Hành trình của "Những chuyến xe yêu thương" - Kỳ cuối: Cho đi là còn mãi
Kỳ 1: Hơn 700 chuyến xe đưa, đón bệnh nhân miễn phí |
Những chuyến đi tình nghĩa
Anh Trần Hưng, một thành viên sáng lập của nhóm, cho hay: “Tiêu chí của nhóm là giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên hàng ngày chúng tôi tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Có bệnh nhân là người dân tộc, bệnh hiểm nghèo nhưng đến lịch hẹn khám, điều trị đợt mới, bác sĩ phải gọi điện, thuyết phục gia đình đưa con xuống viện. Bệnh hiểm nghèo là thế nhưng họ vẫn không muốn đi mà hẹn bán được trâu bò, có tiền thì mới đi viện. Có những trường hợp chúng tôi chở đến viện khám xong lại nhận đưa về nhà luôn.
Đến nay, nhóm có những “khách quen” là hàng chục gia đình ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… là những bệnh nhân phải điều trị các bệnh về máu, phải theo bệnh viện cả đời. Có bệnh nhân và gia đình vì quá mệt mỏi, họ không muốn đi nữa, chúng tôi lại chia sẻ, động viên. Thậm chí, có thành viên trong nhóm còn giúp đỡ, hướng dẫn gia đình bệnh nhân bán hàng online, giới thiệu việc làm cho họ”, anh Hưng chia sẻ.
Anh Nguyễn Tuấn Huy đưa bệnh nhi mổ tim từ Bệnh viện E về Bắc Mê, Hà Giang. |
Vừa tranh thủ đưa đón bệnh nhân những khi có thể, anh Hưng còn đảm nhiệm việc tiếp nhận thông tin cần giúp đỡ, kết nối với các thành viên. Anh cho hay, thực ra, trước đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhóm đã thống nhất sẽ tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho các thành viên.
Nhưng rồi, những hoàn cảnh thương tâm lại khiến họ mủi lòng. Cuối tháng 7, nhóm tiếp tục hoạt động và nhanh chóng hoàn thành hơn 500 chuyến xe trong “mùa dịch”, hỗ trợ cho hàng nghìn bệnh nhân.
Trước khi khởi hành, ai nhận đi chuyến nào thì các thành viên trong Nhóm sẽ tự chuẩn bị đồ ăn sẵn cho bản thân. Đi mấy ngày thì chuẩn bị đủ chừng ấy bữa vì xác định sẽ ăn ngủ, sinh hoạt trên xe, đưa bệnh nhân đến nơi là về luôn, hạn chế tối đa việc tiếp xúc để phòng dịch…
Đưa bệnh nhân ra viện vào buổi chiều về quê. |
Cảm ơn thế nào cho đủ?
Chị Viên, mẹ bé Lù Ngọc Khiên (16 tháng tuổi, trú tại Mường Khương, Lào Cai) kể: “Con em vô tình hóc hạt lạc, chuyển cấp cứu từ bệnh viện tỉnh xuống Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngày con được ra viện là giữa tháng 8/2021, hai vợ chồng không biết về quê bằng cách nào vì xe khách không hoạt động, chỉ có cách thuê xe cứu thương của bệnh viện, nhưng chi phí tận 6,5 triệu đồng. Không có tiền, hai vợ chồng nghĩ sẽ mắc kẹt ở Hà Nội chưa biết xoay xở ra sao thì biết đến nhóm "Những chuyến xe yêu thương". Em ngỏ lời nhờ giúp đỡ và được anh Bình Minh (thành viên sáng lập của nhóm) gọi điện hẹn hôm sau sẽ có người đưa về.
Nhưng vợ chồng em đã làm giấy tờ ra viện cho con nên ở lại 1 hôm cũng chưa biết thuê trọ kiểu gì. Nghe em kể, anh Minh lại gọi điện một chủ nhà trọ mà anh ấy quen, rồi chị chủ nhà ra tận cổng bệnh viện đón vợ chồng em vào nghỉ miễn phí. Hôm sau, anh Trần Huy đưa nhà em về đến nhà, xong lại sang Lào Cai, rồi sang Lai Châu để đưa một bệnh nhân nữa về tận nhà, vất vả lắm. Thật sự em không biết nói gì để cảm ơn các anh chị”.
