Giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Mời bạn đọc đặt câu hỏi giao lưu về giải đáp chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động Giải đáp thắc mắc về chế độ, chính sách mới cho người lao động huyện Phúc Thọ |
Buổi Giao lưu nhằm tư vấn, trang bị cho đoàn viên, người lao động những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sau khi bị nhiễm Covid-19, cùng với đó là những chế độ, chính sách đoàn viên, người lao động được hưởng.
Đại biểu dự buổi Giao lưu trực tuyến. |
Đến dự buổi Giao lưu trực tuyến có đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng An toàn Lao động, Viện An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Về phía Ban Tổ chức có các đồng chí: Lê Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Lê Thị Kim Huệ, Ủy viên Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch LĐLĐ quận Đống Đa và các Phó Chủ tịch LĐLĐ quận; Hoàng Tố Uyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Y, Dược Quốc tế.
Quang cảnh buổi Giao lưu trực tuyến. |
Buổi Giao lưu trực tuyến còn có sự hiện diện đại diện các ban của LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của đoàn viên, người lao động quận Đống Đa.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội gồm: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Luật sư Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN; ông Nguyễn Kiến Dụ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mê Linh.
08h45: Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, trong hơn hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động.
Giờ đây tuy dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động xã hội, kinh tế được kích hoạt trở lại nhưng đông đảo người lao động vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn như giảm sút sức khỏe, thời gian làm việc, giảm thu nhập, xáo trộn cuộc sống... Việc quan tâm tư vấn, hỗ trợ, giải đáp các chính sách hỗ trợ cho người lao động là vấn đề đang được người lao động đặc biệt quan tâm.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến. |
“Nhằm giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động, đặc biệt công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiểu rõ hơn về chế độ, chính sách mới, các biện pháp chăm sóc sức khỏe, báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Đống Đa tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải đáp chế độ, chính sách, chăm sóc sức khỏe cho người lao động”, ông Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Đinh Tuấn Anh cũng cho biết, tham gia giao lưu, giải đáp là các chuyên gia trong lĩnh vực chế độ chính sách và chuyên gia y tế sẵn sàng giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về lao động, các chế độ, chính sách về an toàn, vệ sinh lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương... mà đoàn viên, người lao động quan tâm.
Ban Tổ chức mong muốn các đoàn viên, người lao động mạnh dạn chia sẻ các vấn đề, băn khoăn của mình, đặt các câu hỏi đối với các chuyên gia để có thêm thông tin, nắm bắt rõ hơn các chế độ, chính sách pháp luật nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình.
09h00: Cùng phát biểu tại cuộc Giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ quận Đống Đa Lê Thị Kim Huệ cho biết, thời gian qua, để thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), LĐLĐ quận Đống Đa đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả.
Chủ tịch LĐLĐ quận Đống Đa Lê Thị Kim Huệ phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến. |
Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật để chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Hàng năm, LĐLĐ quận phối hợp với các đơn vị, trong đó có báo Lao động Thủ đô để tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách đối với người lao động như việc làm, tiền lương, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), tranh chấp lao động, cổ phần hóa doanh nghiệp và quyền lợi người lao động.
“Hôm nay, LĐLĐ quận phối hợp với báo Lao động Thủ đô tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến về pháp luật lao động cho CNVCLĐ quận Đống Đa tại Công ty TNHH Tư vấn Y, Dược Quốc tế nhằm hỗ trợ pháp lý, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ cho người lao động. Hoạt động này thiết thực trong “Tháng Công nhân” tiếp tục tạo dựng niềm tin, sự gắn bó, tin tưởng của chủ doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn, để Công đoàn thật sự là người bạn, người đồng hành tin cậy của đoàn viên, người lao động”, Chủ tịch LĐLĐ quận Đống Đa chia sẻ.
Lãnh đạo báo Lao động Thủ đô và quận Đống Đa tặng hoa các chuyên gia. |
09h20: Chuyên gia trả lời các câu hỏi, thắc mắc của CNLĐ và bạn đọc
- Chị Nguyễn Thị Hương: Có nên rút BHXH 1 lần không? Nếu rút BHXH một lần thì như thế nào là có lợi nhất cho người lao động?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người lao động không nên thanh toán BHXH một lần, mà nên để đủ 20 năm mới thanh toán bảo hiểm để được hưởng đầy đủ các chế độ.
