninh, quốc phòng, kinh tế, kỹ thuật, giáo viên… Nhiều người đã trở thành những cán bộ cốt cán, giữ các cương vị trọng trách trong hệ thống chính trị và các cơ sở kinh tế trong thời kỳ đấu tranh cách mạng cũng như trong các giai đoạn bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn 1982-2022, Chính phủ Lào cũng đã hỗ trợ đào tạo gần 5.000 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam để xây dựng đội ngũ chuyên gia Việt Nam về Lào, qua đó góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Diễn đàn. |
“Trong quá trình phát triển của hai nước, ở những thời điểm khác nhau, Chính phủ hai nước đều có những chiến lược cụ thể về hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Nếu như giai đoạn trước 2000 phía Việt Nam tập trung đào tạo cho Lào nhiều ở bậc trung học phổ thông thì giai đoạn từ 2000 đến nay, Việt Nam đã tăng cường đào tạo cho Lào cán bộ hệ đại học và sau đại học với quy mô ngành nghề, hình thức, đối tượng đào tạo đa dạng. Số lượng lưu học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam ngày càng tăng, đăng ký theo học tại tất cả các ngành có thế mạnh và học tập tại hầu hết các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết: Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào về nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật giai đoạn mới, ngày 6/12/2020 tại Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Giáo dục 2 nước đã thay mặt Chính phủ ký thỏa thuận về Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030”.
Đề án đã đề xuất những giải pháp chiến lược, các nhiệm vụ cụ thể để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, hướng tới mục tiêu đào tạo trọng tâm, trọng điểm, đào tạo tinh hoa. Qua đó góp phần thực hiện chủ trương của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước trong việc tiếp tục vun đắp truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và thủy chung trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn mới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào sẽ là cơ hội để các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục, các doanh nghiệp Việt Nam và Lào chia sẻ những thành tựu đã đạt được, đề xuất, kiến nghị những vấn đề cụ thể cần được quan tâm, thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học của hai nước. Qua đó sẽ giúp các cơ sở giáo dục hai nước xác định được giải pháp và cụ thể hóa các hoạt động để nâng cao chất lượng giáo dục đại học không chỉ của Lào mà của cả Việt Nam, giúp các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Lào chủ động thu hút nhiều hơn nữa các em sinh viên Lào, Việt Nam sang học tập.
Đánh giá Diễn đàn sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cột mốc phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước nói chung và hai ngành Giáo dục nói riêng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong chia sẻ: Đây là cơ hội để các nhà quản lý giáo dục, các đơn vị giáo dục Lào - Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, tìm hiểu cơ hội hợp tác hỗ trợ lẫn nhau. Tất cả vì mục đích hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng giữa Lào - Việt Nam đáp ứng sự kỳ vọng của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, góp phần phát huy mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam.
Đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào
Trao đổi về thực trạng công tác đào tạo lưu học sinh Lào giai đoạn 2011-2021 và giải pháp nâng cao chất lượng cho giai đoạn 2022-2030, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT Việt Nam) Nguyễn Hải Thanh cho biết: Giai đoạn 2011-2021, Việt Nam đã tiếp nhận gần 30.000 lưu học sinh Lào các diện Hiệp định và ngoài Hiệp định với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau, trong đó diện Hiệp định gần 5.000 người, diện các tỉnh kết nghĩa của Việt Nam tài trợ trên 10.000 người và 15.000 người theo diện tự túc và diện khác.
Bên cạnh các khóa đào tạo dài hạn, trong giai đoạn 2011-2020, ngành Giáo dục Việt Nam đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho 1.196 cán bộ, giáo viên, sinh viên Lào thông qua 44 đợt/khóa tập huấn đa phần tại Việt Nam với thời gian từ 2 đến 9 tháng.
