Hà Nội phát triển đô thị bền vững
Thực trạng hiện nay
Phát triển bền vững là một khái niệm lý luận đang từng bước gây ảnh hưởng và làm thay đổi chính sách phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới cũng như của Việt Nam hiện nay. Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2014 của nước ta: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.
Về bản chất, phát triển bền vững chính là một quá trình liên tục cân bằng và hoà nhập các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái nhằm đảm bảo sự trường tồn của nhân loại. Chính vì vậy, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược cho toàn cầu, cho từng quốc gia, từng khu vực cũng như cho từng đô thị.
Hình ảnh thường thấy của các xe thu gom và điểm tập kết rác thải ở Hà Nội |
Không nằm ngoài xu hướng chung, Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một đô thị loại đặc biệt của cả nước cũng đang đặt ra yêu cầu phát triển đô thị cao hơn theo hướng đô thị bền vững để trở thành thành phố đáng sống với các giá trị và tiêu chí: Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Kể từ ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến nay, Hà Nội đã không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô cả về diện tích và dân số để trở thành một trong những thành phố khang trang, sầm uất nhất cả nước, không chỉ là đầu não chính trị, hành chính quốc gia mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, công nghệ và giao lưu quốc tế.
Giữa nhịp sống đô thị hiện đại với quy mô diện tích 3.344,7 km2 và dân số khoảng 10 triệu người, người ta được chứng kiến tốc độ tăng trưởng đô thị “chóng mặt” của Hà Nội với hàng loạt công trình, tòa nhà cao tầng, những khu đô thị mới mọc lên nhanh chóng; những con đường, cây cầu được nâng cấp mở rộng, xây mới tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô cũng như với các tỉnh thành lân cận;… Tuy nhiên, sự phát triển ấy cũng để lại nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến văn hóa - xã hội, môi trường - sinh thái và đặt ra những yêu cầu cao hơn về trình độ quản lý đô thị đối với chính quyền Hà Nội.
Về chất lượng không khí, chúng ta đã được chứng kiến sự tăng hạng liên tục của Hà Nội trên các bảng xếp hạng những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới trong thời gian vừa qua. Năm 2019, khu vực nội thành ghi nhận 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất dao động 151-200 (mức xấu và rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân).
Về chất lượng nước, theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội, lượng nước thải mà cư dân Thủ đô cùng các nhà máy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thải ra mỗi ngày lên đến 300.000 tấn; chủ yếu được thải thẳng vào một số sông, hồ chính như Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu, sông Tô lịch... gây bốc mùi hôi thối và rất khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người dân sống xung quanh hồ và dọc theo các con sông, số còn lại ngấm xuống các mạch nước ngầm làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt tại một số nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thay vì trở thành điểm vui chơi, thu hút du khách tham quan, dạo mát thì các con sông nội đô nay lại là nỗi ám ảnh cho người dân sống xung quanh và người qua đường vì dòng nước đen bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Rác thải sinh hoạt cũng đang là một vấn đề môi trường nghiêm trọng tại Hà Nội. Lượng rác thải hàng ngày khu vực nội thành khoảng 5.500 tấn/ngày, cao điểm lên tới 7.000 tấn/ngày, nhưng năng lực xử lý thu gom chỉ được khoảng 70%. Các địa điểm thu gom rác tập kết thường quá tải, không được che phủ gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan thành phố. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 89%) nhưng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi, công suất xử lý của các nhà máy hiện còn quá thấp so với lượng rác thải ra hàng ngày.
Không gian xanh, công cộng bị "xẻ thịt" làm nơi kinh doanh, buôn bán |
Thực tế, trong những năm qua, người dân ở xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) đã nhiều lần chặn xe rác, bởi việc vận chuyển, xử lý rác gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ, khiến cho rác trong khu vực nội thành bị ùn ứ, gây ô nhiễm nhiều ngày. Vì vậy, xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán nan giải với chính quyền thành phố Hà Nội.
Về không gian xanh và không gian công cộng, theo khảo sát của Tổ chức thành phố sống tốt (Health Bridge) Việt Nam, Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành, đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Do quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ và sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền nên diện tích đất công cộng vốn đã hạn chế lại còn bị lấn chiếm, xẻ thịt để làm nơi kinh doanh buôn bán, bãi đỗ xe, xây dựng công trình thương mại,… Các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát với hành lang cây xanh và không gian công cộng bị cắt giảm để tối đa hóa lợi nhuận; đường phố chật hẹp, vỉa hè bị lấn chiếm, biển quảng cáo lắp đặt “vô tội vạ”,… tạo cho Hà Nội một không gian đô thị ngột ngạt, nhếch nhác, thiếu điểm nhấn.