Gửi lời cảm ơn đến nhóm Những chuyến xe yêu thương, chị Châu (trú tại Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết thời gian sau điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mẹ con chị bị “kẹt” lại vì giãn cách xã hội. Muốn về quê, giá thuê xe được báo là 12 triệu…
May mắn sau đó, ngày 31/8, mẹ con chị được một số thành viên của nhóm đưa về quê: “Sáng nay 7h sáng mẹ con em đã đặt chân về quê nhà Quảng Trị. Trên cả hành trình đi trong lòng cứ xúc động và ngưỡng mộ tấm lòng nhân hậu của Anh Khoa (Hà Nội), và anh Bình (Quảng Ninh) đã bỏ công, bỏ sức, bỏ tiền của để đưa những mảnh đời gặp khó như mẹ con em về được nhà. Xin cám ơn chị Ngọc Diệu và chị Lê Nhung là nhịp cầu nối giúp mẹ con em có chiếc vé của chuyến xe yêu thương. Đại gia đình em ai cũng xúc động vì tấm lòng nhân hậu của các anh chị”.
Chị Hoàng Kim Duyên và các bệnh nhân được chị giúp đỡ. |
Thay mặt cho gia đình 4 cháu bé cùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh bị bệnh cơ tim phì đại được nhóm đưa, đón ra Bệnh viện Nhi Trung ương truyền thuốc ngày 20/9, chị Yên (Nghệ An) xúc động cảm ơn: “A lô, em có phải nhóm 4 gia đình miền Trung tối nay đi ra Bệnh viện Nhi phải không? Anh là Nguyễn Thanh Bình sẽ đồng hành với các gia đình trong chuyến đi này. Bây giờ là 16h32 anh sẽ chạy từ Uông Bí vào xứ Nghệ nhé, mẹ con em chuẩn bị đồ khoảng 22h anh sẽ đón. Và rồi chuyến đi rất thuận lợi, vui vẻ trên đường mấy anh em trò chuyện sáng đêm. Đến bệnh viện anh bảo hôm nay là Trung thu, anh tặng các bé một chút quà để vui trung thu nhé. Các mẹ chỉ biết nói lời cảm ơn, rồi anh lại vội chạy về Quảng Ninh để kịp cho công việc ngày mai.
Chiều đến, khi các bé truyền xong thuốc thì chuyến xe của anh Nguyễn Quốc Thành lại chở các gia đình về Ninh Bình, Nam Định và Nghệ An. Đến chốt Hoàng Mai, các gia đình được nối chuyến của một anh nữa cũng tên Thành. Lúc đó trời đổ mưa rất to, nhưng các anh đã đưa các bé về nhà an toàn”…
Anh Vy Anh Tú đưa đón bệnh nhân. |
Đó là hàng trăm lời cảm ơn được gia đình các bệnh nhân gửi đến nhóm “Những chuyến xe yêu thương”. Những câu chuyện có dài, có ngắn, mộc mạc... nhưng đều lấp lánh niềm vui khi được sẻ chia.
“Nhờ Nhóm mà nhiều bệnh nhân có được chuyến xe đi về an toàn, rồi đến viện khám bệnh kịp thời. Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, Nhóm đã hỗ trợ hơn 500 chuyến, cả đưa đón bệnh nhân về nhà, đến bệnh viện và đưa ra đến các chốt kiểm soát dịch bệnh ở các cửa ngõ Hà Nội để bệnh nhân “nối chuyến” về quê. Trong Nhóm có những gia đình cả hai vợ chồng cùng tham gia đưa đón bệnh nhân nghèo như gia đình chị Ngọc Diệu, anh Trương Lưu Anh. Anh Minh Nhật, chị Đỗ Thị Duyên... gần như họ đến với bệnh nhân không quản thời gian, kể cả đang giờ ăn trưa, ăn tối, cả sáng sớm lẫn đêm hôm… Thật sự chúng tôi rất xúc động vì nghĩa cử nhân văn của họ”, chị Lý Thị Hảo, Trưởng phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, chia sẻ.