Khi thanh toán BHXH một lần người lao động sẽ bị thiệt nhiều. Trong đó, người lao động không thu được đủ số tiền tham gia bảo hiểm. Hết tuổi lao động không được hưởng quyền lợi như: Bảo hiểm y tế trọn đời, lương hưu… nếu không may mất thì sẽ không được hưởng mai tang phí…
- Chị Bùi Thị Hiểu: Tôi nghe nói sắp tới sẽ được tăng lương tối thiểu vùng. Xin hỏi tại thành phố Hà Nội sẽ được tăng bao nhiêu, từ thời điểm nào?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Mức tăng và thời điểm tăng lương tối thiểu vùng sẽ do Chính phủ quyết định, hiện nay phải phải chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ.
Luật sư Phạm Thanh Phương bổ sung: Tại phiên họp ngày 12/4 vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng, thời điểm tăng từ ngày 1/7/2022.
Đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng 1, như mức lương hiện hành đang là 4.420.000 đồng/tháng, khi tăng 6% sẽ tăng 260.000 đồng, vào khoảng 4,68 triệu/tháng; vùng 2 sẽ tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng; vùng 3 tăng 240.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng; vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.
Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tham mưu còn Chính phủ mới quyết định mức tăng lương nên hiện nay, đề xuất mức tăng này mới đang được trình Chính phủ xem xét. Chính phủ sẽ họp bàn và nếu Chính phủ quyết định, thì sẽ được thực hiện từ 1/7.
Chị Nguyễn Thị Hương đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
- Chị Lê Thị Thuận: Con tôi bị mắc Covid-19 vào tháng 3/2022. Trong thời gian này tôi phải nghỉ ở nhà để chăm sóc con. Tôi được biết có gói hỗ trợ cho mẹ chăm sóc con là F0 dưới 6 tuổi. Vậy tôi xin hỏi, thủ tục, quy trình để được hưởng khoản hỗ trợ này như thế nào?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Cả bố và mẹ đều được quyền nghỉ chăm con ốm. Người lao động khi lấy giấy chứng nhận để hưởng chế độ nghỉ chăm con ốm phải ghi đầy đủ cả tên bố và mẹ, để bố hoặc mẹ có thể thanh toán chế độ bảo hiểm trong trường hợp này.
Theo quy định, người lao động tham gia đóng BHXH được nghỉ chăm con ốm, con dưới 7 tuổi được nghỉ 15 ngày/năm; con dưới 3 tuổi được nghỉ 20 ngày/năm.
Chị Nguyễn Thị Hiệp đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
- Chị Nguyễn Thị Hiệp: Thời gian vừa qua, nhà nước đã có rất nhiều gói hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19. Tôi xin hỏi, bệnh nhân mắc Covid-19 đã khỏi bệnh được hưởng những khoản hỗ trợ nào và điều kiện để được nhận các khoản hỗ trợ đó?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nhiều người nhầm lẫn rằng Covid-19 được hưởng chế độ đặc biệt nhưng thực tế khi người bệnh mắc Covid-19 sẽ được hưởng chế độ đau ốm như bình thường. Để hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi Covid-19, người lao động cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động bản sao Giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú); Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Về thời gian, người lao động sẽ được nghỉ 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Ngoài ra, trong quá trình khám bệnh, nếu người bệnh phát hiện ra bệnh thì sẽ được hưởng chế độ của BHYT.
- Chị Đỗ Thị Huệ: Tôi xin hỏi điều kiện để được mua nhà ở xã hội? Hiện nay, Nhà nước có chính sách cho công nhân lao động vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội không?
- Chuyên gia Phạm Thanh Phương: Để được hỗ trợ mua nhà ở xã hội thì người lao động phải đáp ứng những điều kiện như điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập, bao gồm:
Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội.
Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó.
Đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Hiện nay, theo quy định có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trong đó ưu tiên những đối tượng sau: Người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
Chị Bùi Thị Hiểu đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Ngoài những đối tượng nêu trên thì các đối tượng sau cũng được ưu tiên mua nhà ở xã hội đó là: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quan đội nhân dân.
Hiện Nhà nước có nhiều chế độ, chính sách nhằm tạo điều kiện cho người lao động mua nhà ở xã hội. Trong đó, có chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án xây dựng nhà ở xã hội để vay/mua cho công nhân, người lao động….
