Hà Nội ngày đầu thực hiện Công điện 15: Đường phố khá vắng vẻ, nhu cầu mua sắm ổn định
Hà Nội dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu từ 0h ngày 19/7, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết Đảm bảo giao thương tự do trong an toàn phòng dịch |
Thực phẩm đầy ắp các siêu thị, người dân bình tĩnh mua sắm
Bắt đầu từ ngày 19/7, Hà Nội thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 theo Công điện số 15/CĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; đồng thời dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu... Trước những quy định mới, nhiều người đã bày tỏ sự lo lắng về nguồn cung hàng hóa và các mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ dân sinh.
Tuy nhiên theo thực tế ghi nhận của phóng viên tại các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội trong sáng ngày 19/7 như BigC, Vinmart, Hapromart… cho thấy lượng hàng hóa rất dồi dào, lấp kín các gian hàng. Một số mặt hàng có mức tiêu thụ nhanh như thịt, cá, trứng, rau củ quả…. được bổ sung liên tục.
Đặc biệt tại siêu thị BigC Thăng Long, hiện tượng khách hàng đổ xô đến mua hàng tích trữ không xảy ra trong buổi sáng đầu tiên thực hiện Công điện số 15/CĐ-UBND. Lượng người dân kéo đến siêu thị giảm rõ rệt, chỉ tương đương ngày bình thường. Ai nấy đều tuân thủ việc giãn cách, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn…
Các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội trong sáng ngày 19/7 như BigC, Vinmart, HaproMart… lượng hàng hóa rất dồi dào, lấp kín các gian hàng. |
Đại diện của hệ thống siêu thị BigC cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại khu vực Hà Nội, nhằm đáp ứng đầy đủ hàng hóa, giúp người dân yên tâm chống dịch, hệ thống siêu thị BigC đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời hoạt động từ 8h sáng đến 22h đêm (nếu sắp tới cần thiết sẽ kéo dài thêm để phục vụ khách hàng mua sắm) và tạo điều kiện mua sắm giãn cách. Đồng thời siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online và qua kênh thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân.
Về nguồn cung hàng hoá, hệ thống siêu thị BigC đã tiến hành làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa gồm nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Theo đó, thực phẩm tươi sống tăng gần 100%, thực phẩm khô tăng 30% so với ngày thường để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Giá cả các mặt hàng bình ổn, không tăng so với những ngày trước. |
“Đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Công Thương và thành phố Hà Nội trong công tác bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu, cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng khi dịch Covid-19 khiến đời sống người dân gặp không ít khó khăn, tại Hà Nội, hệ thống BigC sẽ nỗ lực bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thiết yếu, giúp người dân yên tâm chống dịch”, đại diện hệ thống siêu thị BigC khẳng định.
Mua hàng tại siêu thị, chị Nguyễn Thanh Thủy (quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Nhận thông tin về Công điện mới tôi cũng không quá lo lắng, thay vào đó sẽ bình tĩnh và sẽ chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố. Không lo thiếu thực phẩm thiết yếu nên tôi sẽ thực hiện 2 ngày đi siêu thị một lần để đảm bảo hạn chế ra ngoài và được dùng thực phẩm tươi ngon. Có thể nhu cầu của các gia đình cao hơn nhưng thôi thấy giá cả các mặt hàng hôm nay không tăng so với những ngày trước”.
Hiện tượng khách hàng đổ xô đến mua hàng tích trữ không xảy ra trong ngày đầu tiên thực hiện Công điện số 15/CĐ-UBND. |
Dù trong bất kì tình huống nào, Thành phố luôn ưu tiên thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng. Trước đó, ngày 18/7, Sở Công thương Hà Nội đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, Thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Dù trong bất kỳ tình huống nào, Thành phố luôn ưu tiên thực hiện các giải pháp không để xảy ra thiếu hàng. |
Mặc dù đang phải đối mặt với một khó khăn (nguồn nhân lực, vận chuyển hàng hóa qua địa phận các tỉnh, một số mặt hàng thiết yếu đang phải cung cấp cho các tỉnh phía Nam...) song hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online... để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối.
Trên cơ sở đó, Sở Công thương Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Người dân ủng hộ việc tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống dịch
Thực hiện nghiêm Công điện mới, ngày đầu tiên thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, đường phố Hà Nội trở nên vắng lặng hơn. Ghi nhận của phóng viên trên các tuyến đường, ở khung giờ cao điểm, mật độ người đi lại trên đường phố có đông đúc nhưng đã giảm so ngày thường do nhiều công ty, doanh nghiệp, tập đoàn chủ động xây dựng phương án làm việc trực tuyến.