Cho đi là còn mãi…
Vợ chồng chị Ngọc Diệu là thành viên “trẻ” của Nhóm, tham gia từ tháng 5/2021, nhưng cũng không “chịu thua” các thành viên khác về số chuyến đi, và họ thường “tranh” các chuyến đi xa.
“Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, có nhiều người, vì bệnh nặng, kinh tế khó khăn nên buông xuôi, không muốn chữa trị nữa. Khi đưa đón họ, trên đường đi chúng tôi thường trò chuyện, tâm sự để họ lạc quan hơn, có thêm năng lượng tích cực vượt qua những khó khăn hiện tại. Tôi mong muốn Nhóm có thêm nhiều thành viên hơn nữa để kết nối được nhiều hơn nữa, trợ giúp được nhiều hơn các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn”, chị Diệu bày tỏ.
Anh Trương Lưu Anh và các bệnh nhân. |
Cô gái Hoàng Kim Duyên bình thường vẫn hay say xe, nhưng khi cầm lái đưa đón hỗ trợ bệnh nhân thì “quên” cả say. Chuyến đi mới nhất trong ngày 24/9, Duyên cùng một thành viên nữa đón 2 bệnh nhân ung thư của Bệnh viện K Tân Triều lúc 17h và đưa về nhà ở huyện Cam Đường, tỉnh Lào Cai. Quãng đường khoảng 300 km nhưng Duyên và bạn đi mất gần 8 tiếng vì khó đi, rồi họ quay về đến Hà Nội vào lúc 8h hôm sau.
“Em mới tham gia Nhóm được vài tháng, hỗ trợ cho các bệnh nhân khoảng mấy chục chuyến xe thôi. Chuyến đi ngày 24/9 vừa qua, có bé 5 tuổi không đáp ứng được thuốc, gia đình xin cho về. Suốt quãng đường, bé đau nên la hét, nôn, say… rất xót xa. Em thấy mình khỏe mạnh, có việc làm, thu nhập ổn định, nên muốn chia sẻ sự may mắn đó, giúp đỡ mọi người”, Duyên chia sẻ.
Yêu thích các hoạt động từ thiện, tham gia Nhóm từ những ngày đầu thành lập, anh Nguyễn Tuấn Huy lại thường xuyên dùng chiếc xe bán tải của mình để hỗ trợ đưa đón bệnh nhân. Chuyến đưa bệnh nhân đi xa nhất của anh Huy là 1.200 km, đưa bệnh nhân từ Hà Nội về nhà ở Mường Tè rồi đón tiếp một bệnh nhân ở Lai Châu và quay về đến Hà Nội lúc 22h...
“Tôi thường dùng chiếc xe bán tải để đưa đón bệnh nhân vì có nhiều bệnh nhân nặng, khi họ về phải chở theo vài chục kg dịch, thuốc, nên xe bán tải chở được nhiều. Có chuyến tôi chở 3 cháu đều bị bệnh K máu, nghe các bố mẹ kể chuyện với nhau mà sau đó cứ thấy buồn, ám ảnh mãi. Tôi mong muốn anh chị em trong Nhóm có thật nhiều sức khỏe để đảm bảo các chuyến đi an toàn và giữ mãi được sự nhiệt huyết trên hành trình thiện nguyện”, anh Huy chia sẻ…
Chuyện về bệnh nhân, về các thành viên, về sự lan tỏa tình thương của “Những chuyến xe yêu thương” là những câu chuyện dài. Cho đi là còn mãi. Chi phí cho mỗi chuyến xe có thể tính được, nhưng tình người mà họ lan tỏa tới các bệnh nhân nghèo thì khó đong đếm, và chắc chắn, sẽ còn lại mãi.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Tin khác
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Xã hội 24/11/2024 13:32
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Cộng đồng 23/11/2024 15:27
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19