Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần tạo bứt phá cho Thủ đô bằng những cơ chế đặc thù
Góp ý về hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô. Đồng thời, các đại biểu cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách, tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục của nội đô…
PGS.TS Bùi Thị An đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Hệ thống giáo dục công lập phổ thông phải phát triển cân xứng với sự tăng dân số Thủ đô, đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh trong bậc trung học có nhu cầu học. Ảnh: P.T |
Góp ý vào dự thảo Luật, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung cho Hà Nội cơ chế riêng về bổ nhiệm, cho thôi chức đối với cán bộ chủ chốt là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
Theo bà An, cơ chế bổ nhiệm này cần có sự đột phá, quy trình bổ nhiệm phải nhanh. Kể cả người không nằm trong quy hoạch nhưng xét thấy có tài năng cần được cho đảm nhận trọng trách lãnh đạo đơn vị, chứ không cần phải đợi quy trình.
Tương tự, về cơ chế cho thôi chức cán bộ, PGS.TS Bùi Thị An cũng đề nghị cho Hà Nội được chủ động xử lý đối với cán bộ né tránh, ngại làm, không muốn làm, không vì dân… mà không cần đợi quy trình xử lý như hiện hành.
Góp ý vào điều khoản về phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị nên có có một cơ chế, chính sách vượt trội hơn như chính sách hỗ trợ để tất cả các em trong mọi hoàn cảnh đều có thể tiếp cận giáo dục như hiến định; tạo nhiều cơ sở vật chất để trẻ em không may mắn đều được chăm sóc, nuôi dưỡng.
Cụ thể, góp ý vào Điều 24, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị bổ sung: Hệ thống giáo dục công lập phổ thông phải phát triển cân xứng với sự tăng dân số Thủ đô, đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh trong bậc trung học có nhu cầu học, có chính sách hỗ trợ để tất cả các em trong mọi hoàn cảnh đều được tiếp cận giáo dục như hiến định, tạo nhiều cơ sở vật chất để các em không may mắn như trẻ khuyết tật, tự kỷ… đều được chăm sóc, nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần đảm bảo chất lượng phòng học; triệt tiêu đến mức có thể sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành.
Theo Luật sư Lê Đức Bính - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, để hướng tới mục tiêu hoàn thiện cơ sở pháp luật, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, 5 vấn đề cần làm nổi bật trong Luật Thủ đô (sửa đổi), đó là: Tính đặc thù; chính sách vượt trội; ý nghĩa đột phá; phát huy thế mạnh và phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể như về phát triển giáo dục đào tạo (Điều 24), luật sư Lê Đức Bính cho rằng, cần tập trung ngắn gọn vào 4 nội dung: Xây dựng nền giáo dục phổ thông, mầm non Thủ đô tiên tiến, tiêu biểu, sáng tạo, chất lượng cao và hội nhập quốc tế với chính sách vượt trội, không thu học phí; Có cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư vào cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô; Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cơ chế tài chính về giáo dục đào tạo; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình giáo dục, cấp bằng, chứng chỉ đào tạo.
Các chuyên gia cũng đề xuất cần sửa lại một số điều, khoản trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: B.D |
Cũng đề cập đến Điều 24 về phát triển giáo dục đào tạo của Thủ đô, ông Vũ Thành Vĩnh - thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đề nghị viết lại Khoản 1 Điều 24: “Xây dựng hệ thống giáo dục Thủ đô là hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ mục tiêu học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng và khả năng sáng tạo của mỗi người học, tạo lập thế hệ học sinh Thủ đô giàu khát vọng, có phẩm chất, năng lực, trí tuệ, kỹ năng hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa. Giáo dục Thủ đô phải là trung tâm lớn tiêu biểu của cả nước về đào tạo chất lượng cao, thích ứng quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế”.
Ông Vũ Thành Vĩnh cũng đề nghị cần sửa lại một số điều, khoản để việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, qua 10 năm thi hành, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp quy định được đề ra trong Luật Thủ đô còn nhiều tồn tại. Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại” như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều; tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012. Nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Các nội dung này được cụ thể hóa tại các điều từ Chương II đến Chương V. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế và các sàn thương mại điện tử
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/11: Đêm và sáng trời lạnh
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Tin khác
Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 16:05
Đảm bảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành kịp thời
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 15:46
Triển khai Luật Thủ đô: Kiểm soát chất lượng các văn bản quy định chi tiết
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 14:03
Luật Thủ đô 2024 mở ra “kỷ nguyên mới” để Hà Nội bứt phá về kết cấu hạ tầng
Luật Thủ đô 2024 06/11/2024 23:12
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 22:12
Phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 12:25
Hà Nội xây dựng dự thảo áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Luật Thủ đô 2024 04/10/2024 11:56
Hà Nội: Năm 2024, ban hành 39 văn bản thi hành Luật Thủ đô 2024
Luật Thủ đô 2024 05/09/2024 21:53
Nỗ lực đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống
Luật Thủ đô 2024 03/09/2024 19:08
Hà Nội: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Luật Thủ đô 2024
Luật Thủ đô 2024 24/08/2024 11:53