- Chị Trịnh Thị Hằng Nga: Tôi và con tôi đều mắc Covid-19 và tôi mắc trước con tôi 3 ngày. Vậy, tôi được hưởng những chế độ gì?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nhiều trường hợp cả mẹ và con đều cùng mắc Covid-19, người lao động có chính sách nghỉ ốm của người lao động và có chính sách nghỉ chăm con ốm (điều kiện con dưới 7 tuổi). Nếu hai quá trình nghỉ trùng nhau sẽ được thanh toán một trong hai chế độ: Mẹ nghỉ ốm hoặc nghỉ chăm con ốm, mức độ thanh toán chế độ ốm đau là như nhau.
- Chị Nguyễn Linh Thu: Mẹ em bị hậu Covid-19, thường xuyên mất ngủ, xin hỏi chuyên gia, mẹ em có cần đi khám không?
- Chuyên gia Nguyễn Kiến Dụ: Có khá nhiều người bị mất ngủ sau khi bị Covid-19. Nói chung, không có bất cứ vấn đề bất thường nào về sức khỏe mà vượt quá khả năng giải quyết của cá nhân thì đều nên đi khám, không riêng gì bị Covid-19.
Mất ngủ có nhiều dạng, khi bị Covid-19, có người, ở nhà cả ngày, ban ngày đã ngủ nhiều rồi nên đêm không ngủ được. Vì vậy, nếu số thời gian mất ngủ chiếm 30 - 40% tổng số giờ ngủ mỗi ngày, diễn ra trong 2 - 3 ngày liên tục thì nên đi khám bác sĩ.
Đồng thời, việc mất ngủ phải ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sức khỏe, còn nếu không bị ảnh hưởng tâm sinh lý và sức khỏe thì không nên lo lắng.
Nếu không mất ngủ nhiều, mọi người nên dùng các bài thuốc dân gian như tâm sen, hoặc các bài thuốc y học cổ truyền an toàn, theo các bác sĩ tư vấn; hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt, như các bạn trẻ đi du lịch, nghỉ ngơi... để cải thiện giấc ngủ.
Chị Lê Thị Thuận đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
- Chị Trần Thị Quyên: Thời gian gần đây, khá nhiều bệnh viện quảng cáo gói khám hậu Covid-19, cho em hỏi khám hậu Covid-19 là khám những mục gì, khác gì với khám sức khỏe bình thường? Khám hậu Covid-19 có cần thiết không, hay có những biểu hiện gì thì đi khám hậu Covid-19?
- Chuyên gia Nguyễn Kiến Dụ: Hiện nay, khái niệm hậu Covid-19 đang bị lạm dụng rất nhiều, đặc biệt là trên mạng xã hội nên các bệnh viện tư nhân khuyến khích nhiều. Với kinh nghiệm chuyên môn và làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, khái niệm hậu Covid-19 chúng tôi không quan tâm nhiều bởi vì ảnh hưởng đến sức khỏe không phải vấn đề quá lớn trong cộng đồng khi xét về tỉ lệ người bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng…
Các chuyên gia trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Người nên đi khám là khi cảm thấy bất thường về sức khỏe, cảm thấy vượt ngưỡng chịu đựng. Trong các trường hợp đó, bác sĩ sẽ thăm khám và xem xét nên khám những cái gì, chuyên khoa nào. Khám Covid-19 hay khám bất cứ bệnh gì đều có nguyên lý và quy trình khám bệnh riêng, nhiệm vụ của bác sĩ là tìm ra bất thường để giải quyết.
Do vậy, tôi một lần nữa nhấn mạnh với các bạn đó là không cần quá quan tâm đến hậu Covid-19, khi sức khỏe bất thường, vượt quá giới hạn cần đi tư vấn bác sĩ thì nên đi khám.
- Chị Nguyễn Thị Diệu Hương hỏi:
1, Tôi có con nhỏ 6 tuổi, bình thường sức khỏe cháu rất tốt, nếu có ốm cũng khỏi rất nhanh. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, con tôi bị mắc Covid-19. Từ đó, cháu rất hay ho và ho dai dẳng. Hiện tượng này có nguy hiểm không, có cần khám và điều trị như thế nào?
Chị Nguyễn Linh Thu đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
2, Chồng tôi yêu thích môn chạy. Sau khi mắc Covid-19, chồng tôi ho nhiều vào buổi sáng. Theo tôi, chạy như thế có thể gây tổn thương phổi nhưng chồng tôi lại cho rằng chạy bộ sẽ giúp tăng cường sức khỏe. Vậy, theo chuyên gia ý kiến nào là đúng?
3, Đầu năm vừa qua tôi có nghe nói sinh con thứ 3, 4 được thưởng 200 triệu. Thông tin đó có đúng không? Nếu đúng thì bao giờ áp dụng?
