Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động bị nhiễm Covid-19
Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động quận Ba Đình lần thứ 14, khóa X Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động |
Buổi Giao lưu trực tuyến nhằm tư vấn, trang bị cho người lao động những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sau khi bị nhiễm Covid-19. Cùng với đó là những chế độ, chính sách mà người lao động có thể được hưởng khi bị nhiễm Covid-19 trong bối cảnh vừa qua số lượng ca bệnh Covid-19 trên địa bàn Thủ đô tăng cao.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Đến dự buổi Giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; Nguyễn Nguyên Hùng - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; Nguyễn Thị Bích Thủy - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Ban Dân vận, kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện.
Về phía Ban Tổ chức có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Thị Hảo - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Oai.
Buổi Giao lưu trực tuyến còn có sự hiện diện đại diện các ban của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Liên đoàn Lao động các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của gần 200 đoàn viên, người lao động huyện Thanh Oai.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động có các chuyên gia: Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai.
8h30: Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, đây là buổi giao lưu thứ 2 báo Lao động Thủ đô phối hợp với các Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức trong năm 2022, nhằm cung cấp, trang bị kiến thức mọi mặt, đặc biệt là kiến thức pháp luật, kiến thức chăm sóc sức khỏe, những vấn đề rất thiết thực cho đoàn viên, người lao động.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến. |
Sau hơn 2 năm bùng phát dịch Covid-19, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Dưới sự chỉ đạo linh hoạt, sáng suốt của Chính phủ, hiện nay Covid-19 đã dần trở thành khái niệm bình thường trong cuộc sống, chúng ta dần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tuy nhiên, số ca F0 cũng phổ biến hơn, trong đó có không ít đoàn viên, người lao động bị nhiễm bệnh, phải nghỉ việc điều trị khiến cuộc sống xáo trộn, sức khỏe ảnh hưởng, thu nhập giảm sút… Trong giai đoạn này, mối quan tâm hàng đầu của người lao động mắc Covid-19 chính là họ được hưởng những chính sách hỗ trợ gì, điều kiện, thủ tục thụ hưởng ra sao, chăm sóc sức khỏe trong thời gian nhiễm bệnh và hậu Covid-19 như thế nào?
Để giải đáp những băn khoăn của đoàn viên, người lao động đồng thời góp phần tuyên truyền phổ biến chính sách của Nhà nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam liên quan đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; các chính sách phục hồi thị trường lao động, việc làm, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng…
"Chủ đề của buổi giao lưu trực tuyến hôm nay là “Chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động bị nhiễm Covid-19”. Tôi hy vọng và mong muốn rằng, các đoàn viên, người lao động sẽ không bỏ lỡ cơ hội quý được nghe giải đáp trực tiếp những điều mình đang thắc mắc. Do đó, người lao động hãy mạnh dạn đặt những câu hỏi trực tiếp với các chuyên gia để được giải đáp, tư vấn một cách hữu ích, từ đó có thêm kiến thức bảo vệ quyền lợi, chăm sóc sức khỏe bản thân hoặc người thân của mình", đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị.
8h40: Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Hảo cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của LĐLĐ thành phố Hà Nội và Huyện ủy Thanh Oai, thời gian qua, hoạt động Công đoàn và phong trào CNVCLĐ huyện Thanh Oai đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị của huyện.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Hảo phát biểu tại buổi đối thoại. |
Đặc biệt, LĐLĐ huyện Thanh Oai đã khẳng định vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn, nhất là những nội dung có liên quan đến người lao động. Tìm hiểu pháp luật lao động không chỉ giúp người lao động có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình mà còn thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động và hoạt động Công đoàn. Do đó việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, đoàn viên công đoàn và người sử dụng lao động được LĐLĐ huyện đặc biệt quan tâm.
Đề cập đến những nội dung trọng tâm của buổi Giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Hảo khẳng định, đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách liên quan đến người lao động.
