Hà Nội tiếp tục phòng, chống Covid-19 phù hợp với thực tiễn, điều chỉnh linh hoạt
Chiều 20/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố chủ trì cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Cùng dự có: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo một số Sở, ngành Thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì cuộc họp |
Cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh
Tại cuộc họp, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố đã báo cáo sơ bộ tình hình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố trong thời gian qua. Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 trung bình tại đợt giãn cách thứ tư đã giảm mạnh (27,7 ca/ngày so với 71,2 ca/ngày tại đợt giãn cách thứ nhất); số ca nhiễm trong cộng đồng cũng giảm (2,7 ca/ngày so với 25 ca/ngày tại đợt giãn cách thứ nhất); số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng. Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đã kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao.
Cũng trong thời gian giãn cách xã hội, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội của Hà Nội đã có nhiều biện pháp hiệu quả, nỗ lực hỗ trợ đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhân dân Thủ đô cũng đồng tình ủng hộ, thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch. Các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao đã dần được kiểm soát thông qua các biện pháp cách ly và xét nghiệm diện rộng. Đến nay, đã kiểm soát được 11/13 khu vực nguy cơ rất cao.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin tại cuộc họp |
Vì thế, bà Hà cho biết, hiện Thành phố đã điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch tại một số quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng (vùng xanh). Theo đó, người dân đang thu hoạch vụ mùa, cơ sở kinh doanh dịch vụ đã hoạt động trở lại từ 12h ngày 16/9…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp theo nguyên tắc "bảo vệ vững chắc vùng xanh", "xanh hóa vùng vàng", "thu hẹp vùng đỏ". Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vắc xin Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1; tạo điều kiện tối đa cho người dân đảm bảo các sinh hoạt hàng ngày; duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn đảm bảo quy định phòng, chống dịch, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hoá…
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan khẳng định, qua 4 lần giãn cách, ngành Công Thương vẫn thực hiện tốt chức năng đảm bảo cung ứng hàng hoá cho người dân. Đặc biệt trong đợt giãn cách lần thứ tư, Hà Nội phân làm 3 vùng, Sở đã xây dựng phương án phục vụ bảo đảm nguồn cung và hàng hoá cho 3 vùng, đặc biệt là vùng 1.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin tại cuộc họp |
Hệ thống phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, hợp tác xã sản xuất kinh doanh luôn bảo đảm nguồn dự trữ hàng hóa và vận chuyển 24/24 để có nguồn cung cho người dân. Do đó, nhu cầu hàng hoá của người dân được đáp ứng, giá cả không tăng đột biến. Sở cũng phối hợp các địa phương thu mua hàng hoá, tránh dư nguồn cung, phối hợp tổ chức đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tiêu thụ trái cây khi sức mua hạn chế.
Hà Nội cũng tạo điều kiện cho xe vận chuyển hàng hóa vào Thành phố bình thường, bảo đảm lưu thông; quan tâm tiêm và xét nghiệm cho hệ thống phân phối, đến nay toàn bộ người lao động trong hệ thống phân phối đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.
"Sở cũng chỉ đạo hệ thống phân phối đa dạng hóa hình thức bán hàng, đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử để người dân tránh ra đường đông người. Mức tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử tăng từ 30-50% so với các ngày bình thường", bà Phương Lan thông tin.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương khẳng định, trong các đợt giãn cách xã hội, công tác an sinh xã hội đã được các cấp, các ngành của Thành phố chăm lo rất chu đáo, đặc biệt là đối với các đối tượng người nghèo, lao động gặp khó khăn, lao động ngoại tỉnh; nhiều trường hợp không chỉ được hỗ trợ 1 lần.
Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương thông tin tại cuộc họp |
Kết quả thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Thành phố cho các đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được triển khai khẩn trương, tích cực. Tổng kinh phí trên 1.138 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách Nhà nước trên 866 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa trên 271 tỷ đồng). Theo thống kê, đến nay đã có gần 2 triệu người khó khăn được hỗ trợ kịp thời.
Tiếp tục tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, quan điểm của Công an Hà Nội trong giai đoạn mới là phát huy những thành quả đạt được và bảo vệ thành quả trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, Công an Thành phố dự kiến thu hẹp các chốt kiểm soát ra vào Thành phố hiện đang thực hiện. Cụ thể, trong giai đoạn tiếp theo, duy trì 55 chốt ra vào Thành phố, trong đó có 22 chốt tại quốc lộ, 33 chốt tại các đường ngang, lối mở (trước đó là 23 chốt của các tuyến quốc lộ, 44 chốt đường ngang, lối mở).
Trong quá trình triển khai các chốt kiểm soát ra vào Thành phố từ ngày 24/7 đến nay, đánh giá của Công an Hà Nội là các chốt kiểm soát cơ bản đã ngăn chặn sự xâm lấn dịch bệnh vào Thành phố, kiểm soát được phương tiện ra vào. Vì vậy, giai đoạn tiếp theo cần duy trì các chốt kiểm soát để bảo vệ thành quả chống dịch. Việc mở chốt trên nguyên tắc kiểm soát cả chiều vào và chiều ra Hà Nội, kiểm soát chặt người từ vùng có dịch, vùng nguy cơ vào Thành phố.