- Chuyên gia Nguyễn Kiến Dụ:
1, Thông thường trẻ bị Covid-19 khả năng hồi phục nhanh, do sức miễn dịch tốt. Nếu sau khi trẻ mắc Covid-19 bị ho, thì các bậc phụ huynh cần theo dõi toàn trạng sức khỏe của trẻ. Nếu phản ứng ho ảnh hưởng tới chế độ ngủ và thở của trẻ thì cần đi khám bác sĩ. Còn nếu trẻ chỉ ho một vài cơn và vẫn chơi bình thường thì không đáng lo lắng.
2, Ho là phản ứng tốt, thường khi phổi bẩn thì sẽ có phản ứng ho. Chỉ khi nó ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thì mới cần thăm khám sức khỏe và các bậc phụ huynh cần phải lưu ý dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Phản xạ ho buổi sáng là tốt, mức độ nhẹ làm sạch phổi vì vậy việc tham gia chạy bộ rất tốt.
Đối với trường hợp đối tượng bị mắc Covid-19, phổi không bị ảnh hưởng thì sau khi khỏi tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe vẫn có thể tham gia chạy bộ bình thường.
- Chuyên gia Phạm Thanh Phương bổ sung:
Hiện chính sách dân số khuyến khích sinh 1- 2 con. Nếu sinh con thứ 3, 4 thì không bị xử phạt, vẫn được hưởng chế độ thai sản, trợ cấp 1 lần… Tuy nhiên, thông tin sinh con thứ 3, thứ 4 được hưởng 200 triệu đồng thì chưa đúng.
- Chị Hoàng Thị Thủy: Tôi xin hỏi nếu nghỉ việc ở công ty thì thủ tục, quy trình để được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp như thế nào?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định của pháp luật thì trong 3 tháng từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm để đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp phải đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động thì mới đủ điều kiện được hưởng. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định, trong trường hợp người lao động tự ý thôi việc không đúng quy định pháp luật thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong trường hợp người lao động quên mất chưa đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chưa được hưởng thì tiếp tục bảo lưu, nếu tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở các đơn vị mới, và đủ các điều kiện nêu trên thì người lao động vẫn được hưởng chế độ thất nghiệp.
Về hồ sơ, người lao động đem quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và sổ BHXH đã chốt đến các Trung tâm dịch vụ việc làm để làm thủ tục.
- Một bạn đọc hỏi: Hiện tôi được thanh toán tiền lương qua tài khoản, tuy nhiên không nhận được bảng kê chi tiết. Vậy, tôi có có nên đề nghị công ty trả bảng kê chi tiết hay không?
- Chuyên gia Luật sư Phạm Thanh Phương: Hiện, có hai hình thức trả lương, đó là chuyển khoản trực tiếp qua tài khoản ngân hàng và trả lương trực tiếp.
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Đối với hình thức trả lương qua tài khoản theo quy định: Người sử dụng lao động thanh toán các khoản phí để mở và duy trì tài khoản. Phí này người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận chi trả.
Khi trả lương qua tài khoản, thì người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp/người sử dụng lao động trả bảng kê chi tiết tiền lương cụ thể.
- Phạm Thị Bích: Nhà tôi có 2 em bé dưới 12 tuổi đã bị mắc Covid-19, hiện nay có chiến dịch tiêm chủng thì có nên cho các cháu tiêm vắc xin Covid-19 không?
- Chuyên gia bác sĩ Nguyễn Kiến Dụ: Vắc xin là vũ khí quyết định để chúng ta vượt qua dịch. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ nhỏ sau khi khỏi Covid-19 từ 3 tháng là có thể tiêm vắc xin.
Hiện nay còn rất nhiều băn khoăn đối với tiêm vắc xin cho trẻ, tuy nhiên việc tiêm vắc xin là hết sức cần thiết vì khi 1 người đã mắc Covid-19 hiệu quả sinh kháng thể Covid-19 vẫn thấp hơn tiêm vắc xin. Tiêm vắc xin có tác dụng phòng Covid-19 cho lần sau tốt hơn.
Trưởng phòng An toàn Lao động, Viện An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Thủy tặng quà cho CNLĐ. |
Nếu bạn còn lo ngại những vấn đề ảnh hưởng sau tiêm, khi trẻ đi tiêm sẽ được dây chuyền tiêm tổ chức khám sàng lọc, nếu đủ điều kiện mới thực hiện tiêm.