24 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác được ký kết tại Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào. |
“Quá trình học tập tại Việt Nam, lưu học sinh Lào luôn được các cơ sở giáo dục quan tâm, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần nhằm đảm bảo thuận tiện nơi ăn, ở, học tập và sinh hoạt cho lưu học sinh”, chia sẻ thông tin này, ông Nguyễn Hải Thanh cũng đề cập tới một số hạn chế trong công tác đào tạo lưu học sịnh Lào thời gian qua như công tác tuyển chọn đầu vào chưa kỹ; trình độ tiếng Việt hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo; ý thức học tập của một bộ phận lưu học sinh Lào chưa cao; sự quan tâm của một số cơ sở giáo dục Việt Nam đối với công tác đào tạo lưu học sinh Lào còn khiêm tốn…
Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào trong giai đoạn 2022-2030, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế nhấn mạnh việc tăng cường quản lý chặt chẽ công tác tiếp nhận, đào tạo lưu học sinh Lào ở cả 3 nội dung: Tiếp nhận vào học, đào tạo tiếng Việt, đào tạo chuyên ngành. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở giáo dục có tiếp nhận nhiều lưu học sinh Lào nhằm phát hiện và xử lý những vi phạm trong công tác tiếp nhận, đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam.
Là một trong những cơ sở giáo dục tham gia đào tạo số lượng khá lớn lưu học sinh Lào, với 2.563 lưu học sinh giai đoạn năm 2022-2021, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thành Bắc (Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng) cho biết: Đại học Đà Nẵng và các đơn vị thành viên luôn dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ để lưu học sinh được học tập, rèn luyện trong điều kiện tốt nhất; thường xuyên liên hệ và thông báo các kết quả học tập và rèn luyện của lưu học sinh Lào hàng năm cho Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng và các Sở Giáo dục và Thể thao các tỉnh tại Lào để theo dõi nắm bắt tình hình học tập và rèn luyện kịp thời hỗ trợ và động viên lưu học sinh.
Về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thành Bắc chia sẻ: Đại học Đà Nẵng đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho lưu học sinh, gồm: Tăng cường đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh; bố trí lưu học sinh làm việc nhóm chung với sinh viên bản địa ở các học phần có tổ chức học nhóm; cử giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên lựa chọn môn học, giải đáp thắc mắc giúp các em có lộ trình học tập phù hợp; tổ chức các lớp học riêng cho lưu học sinh; tổ chức đổi thoại định kỳ giữa đơn vị đào tạo và lưu học sinh để kịp thời trao đổi, giải đáp thắc mắc nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và đào tạo.
“Tăng cường hợp tác giáo dục Việt - Lào thông qua việc hợp tác xây dựng các khoá học trực tuyến đại chúng mở” (MOOC), là đề xuất của Trường Đại học Mở Hà Nội. Theo đại diện trường này, các khoá học MOOC được triển khai công khai, chính thống thông qua các cổng thông tin của ngành giáo dục hai nước có thể tiếp cận được số lượng du học sinh ở diện rộng hơn và sớm hơn. Du học sinh trước khi đi du học cũng có thể nắm được một số hiểu biết nhất định về phong tục, ngôn ngữ, văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội của nước bạn. Khi quá trình chuẩn bị hành trang của mỗi du học sinh tốt hơn sẽ giúp cho việc hội nhập và học tập trong môi trường mới dễ dàng hơn.
Chính sách học bổng dành cho lưu học sinh Lào cũng là nội dung được nhiều trường đại học Việt Nam trao đổi tại Diễn đàn. Đại diện Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với sứ mạng thúc đẩy quan hệ hợp tác đào tạo giữa Việt Nam - Lào và tình hữu nghị giữa hai nước, IUH đã triển khai nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ với hơn 100 suất học bổng dành cho lưu học sinh Lào hàng năm.
Còn Trường Đại học Phenikaa thì chia sẻ về các cơ hội của lưu học sinh Lào khi học tập tại trường như được cấp học bổng toàn phần; cơ hội thực tập, tham gia hỗ trợ các dự án nghiên cứu, nâng cao năng lực; cơ hội trao đổi tại các trường quốc tế trong mạng lưới đối tác mà Phenikaa là thành viên…
“Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho Lào nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam - Lào trong tình hình mới"- khẳng định của đại diện Trường Đại học Cửu Long tại Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào.
Tại Diễn đàn đã có 24 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các cơ quan quản lý giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trường dự bị đại học… hai nước Việt Nam - Lào.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Tin khác
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02