"Hy vọng các đồng chí cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ có mặt tại buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để hiểu rõ, hiểu kỹ. Sau đó tiếp tục tích cực tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ của đơn vị mình cùng hiểu và thực hiện tốt", đồng chí Nguyễn Thị Hảo bày tỏ.
8h50h: Phát biểu chỉ đạo tại cuộc giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, người lao động luôn là một nhiệm vụ được tổ chức Công đoàn và các cấp ngành quan tâm thực hiện, thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại cuộc Giao lưu trực tuyến. |
Riêng báo Lao động Thủ đô, với chức năng là cơ quan ngôn luận của LĐLĐ Thành phố, diễn đàn của công nhân, viên chức, lao động, thời gian qua đã tích cực phát huy thế mạnh của báo điện tử - một kênh thông tin nhanh chóng, đa chiều để tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến về các vấn đề mà bạn đọc và người lao động quan tâm, nhất là về chế độ, chính sách pháp luật, tích cực tham gia cùng tổ chức Công đoàn, các cấp ngành phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động.
Với LĐLĐ huyện Thanh Oai, qua theo dõi của Thường trực, LĐLĐ huyện đã chủ động tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động, được LĐLĐ Thành phố đánh giá cao và được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc.
“Tôi cho rằng chủ đề “Chế độ chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động bị nhiễm Covid-19” Ban Tổ chức lựa chọn hôm nay rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn các chế độ, chính sách pháp luật hỗ trợ đối với người lao động bị Covid-19, đảm bảo quyền lợi của mình, có kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình của mình.”, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị, sau chương trình này, báo Lao động Thủ đô tiếp tục phối hợp hiệu quả với các LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn ngành tổ chức thêm nhiều buổi tuyên truyền về chế độ, chính sách pháp luật cho đoàn viên, người lao động; chăm sóc sức khỏe cho người lao động, qua đó đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; thiết thực thực hướng tới Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động trong tháng 5/2022.
Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, huyện Ủy, Hội nhà báo tặng hoa các chuyên gia tham dự buổi Giao lưu. |
9h00: Các chuyên gia giải đáp câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, CNVCLĐ và bạn đọc
- Chị Nguyễn Thị Phương (Công ty May xuất khẩu DHA) hỏi:
1. Sau khi khỏi Covid-19 tôi bị rụng tóc nhiều và thường xuyên đổ mồ hôi trộm, hay hụt hơi khi đi cầu thang, xin chuyên gia cho biết cách nào để khắc phục tình trạng trên? Sau khi khỏi bệnh tôi cần bổ sung dinh dưỡng như thế nào cho hợp lý?
2. Tôi bị nhiễm Covid-19, tôi nghỉ việc điều trị tại nhà 7 ngày, âm tính tôi bắt đầu quay trở lại Công ty làm việc, tuy nhiên, sau khi trở lại làm việc, sức khỏe của tôi chưa phục hồi, thường xuyên mệt mỏi. Xin hỏi chuyên gia, trong trường hợp này tôi có được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe hay không? Nếu được nghỉ thì thời gian nghỉ là bao nhiêu ngày, thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn.
- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Tôi cũng đã khám nhiều trường hợp sau khi mắc Covid-19 cũng gặp một số triệu chứng như chị vừa chia sẻ. Đối với trường hợp của chị, rụng tóc cũng có thể gặp sau Covid-19, nhưng rụng tóc cũng không ảnh hưởng nhiều vì nhiều người không bị Covid-19 cũng bị rụng tóc…do đó, chị không cần quá lo lắng.
Đối với triệu chứng hụt hơi, chị cần theo dõi thêm. Khi có triệu chứng này, chúng tôi khi khám bệnh thường phải đề cập đến việc thăm khám, theo dõi phổi và tim.
Tuy nhiên, hiện nay tôi khám 10 người chỉ có 1 người bị viêm cơ tim nhẹ, 100 người thì mới có 1 người liên quan đến phổi… Như vậy, có rất nhiều triệu chứng liên quan đến bệnh khác, mà không phải do Covid-19.