Sau giờ cao điểm, các tuyến phố thông thoáng và lưu lượng phương tiện di chuyển ít. Người dân ra đường nghiêm chỉnh chấp hành việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tốt nhất có thể. Đặc biệt, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), lực lượng công an và dân phòng luôn túc trực để nhắc nhở người dân không tập thể dục và đạp xe, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.
Sau giờ cao điểm, các tuyến phố thông thoáng và lưu lượng phương tiện di chuyển ít. |
Ông Nguyễn Văn Hải (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi đồng tình với quy định đóng cửa vườn hoa, công viên, không đạp xe quanh khu vực hồ vì điều này sẽ hạn chế người dân tụ tập, trò chuyện và để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch. Khi công viên dừng hoạt động, tôi vẫn duy trì việc tập luyện thể dục thể thao tại nhà để nâng cao sức khỏe. Tuy có phần hạn chế về không gian nhỏ hẹp, nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì ở nhà vẫn an toàn hơn ra ngoài”.
Bước vào giai đoạn chống dịch mới, các hộ kinh doanh dù gặp nhiều khó khăn song vẫn luôn tuân thủ đầy đủ các quy định phòng dịch đồng thời thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách mong chờ ngày được mở cửa trở lại. Đặc biệt trên các tuyến phố từng được coi là “kinh đô thời trang” của Thủ đô như: Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), Cầu Giấy (quận Cầy Giấy); Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)… các cửa hàng đóng cửa tạm dừng kinh doanh. Chỉ còn một số quán ăn, đồ uống treo biển “chỉ bán mang về”.
Các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đã đóng cửa. |
Chị Phạm Thu Trang (quận Cầu Giấy), chủ một cửa hàng cắt tóc, cho biết, mỗi khi Thành phố yêu cầu đóng cửa một số loại hình kinh doanh không thiết yếu, trong đó có dịch vụ cắt tóc, gội đầu, chị đều nghiêm chỉnh chấp hành cho dù thu nhập bị giảm đáng kể.
"Lần này dịch lây lan nhanh, số ca mắc tại Hà Nội chưa xác định được nguồn lây nên Thành phố quyết định dừng một số hoạt động là hoàn toàn chính xác. Mặc dù phải đóng cửa chưa biết đến bao giờ để phòng, chống dịch nhưng tôi vẫn nhất trí với cách làm này. Mỗi người hi sinh một chút thì xã hội sẽ bình yên", chị Phạm Thu Trang chia sẻ.
Có cùng suy nghĩ, anh Nguyễn Hữu Thuận, chủ quán cơm bình dân trên đường Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) cho rằng: "Trong bối cảnh hiện nay, việc Thành phố vẫn cho mở cửa bán hàng mang về là quá tốt rồi. Tuy thu nhập không được như trước, nhưng với những người sinh kế phụ thuộc phần lớn vào việc bán hàng theo ngày như chúng tôi thì đây là một biện pháp thiết thực".
Mặc dù Công điện số 15/CĐ-UBND của thành phố Hà Nội yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, nhưng đã quy định cụ thể từng loại hình, lĩnh vực, cách thức hoạt động bảo đảm an toàn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế cho dân. Đây cũng là điểm riêng thể hiện sự chủ động, linh hoạt của Thành phố trong vận dụng một số biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Bước vào giai đoạn chống dịch mới, các hộ kinh doanh dù gặp nhiều khó khăn song vẫn luôn tuân thủ đầy đủ các quy định phòng dịch. |
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ chốt toàn thành phố phải nắm bắt ngay yêu cầu mới, bám sát địa bàn phụ trách, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả đến từng người dân. Đặc biệt, phải làm thật tốt công tác tuyên truyền để khơi dậy phong trào toàn dân, toàn diện phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền để người dân bình tĩnh, không chủ quan, lơ là chống dịch, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ thái quá.
Bên cạnh đó, theo Công điện 15/CĐ-UBND, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh cũng đề nghị nhân dân Thủ đô tiếp tục ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Thành phố; mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng để tiếp tục kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Có thể thấy, trước diễn biễn phức tạp của dịch bệnh, thì việc chấp hành quy định về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 là điều kiện để bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Trong đó, sự đồng tình ủng hộ của người dân trong chấp hành các quy định về phòng, chống dịch sẽ sớm khống chế đà lây lan của dịch bệnh, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để Hà Nội cùng cả nước từng bước sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Tin khác
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42