Giải pháp đề xuất
Một số tồn tại nêu trên và hệ lụy của một giai đoạn tăng trưởng “nóng” trong những năm vừa qua đã cho thấy việc phát triển đô thị bền vững đối với Hà Nội là một yêu cầu tất yếu. Tác giả có một số ý kiến đề xuất với chính quyền Hà Nội như sau:
Hà Nội cần thực hiện nghiêm túc Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sớm định hình và phát triển khu vực đô thị trung tâm và năm đô thị vệ tinh để tạo nên các vành đai xanh, khích lệ tăng trưởng, kéo giãn dân ra khỏi nội đô chật chội. Cùng với đó, Hà Nội cần xem xét điều chỉnh quy hoạch nhằm mở rộng không gian công cộng, không gian cây xanh cho đô thị; quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc triển khai xây dựng theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh cắt giảm diện tích công cộng, vườn hoa, cây xanh,… để xây dựng công trình thương mại, đặc biệt là ở các quận trung tâm, đã có mật độ dân cư rất đông đúc.
Mô hình bike share |
Xem xét cấm ô tô lưu thông trên khu vực phố cổ, hạn chế dần phương tiện cá nhân trong khu vực trung tâm và phát triển phương tiện đi lại chính là xe bus, xe đạp, một số ít xe máy phục vụ vận chuyển hàng hóa. Xây dựng các địa điểm bike share trong các dãy phố, gần các điểm trung chuyển của phương tiện công cộng khác để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và di chuyển. Mở rộng phạm vi bãi đỗ xe ô tô xung quanh khu vực phố cổ, khu vực trung tâm để phục vụ nhu cầu gửi xe của người dân khi đi vào các khu vực này.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng theo hướng văn minh, hiện đại, thuận tiện cho người dân có thể tiếp cận, di chuyển dễ dàng bằng các giải pháp như xây dựng ứng dụng kết nối tất cả các tuyến xe bus trên thành phố để người dân dễ dàng theo dõi lộ trình, thời gian các chuyến xe; sắp xếp lại, xây dựng thêm các lộ trình bus phù hợp với sự phát triển của các khu dân cư; tăng tần suất các tuyến bus; kéo dài thời gian hoạt động của các phương tiện công cộng vào ban đêm; đặt địa điểm trạm chung chuyển phương tiện tại các nút giao thông lớn, gần khu dân cư; xây dựng nhà chờ văn minh, hiện đại, an toàn; đầu tư nâng cấp hệ thống phương tiện vận chuyển xanh - sạch - đẹp;… Bên cạnh đó, chính quyền cần quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt trên cao, sớm đưa vào vận hành, khai thác.
Giữ gìn và phát triển hệ thống ao hồ, cải tạo hạ tầng kỹ thuật xung quanh, kết hợp không gian mặt nước - cây xanh nhằm tạo không gian sinh hoạt công cộng cho người dân đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thu gom, xử lý nước thải tập trung của Thành phố nhằm thu gom nước thải đang xả thẳng sông hồ; kết hợp với cải tạo cảnh quan dọc bờ sông nhằm hồi sinh các con sông nội đô.
Tận dụng tất cả các khoảng trống trên đường phố như dải phân cách, đảo giao thông, các dải đất ven đường, ven sông,… để trồng cây xanh theo chủ đề, đảm bảo mỹ quan đô thị. Bắt buộc các tòa nhà lớn đều phải có không gian cho cây xanh đảm bảo tỷ lệ quy định mới được cấp phép xây dựng. Quy định và áp dụng hình thức xử phạt nghiêm, đảm bảo tính răn đe đối vối tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại cây xanh công cộng.
Tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tầm quan trọng, trách nhiệm của từng cá nhân trong hành động bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sống của chính mình; từ đó thay đổi thói quen hàng ngày, có những hành động thiết thực để hạn chế phát thải ra môi trường như hạn chế sử dụng túi nilon, tăng tái sử dụng, tái chế rác, giảm lượng rác sinh hoạt thải ra mỗi ngày, hạn chế phương tiện cá nhân,…
Ban hành các quy định chặt chẽ về quản lý đô thị và có hình thức xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý đô thị; xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến vi phạm quy định quản lý đô thị. Chính quyền cần thực sự có trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa trong việc quản lý đô thị theo đúng định hướng đã đề ra; không để xảy ra tình trạng trên nóng dưới lạnh, định hướng một đường thực hiện một nẻo.
Để thực sự đạt đến sự phát triển đô thị bền vững, Hà Nội còn rất nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết nhưng tin rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và định hướng phát triển đúng đắn, Hà Nội sẽ sớm trở thành thành phố đáng sống với các giá trị và tiêu chí: Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại./.
Nguyễn Xuân Quỳnh (Văn phòng - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Tin khác
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Sự kiện 23/11/2024 21:36
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Sự kiện 23/11/2024 21:34
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Sự kiện 23/11/2024 15:24
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Tin mới 22/11/2024 19:31
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Tin mới 22/11/2024 19:30
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49