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Về nội dung nghỉ việc điều trị tại nhà, trong 1 năm có 30 ngày nghỉ ốm, bị Covid-19, nếu chị mới nghỉ 7 ngày thì chúng ta có thể tiếp tục khám và nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội. Theo quy định, người lao động chỉ được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức, sau khi chúng ta đã nghỉ hết 30 ngày ốm trong năm. Điều này mọi người cần phải lưu ý, hiểu đúng chính sách.
Chị Nguyễn Thị Phương (Công ty may xuất khẩu DHA) đặt câu hỏi tại buổi Giao lưu. |
- Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (Công ty TNHH May Thái Hòa) đặt câu hỏi: Xin chuyên gia cho biết, có thuốc nào điều trị Covid-19 dành cho người mang thai không, nếu uống thì có tác dụng phụ như thế nào? Xin cảm ơn.
- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Hiện nay các loại thuốc kháng vi rút có một số hiệu quả nhất định, người dân nên cân nhắc kĩ khi sử dụng. Đối với phụ nữ mang thai, không nên dùng các loại thuốc đặc trị kháng vi rút SARS-Cov-2.
Có một thực tế rằng, khi dịch Covid-19 lây lan rộng trong cộng đồng, tùy vào thể trạng, miễn dịch của từng người mà có người bị nhiễm hoặc không, và nếu bị nhiễm thì mức độ nhiễm khác nhau. Do đó, để phòng, chống dịch, mọi người nên tăng cường miễn dịch thông qua ăn uống, dinh dưỡng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (Công ty TNHH May Thái Hoà) đặt câu hỏi tại buổi Giao lưu. |
- Anh Lê Mai Thực, Trường Trung học cơ sở Liên Châu) đặt câu hỏi:
Chế độ ăn uống hậu Covid-19 như thế nào? Có gia đình chưa ai tiêm vắc xin, ông bố hay uống rượu thì không bị Covid, còn vợ và con đều bị. Vậy uống rượu có ảnh hưởng gì đến kháng Covid-19 không?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Tôi khuyên mọi người nên quan tâm đến việc tăng cường sức đề kháng, như ăn uống, ngủ nghỉ và tập thể dục đầy đủ, hợp lý. Tuy nhiên ăn uống, nhưng ăn uống phải khoa học, phải tự điều chỉnh chế độ ăn uống để không bị tăng cân, bệnh béo phì. Thời gian vừa qua, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong vì béo phì rất lớn.
Nhiều người bảo uống rượu cay giết được “Covy”, thực tế không phải như vậy. Để giết được vi rút SARS-CoV-2 ngay thì chỉ có cách là khử trùng, bằng cồn rửa tay trên 70 độ hoặc xà phòng, rửa trong 30 giây đến 1 phút.
Còn uống rượu không giết được vi rút. Tôi cũng khuyên mọi người nên để tâm trạng vui vẻ, yêu đời để góp phần tăng sức đề kháng tốt hơn.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hà (Công ty TNHH Dây và Cáp điện miền Bắc) đặt câu hỏi tại buổi Giao lưu. |
- Chị Nguyễn Thị Thúy Hà (Công ty TNHH Dây và Cáp điện miền Bắc) hỏi:
1. Khi chúng tôi thực hiện khai báo hưởng chế độ cho người lao động bằng chứng minh thư nhân dân, giờ đổi sang căn cước công dân, vậy, có cần thay đổi và có bị ảnh hưởng gì đến quyền lợi không?
2. Tôi nghỉ ốm một tháng, Công ty không đóng bảo hiểm xã hội, vậy tôi có được tự đóng bảo hiểm xã hội không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Khi thực hiện giải quyết chế độ, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện giải quyết chế độ trên mã số bảo hiểm xã hội, chứ không giải quyết trên căn cước công dân hay chứng minh thư nhân dân, do đó, sẽ không ảnh hưởng đến các chế độ, quyền lợi mà người lao động được hưởng.
