Đừng để công nhân “đỏ mắt” chờ tiền hỗ trợ thuê nhà trọ
Giảm nỗi lo “thắt lưng buộc bụng” nhờ gói hỗ trợ thuê nhà trọ cho công nhân Công nhân lao động mong sớm được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà |
Khoản tiền này phần nào giúp công nhân trang trải cuộc sống khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách ở tỉnh này đang có những vấn đề nảy sinh nên tốc độ giải ngân vô cùng chậm chạp.
Mòn mỏi chờ đợi
Đến Bình Dương làm công nhân được 2 năm nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Vàng, quê Bến Tre không tích cóp được là bao khi phải lo cho 2 con ăn học và mẹ già đau ốm. Đặc biệt, sau đợt dịch Covid-19 vừa qua công ty ngưng hoạt động, để có tiền trang trải cuộc sống anh phải vay mượn khắp nơi. Giờ đây, tiền lương tháng vừa rút ra chưa cầm ấm tay đã phải chi trả những khoản nợ trước đó. Vì vậy, số tiền 1,5 triệu đồng hỗ trợ tiền thuê nhà là cả một khoản lớn đối với gia đình anh. Thế nhưng, dù đã làm hồ sơ cách đây 3 tháng mà càng trông đợi càng “mất hút” vì chưa thấy giải ngân.
Công nhân mong mỏi từng ngày được nhận hỗ trợ. |
“Để làm thủ tục phải chạy tới chạy lui rất phiền phức. Làm xong thì mãi vẫn không được nhận nên tôi có chút buồn và chờ đợi hàng ngày để có được số tiền hỗ trợ của Nhà nước. Tôi mong sớm được nhận số tiền đó để trang trải cho cuộc sống”- anh Nguyễn Văn Vàng nói.
Cũng như gia đình anh Vàng, cả nhà chị Trần Thị Mỹ Tiên, công nhân Công ty TNHH giày Kim Xương, ở thành phố Thủ Dầu Một cũng đang trông ngóng được hỗ trợ để có thêm tiền trả tiền nhà trọ. Chị Tiên tâm sự, hiện lương tháng và tiền tăng ca của chị hơn 6 triệu đồng. Chỉ riêng tiền điện, nước lẫn tiền nhà, chị đã phải chi trả hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Đồng lương ít ỏi nhưng đủ thứ phải lo, do đó, số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo gói hỗ trợ của Chính phủ là số tiền gia đình chị Tiên đã mong mỏi suốt 2 tháng nay.
“Tiền trọ, tiền gạo, tiền cá không đủ, tháng nào cũng không đủ nên mượn chị bạn mấy triệu mua này, kia cho gia đình. Tới lương này cũng đã trả mất mấy triệu. Mình cũng mong chờ số tiền đó để trả tiền trọ”- chị Tiên nói.
Công nhân trông ngóng, còn lãnh đạo các công ty ở Bình Dương thì cảm thấy nghi ngại khi ngày nào họ cũng nhận được câu hỏi của người lao động “khi nào có tiền” hay “chắc lên tivi nhận”. Trước sự chờ đợi đó, chủ các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị đến cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn thành thủ tục, sớm giải ngân để công nhân yên tâm làm việc.
Sau dịch Covid-19 cuộc sống công nhân ở Bình Dương càng khó khăn hơn. |
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Yazaki Eds, ở thành phố Dĩ An nói, cuối tháng 3 khi gói hỗ trợ được ban hành, doanh nghiệp chủ động cho công nhân làm đơn, điền thông tin với hy vọng sớm nhận tiền. Hơn 2 tháng trôi qua, phản hồi duy nhất công ty nhận là hồ sơ đã của hơn 3.500 công nhân đã được xác nhận, trong khi người lao động liên tục hỏi thăm.
“Công nhân hỏi, mình đã qua phòng nhân sự xác nhận có thông tin chưa nhưng vẫn chưa có kết quả tốt hơn. Nếu được thì giải quyết sớm, bởi sau dịch đời sống công nhân càng khó khăn nên được phần nào hay phần đó”- bà Nhung cho biết.
Đủ lí do chậm
Dự kiến, Bình Dương sẽ có khoảng 820.000 lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ Quyết định số 08. Thế nhưng, đến nay, mới chỉ tiếp nhận khoảng 183.000 hồ sơ của công nhân ở các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, trong đó đã phê duyệt gần 136.000 hồ sơ. Trong tổng số các hồ sơ đã được phê duyệt thì chỉ mới giải ngân cho khoảng 40.000 lao động. Với đối tượng người lao động quay trở lại thị trường lao động có 8.400 người đề nghị và các địa phương đã phê duyệt cho gần 6.000 người. Tuy nhiên mới chi hỗ trợ được cho 1 người.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Chí Hùng, ở thị xã Tân Uyên cho biết, công ty có gần 8.000 công nhân và có khoảng 5.000 công nhân ở trọ. Khi chính sách ra đời, doanh nghiệp rất hoan nghênh vì cảm thấy được chia sẻ nhưng hi vọng đừng để người lao động chờ quá lâu.
“Trong thời điểm khó khăn này, tôi thấy chính sách này thật sự rất nhân văn, hỗ trợ người lao động phần nào khó khăn, phần nào trang trải tiền nhà trọ. Tôi rất ủng hộ chính sách này, rất mong muốn được giải ngân chuyển đến người lao động số tiền họ được thụ hưởng”- bà Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết.
Cuộc sống khó khăn bữa cơm công nhân rất đạm bạc. |
Trước sự chậm trễ này, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương giải thích, nguyên nhân là do chủ nhà trọ sợ ràng buộc pháp lí. Một số chủ trọ không sống cùng khu trọ với người lao động nên rất khó gặp. Sở đã có văn bản gửi các địa phương gỡ vướng bằng cách người quản lí khu trọ có thể thay chủ ký xác nhận cho công nhân. Về phía các doanh nghiệp ngại trách nhiệm nên rất thận trọng khi làm thủ tục. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp gộp 2, 3 tháng để làm luôn một lần, sau đó mới gửi hồ sơ đi xác nhận, phê duyệt.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thẳng thắn nhìn nhận: Nguyên nhân giải ngân chậm còn do khâu thẩm định hồ sơ ở cấp huyện bởi thiếu nhân sự và cán bộ sợ vi phạm luật nếu không kỹ lưỡng.
“Hiện nay phòng Lao động-Thương binh và Xã hội của huyện có một cán bộ làm công tác này. Việc này muốn tăng cường cũng khó bởi phải hiểu chuyên môn sâu về pháp luật lao động mới thẩm định được. Quá trình thẩm định kết hợp với những vấn đề vi phạm vừa qua nên cán bộ rất sợ sai nên dẫn đến chậm”- ông Phạm Văn Tuyên cho biết.
Theo Quyết định số 08, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng và hỗ trợ tối đa 3 tháng; người quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng và hỗ trợ tối đa 3 tháng. Trong bối cảnh vật giá “leo thang” như hiện nay thì có được sự hỗ trợ này giúp người lao động cảm thấy “ấm lòng”. Để tiền nhanh đến tay người cần hỗ trợ thì các cấp chính quyền nên quyết liệt hơn, đưa giải pháp và lộ trình cụ thể, đừng để người lao động phải mòn mỏi chờ đợi./.
Theo Thiên Lý/VOV-TP.HCM
https://vov.vn/xa-hoi/dung-de-cong-nhan-do-mat-cho-tien-ho-tro-thue-nha-tro-post955640.vov
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33