Đại tá Trần Ngọc Dương thông tin tại cuộc họp |
Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết, trong thời gian tiếp theo, Công an Thành phố tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin - Truyền thông để quét mã QR tại các chốt kiểm soát người vào Thành phố, trong đó chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ.
Công an Thành phố cũng tiếp tục tổ chức các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý trường hợp vi phạm, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ Covid cộng đồng; tiếp tục có phương án bảo vệ, chốt chặt vùng phong tỏa, cách ly; tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình; bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô đặc biệt là ở giai đoạn hiện nay.
Không phát sinh thêm thủ tục hành chính
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống dịch, tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn, nhất là tại một số khu vực dân cư đông, ngõ chật hẹp. Chính vì thế, thời gian tới, Thành phố nới lỏng một số hoạt động nhưng với mục tiêu đặt ra hàng đầu là đảm bảo an toàn, sức khỏe nhân dân và sự an toàn của Thủ đô; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trong khi dịch bệnh cả nước đang phức tạp, khó lường.
Cụ thể, theo Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng, Hà Nội sẽ không áp dụng quy định phân vùng và không áp dụng giấy đi đường cho các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn Thành phố; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch và quản lý giám sát di biến động giữa các vùng của Thành phố; không phát sinh thêm thủ tục hành chính với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố...
Ông Chử Xuân Dũng cho biết, trong quá trình triển khai, Thành phố sẽ phân cấp, ủy quyền cho các sở ngành, địa phương hướng dẫn các cá nhân tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt nhất các giải pháp phục hồi kinh tế, kinh doanh dịch vụ; Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức hậu kiểm tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin tại cuộc họp |
Theo ông Chử Xuân Dũng, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì phong tỏa hẹp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ truy vết khi có trường hợp dương tính phát sinh, để ngăn chặn cách ly nguồn lây trong cộng đồng; điều chỉnh các hoạt động tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực cách ly, phong tỏa… cũng như các địa bàn một cách linh hoạt.
"Rất mong tất cả người dân và doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Thành phố tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để giữ vững kết quả đạt được thời gian qua, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế xã hội", Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng bày tỏ.
Phải bảo đảm chung sống một cách chủ động, an toàn với Covid-19
Điểm lại kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội qua 4 đợt giãn cách xã hội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ 5 nhóm mục tiêu xuyên suốt là: Nâng cao năng lực y tế Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch; kiên trì thực hiện khoanh vùng hẹp, xét nghiệm nhanh, truy vết thần tốc, cách ly tập trung, phân tầng điều trị ngay từ đầu; bảo đảm được an sinh xã hội cho mọi người dân; đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa và bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Đặc biệt nhấn mạnh kết quả rất quan trọng của đợt xét nghiệm tầm soát y tế và tiêm chủng thần tốc vừa qua, trong đó Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, thay mặt lãnh đạo Thành phố, ông Nguyễn Văn Phong chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm và rất hiệu quả của 12 đoàn công tác của 12 tỉnh, thành phố; các bệnh viện Trung ương; lực lượng các y, bác sĩ công lập, tư nhân, các tình nguyện viên…
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận cuộc họp. |
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sau khi hết đợt giãn cách thứ tư, Thành phố đã tập trung đánh giá tình hình dịch tễ trên địa bàn, xác định nguy cơ; đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; gặp gỡ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn; trao đổi với các tỉnh, thành xung quanh để thống nhất đồng bộ các giải pháp bảo đảm tính chất liên vùng, liên kết, đồng thuận cũng như tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Trung ương.
Trên cơ sở đó, việc nới lỏng một số hoạt động từ 6h ngày 21/9 nhằm mục tiêu vừa duy trì hiệu quả phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân; tiếp tục nâng cao năng lực y tế của Thành phố một cách toàn diện để sẵn sàng ứng phó trong các tình huống dịch bệnh mới. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố lần này vẫn nhất quán trên tinh thần không cầu toàn, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác phòng, chống dịch của Hà Nội phải đặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh chung của các tỉnh, thành phố xung quanh và cả nước.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, khi nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở trong Thành phố và từ các nguồn xâm nhập bên ngoài, mục tiêu của Hà Nội là phải bảo đảm chung sống một cách chủ động, an toàn với Covid-19.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, UBND Thành phố sẽ ban hành chỉ thị mới, trước mắt là áp dụng cho 2 tuần tới, nhưng Thành phố sẽ căn cứ vào thực tế có thể kéo dài thời gian thực hiện.
Hà Nội hiện chưa thể trở về trạng thái bình thường mới hoàn toàn, vì tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2 mới đạt 12%, trong khi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêu chí là hơn 70% dân số được tiêm mũi 1, và bằng hoặc hơn 20% dân số được tiêm mũi 2.
Để hướng tới mục tiêu đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội sẽ tranh thủ đợt phòng, chống dịch từ 6h ngày mai (21/9) khi được cấp đủ vắc xin sẽ tiêm phủ vắc xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành vào đầu tháng 11, để khoảng giữa tháng 11 có thể bắt đầu cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường học.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau: Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play. Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên. Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Giá xăng dầu hôm nay (24/11): Giá dầu thế giới tuần bật tăng gần 6%
Giá vàng hôm nay 24/11: Vàng nhẫn tiếp đà tăng, tiến sát mốc 87 triệu đồng/lượng
Hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế và các sàn thương mại điện tử
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/11: Đêm và sáng trời lạnh
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Tin khác
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53