Tuy nhiên, khi thay đổi số chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, người lao động nên báo thay đổi với cơ quan Bảo hiểm xã hội, bởi, thay đổi để đồng bộ với dữ liệu dân cư, đồng bộ với VssID, đồng bộ với tất cả các dữ liệu liên quan.
Về trường hợp nghỉ ốm một tháng, người lao động không nói rõ nghỉ ốm dài ngày hay ốm thường, tuy nhiên trong 1 năm người lao động có 30 ngày nghỉ ốm được thanh toán bảo hiểm xã hội nếu đủ giấy tờ liên quan đến nằm viện, ra viện, nghỉ ốm nằm điều trị tại nhà, sau khi đi khám được cấp giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội sẽ được thanh toán mức tiền lương 75%. Như vậy, trường hợp này người lao động sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp ốm dài ngày, người lao động được nghỉ tối đa 180 ngày/năm, thanh toán sẽ được cấp thẻ nghỉ ốm, như vậy cũng không cần đóng bảo hiểm xã hội.
Người lao động cũng cần hiểu rõ: Không phải cứ nghĩ mình nghỉ làm là tự đóng, nếu ốm thì ghi nhận là ốm, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội có thể ngắt quãng, có thể liên tục và đều được cộng nối, cộng dồn, chứ không nhất thiết vắng tháng nào phải nộp tháng đó. Người lao động nên lấy đủ các giấy tờ để đảm bảo được hưởng các quyền lợi.
Chị Bùi Thị Thủy (Công ty Thạch Bích) đặt câu hỏi tại buổi Giao lưu. |
- Chị Bùi Thị Thủy (Công đoàn Công ty Thạch Bích) hỏi:
Gia đình tôi cả hai vợ chồng và hai con đều mắc Covid-19 và đã khỏi. Xin hỏi bác sĩ vậy có cần cho cả nhà đi khám hậu Covid-19 không, hay ai có triệu chứng mới cần đi khám?
- Chuyên gia Nguyễn Tiến Dũng: Nếu gia đình bạn không có triệu chứng gì thì không cần phải đi khám.
- Chị Nguyễn Thị Loan, Trường mầm non Tràng An hỏi:
Lao động nữ đang mang thai được người sử dụng lao động đóng BHXH trên 12 tháng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải nghỉ việc không hưởng lương, trong thời gian nghỉ này không được đóng BHXH, BHYT nếu trong thời gian này nữ lao động sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Điều kiện để hưởng chế độ thai sản phải đóng đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh. Đối với trường hợp thai bệnh lý chỉ cần đóng đủ 3 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh.
Khi nghỉ không lương người lao động phải để ý thẻ BHYT. Trường hợp người lao động nghỉ không lương vẫn do đơn vị quản lý, đơn vị không đóng BHYT khi đi viện sẽ không được thanh toán, nếu trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng đơn vị quản lý, người lao động có thể mua thẻ BHYT để được hưởng khi đi khám bệnh.
Chị Trịnh Thị Lai (Trường Mần non Kim An) đặt câu hỏi tại buổi Giao lưu. |
- Chị Nguyễn Thị Huyền (Công ty An Khang) hỏi:
1. Hiện nay tôi được biết Chính phủ triển khai gói hỗ trợ thuê nhà trọ cho công nhân, tôi muốn hỏi thủ tục, quy trình để được hưởng gói hỗ trợ này như thế nào? Trong trường hợp cả 2 vợ chồng cùng là công nhân tại khu công nghiệp thì chỉ 1 người được hưởng hay cả 2 người? Xin cảm ơn.
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Để hỗ trợ người lao động và khuyến khích người lao động trở lại làm việc, Chính phủ đã có Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Chính sách sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu vực sau đây:
1. Khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
2. Khu vực kinh tế trọng điểm
Hà Nội thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc nên người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội đều được nhận hỗ trợ.