- Chị Phạm Thị Bích: Tôi có em làm việc tại một công ty mỹ phẩm ở Hà Nội đã được 1 năm, nay do hoàn cảnh phải nghỉ việc về quê, xin hỏi em tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp gì không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Như tôi đã trả lời ở trên, theo quy định của pháp luật thì trong 3 tháng từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm để đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp phải đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động thì mới đủ điều kiện được hưởng.
Chủ tịch LĐLĐ quận Đống Đa Lê Thị Kim Huệ tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Em bạn có thể đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội hoặc ở nơi sinh sống, nếu muốn đăng ký hưởng chế độ này ở nơi sinh sống thì em bạn đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội lấy xác nhận không hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở Hà Nội và đến Trung tâm dịch vụ việc làm ở nơi sinh sống để làm thủ tục hưởng. Mức hưởng thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 12 tháng theo quy định của pháp luật.
- Chuyên gia Phạm Thanh Phương bổ sung: Trong trường hợp này, nếu em bạn có đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định như chuyên gia vừa trả lời, và không không đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì em của bạn mới đủ điều kiện được hưởng các chế độ trợ cấp thất nghiệp.
- Anh Nguyễn Hữu Huân: Tôi được biết, hiện nay Chính phủ có triển khai gói hỗ trợ thuê nhà trọ cho công nhân lao động. Tôi muốn hỏi thủ tục, quy trình để được hưởng gói hỗ trợ này như thế nào?
Anh Nguyễn Hữu Huân đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đang ký HĐLĐ mà phải đi thuê nhà thì người lao động sẽ lấy giấy xác nhận phải thuê nhà ở địa phương, sau khi có giấy thì nộp cho đơn vị đang làm việc. Phía đơn vị sẽ gửi lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Mức hưởng là 500 nghìn đồng/tháng, tối đa 3 tháng.
Còn người lao động bắt đầu ký hợp đồng từ 1/4 thì vẫn lấy giấy xác nhận phải thuê nhà tại địa phương và nộp cho doanh nghiệp/đơn vị sử dụng lao động. Mức hưởng 1 triệu đồng/tháng, tối đa 3 tháng.
- Chị Nguyễn Thị Thanh hỏi: Như thế nào thì được gọi là chưa hồi phục để được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Điều kiện để được nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe sau ốm đau thì người lao động đã được hưởng, nghỉ 30 ngày ốm đau trong một năm nhưng sức khỏe vẫn chưa đảm bảo lúc đó mới được nghỉ dưỡng sức. Việc nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe do tổ chức Công đoàn của các đơn vị và người sử dụng lao động xét nghỉ dưỡng sức ra sao.
- Chuyên gia Nguyễn Kiến Dụ bổ sung: Để được nghỉ dưỡng sức, người lao động phải thực hiện khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, khi sức khỏe không đảm bảo cơ sở y tế sẽ cấp giấy xác nhận cho người lao động, chứ không phải khi người lao động cảm nhận thấy mình yếu không đi làm được là mình có thể hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức.
Phát biểu bế mạc cuộc Giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết, hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, đã có hàng chục câu hỏi của công nhân lao động liên quan đến sức khỏe và chế độ đã được các chuyên gia giải đáp. Những chế độ chính sách đã được chuyên gia tháo gỡ một cách thực tế, dễ hiểu. Cũng chính qua những buổi giao lưu này, giúp các cán bộ LĐLĐ, các Công đoàn cơ sở có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên, và người lao động. Do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên báo Lao động Thủ đô. |
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Giá xăng dầu hôm nay (24/11): Giá dầu thế giới tuần bật tăng gần 6%
Giá vàng hôm nay 24/11: Vàng nhẫn tiếp đà tăng, tiến sát mốc 87 triệu đồng/lượng
Hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế và các sàn thương mại điện tử
Tin khác
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 16:31
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 12:19
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Trao hỗ trợ Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên huyện Ứng Hòa
Vì lợi ích đoàn viên 18/11/2024 21:04
LĐLĐ quận Ba Đình: Phối hợp để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động
Công đoàn 18/11/2024 19:38
Công ty CP Công trình Giao thông Hà Nội: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ
Vì lợi ích đoàn viên 16/11/2024 10:15
Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi là con đoàn viên, người lao động bị tử vong do bão số 3
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 16:09
Giám sát nâng cao chất lượng hoạt động nữ công tại Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 15:46
Mang Tết đủ đầy đến người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 14/11/2024 13:57
Giám sát chuyên đề Nữ công tại Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 13/11/2024 17:06