Về điều kiện được nhận hỗ trợ, đối với người lao động được hưởng chế độ 500 nghìn đồng phải đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022; có Hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4/2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Đối với trường hợp được hưởng 1 triệu đồng/tháng: Điều kiện được hưởng là: Đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, trừ Hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của Hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trong Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg có mẫu nhất định, người lao động chỉ cần điền vào đơn, xác nhận của chủ nhà trọ, sau đó nộp lại cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tổng hợp lại danh sách sau đó nộp ra cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trong 2 ngày, cơ quan Bảo hiểm sẽ xác nhận và sau đó doanh nghiệp nhận lại và nộp cho Ủy ban nhân dân huyện và sau đó sẽ xử lý các hồ sơ. Thời gian nộp hồ sơ là trước 15/8, Thành phố sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Anh Lê Mai Thực (Trường Trung học cơ sở Liên Châu) đặt câu hỏi tại buổi Giao lưu. |
- Chị Lê Thị Thảo (Trường Tiểu học Bình Minh) hỏi:
Người trên 80 tuổi bị nhiễm Covid-19, sau khi khỏi thì nên đi khám gì để loại trừ các di chứng như đau đầu, mất ngủ...?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Qua quá trình thăm khám trực tiếp, chúng tôi cũng ghi nhận các trường hợp bệnh nhân sau khi Covid-19 bị đau đầu, mất ngủ. Tuy nhiên, phải hiểu rằng 2 triệu chứng này dù không có Covid-19 vẫn rất phổ biến và khó xác định được nguyên nhân cụ thể. Nhiều khi do lo lắng quá, căng thẳng khi ở nhà quá lâu cũng gây nên các triệu chứng này.
Với trường hợp của bạn, bệnh nhân cao tuổi đã trên 80 tuổi, mặc dù có thể loại trừ khả năng đau đầu, mất ngủ do Covid-19 nhưng vẫn có thể đi khám để xem có bệnh gì khác không, hay có biến chứng về não không.
Chị Nguyễn Thị Huyền (Công ty TNHH khử trùng dụng cụ An Khang Việt Nam) đặt câu hỏi tại buổi Giao lưu. |
- Chị Nguyễn Thị Thanh (Công ty cổ phần Tanaphar) hỏi:
Tôi là F0 nhưng triệu chứng nhẹ, đang tự điều trị tại nhà. Theo yêu cầu của Công ty, tôi vẫn làm việc từ xa và đảm bảo được công việc của mình. Vậy những ngày bị F0 này, tôi có được hưởng đồng thời tiền lương từ Công ty và chế độ ốm đau từ bảo hiểm xã hội không? Xin cảm ơn.
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Bảo hiểm xã hội là để bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất. Trong trường hợp người lao động mắc Covid-19 mà sức khỏe vẫn đảm bảo để làm việc và cơ quan, đơn vị vẫn bố trí làm việc, được cơ quan, doanh nghiệp trả lương, thu nhập không bị mất thì không được thanh toán bảo hiểm xã hội.
Chúng ta làm việc tại nhà, đơn vị vẫn trả lương đầy đủ, như vậy chỉ là đổi vị trí làm việc. Còn nếu ốm đau phải nghỉ việc, không được trả lương, mất thu nhập thì bảo hiểm xã hội bù đắp lại một phần thu nhập bị mất này.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa tặng quà cho CNVCLĐ. |
- Chị Hoàng Thị Kim Phương, Trường Mầm non Thanh Văn hỏi:
Đoàn viên đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, con bị Covid-19, phải nghỉ làm chăm con ốm, vậy, xin hỏi trường hợp này có được hưởng chế độ hỗ trợ gì không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định, người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ chăm con ốm, con dưới 7 tuổi được nghỉ 15 ngày/năm; con dưới 3 tuổi được nghỉ 20 ngày/năm.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trường hợp nghỉ ốm theo 2 trường hợp: Trường hợp con ốm, mẹ nghỉ chăm thì sẽ thanh toán theo chế độ con ốm, mẹ nghỉ chăm. Trường hợp mẹ nghỉ ốm thì thanh toán theo chế độ mẹ ốm.
Trường hợp thời gian nghỉ trùng nhau giữa mẹ và con cùng ốm thì chỉ được thanh toán 1 trong 2 chế độ.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu lưu ý: Người lao động khi lấy giấy chứng nhận nghỉ ốm để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội phải ghi đủ cả tên bố và mẹ, trường hợp người mẹ không thanh toán chế độ bảo hiểm, có thể chuyển cho chồng thanh toán, nếu người chồng có tham gia đóng bảo hiểm xã hội, có nghỉ chăm con ốm.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thanh Oai Nguyễn Nguyên Hùng tặng quà cho CNVCLĐ trả lời đúng câu hỏi Giao lưu. |
- Chị Hà Thị Tuyết Nhung (Công ty TNHH Dược phẩm Fusi) hỏi:
Tôi xin hỏi điều kiện như thế nào thì được hưởng mức hỗ trợ tiền thuê nhà trọ 500.000 đồng và 1 triệu đồng? Tôi đang làm căn cước công dân nhưng chưa được trả thì làm thủ tục xác nhận như thế nào để được hưởng hỗ trợ?
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Có hai đối tượng: Một là hỗ trợ người lao động đang phải thuê nhà sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng và người lao động quay trở lại thị trường lao động từ ngày 1/4 được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng.
Điều kiện được hưởng với người lao động được hưởng chế độ 500.000 đồng/tháng là phải ký hợp đồng lao động trước ngày 1/4, tức là đang làm việc rồi; đang thuê nhà từ ngày 1/2 đến 30/6, có tham gia BHXH từ tháng liền kề mà doanh nghiệp đề nghị hưởng chế độ.
Còn đối tượng hưởng 1 triệu đồng/tháng là người lao động bắt đầu ký hợp đồng lao động từ ngày1/4, có thuê nhà từ ngày 1/4 đến 30/6; có đóng BHXH của tháng liền kề mà doanh nghiệp đề nghị hưởng chế độ.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình tặng quà cho CNVCLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Thủ tục là người lao động đủ điều kiện nêu trên điền thông tin theo các biểu mẫu quy định, có xác nhận của chủ nhà mà người lao động thuê, rồi nộp cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tổng hợp vào biểu mẫu chung của doanh nghiệp rồi nộp cho cơ quan BHXH. Sau khi cơ quan BHXH xác nhận sẽ chuyển cho UBND cấp huyện. UBND cấp huyện sẽ làm thủ tục và cấp tiền vào tài khoản cá nhân cho người lao động.
Để làm thủ tục này, việc người lao động sử dụng căn cước công dân hay chứng minh thư không quan trọng, chủ yếu là doanh nghiệp lập danh sách, có tên, có xác nhận đề nghị là được xem xét.
Thời gian nộp hồ sơ chậm nhất là 15/8/2022; thời gian được hưởng là 3 tháng và việc hỗ trợ được chi trả theo từng tháng.
- Chị Nguyễn Thị Kim Dung (Trường THCS Tân Ước) hỏi:
1. Đa số đoàn viên trong trường tôi đều nhiễm Covid-19 đầu năm 2022, vậy chúng tôi có được hưởng các chế độ hỗ trợ gì không?
2. Đoàn viên công đoàn bị mắc Covid-19, liệu chúng tôi có thể bổ sung vào quy chế để đoàn viên được hưởng hỗ trợ từ Công đoàn không?
Chị Nguyễn Thị Loan (Trường Mầm non Tràng An) đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Thời gian vừa qua, rất nhiều người lao động bị mắc Covid-19 cho nên tổ chức Công đoàn cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn, Công đoàn có những chính sách hỗ trợ khác nhau cho từng đối tượng đoàn viên, người lao động.
Từ 1/3/2022 trở lại đây, việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện theo quy định về chi hỗ trợ, thăm hỏi, trợ cấp tại các Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ban hành quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản Công đoàn cơ sở, Quyết định số 4291/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu trong các cơ quan Công đoàn.
Theo đó, những trường hợp đoàn viên bị nhiễm Covid-19, nếu có hoàn cảnh khó khăn, sẽ được Công đoàn xem xét hỗ trợ ở cấp huyện mức không quá 500 nghìn đồng/người, cấp Thành phố là không quá 1 triệu đồng/người. Còn việc đoàn viên ốm đau mà được hỗ trợ quà, thì tùy vào quy chế của công đoàn cơ sở, cơ chế của từng đơn vị. Những trường hợp đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo, có thể đề nghị LĐLĐ huyện và LĐLĐ Thành phố xem xét hỗ trợ đột xuất.
Các chuyên gia trả lời câu hỏi. |
- Anh Nguyễn Đăng Phan, Công đoàn xã Đỗ Động hỏi:
Tôi đóng BHXH đến nay là tròn 20 năm. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện kinh tế khó khăn, tôi định rút hưởng BHXH một lần, nhưng tôi nghe nói nếu có thời gian đóng khoảng 20 năm thì không được rút 1 lần nữa. Xin nhờ các chuyên gia giải đáp giúp, trường hợp của tôi xin rút 1 lần được không, và thủ tục như thế nào?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Luật quy định là đóng bảo hiểm 20 năm thì không được rút BHXH 1 lần tùy 1 số trường hợp như: Ra nước ngoài để định cư; mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế…
Tuy nhiên, việc nhận BHXH một lần sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho người lao động, người lao động sẽ bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe khi về già. Chúng ta có thể thấy, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần vì qua mỗi năm, mỗi kì, Nhà nước đều có những chính sách thay đổi như tăng tiền lương hưu chẳng hạn…
Chính vì vậy, cơ quan BHXH khuyến khích người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH, tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Chị Nguyễn Thị Thanh (Công ty cổ phần Tanaphar) đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Chị Đào Thị Phương (Trường Mầm non Liên Châu) hỏi: Tôi được biết Nhà nước quy định Công đoàn có trách nhiệm thăm hỏi, hỗ trợ người lao động bị ốm đau. Vậy xin các chuyên gia giải đáp giúp, chế độ thăm hỏi cụ thể như thế nào, người lao động được thăm hỏi ốm đau tối đa mấy lần trong 1 năm?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Chức năng của tổ chức Công đoàn là chăm lo, thăm hỏi người lao động. Có 3 cấp phải thực hiện nội dung này là Công đoàn cơ sở, LĐLĐ cấp huyện và LĐLĐ cấp Thành phố.
Nếu người lao động có ốm đau đột xuất, Công đoàn cơ sở sẽ hỗ trợ đoàn viên theo quy định chi tiêu tài chính và thỏa ước lao động tập thể để hỗ trợ đoàn viên.
Với Liên đoàn Lao động cấp huyện, khi đoàn viên hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo thì Công đoàn hỗ trợ không quá 500.000 đồng.
Nếu khó khăn, bệnh hiểm nghèo nặng hơn nữa thì đề nghị lên Liên đoàn Lao động Thành phố, cấp Thành phố sẽ hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng, từ nguồn quỹ xã hội mà đoàn viên Công đoàn đóng.
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 16:31
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 12:19
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Trao hỗ trợ Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên huyện Ứng Hòa
Vì lợi ích đoàn viên 18/11/2024 21:04
LĐLĐ quận Ba Đình: Phối hợp để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động
Công đoàn 18/11/2024 19:38
Công ty CP Công trình Giao thông Hà Nội: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ
Vì lợi ích đoàn viên 16/11/2024 10:15
Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi là con đoàn viên, người lao động bị tử vong do bão số 3
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 16:09
Giám sát nâng cao chất lượng hoạt động nữ công tại Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 15:46
Mang Tết đủ đầy đến người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 14/11/2024 13:57
Giám sát chuyên đề Nữ công tại Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 13/11/2024 17:06