Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Có những hẹn hò làm tình yêu thêm thi vị. Có những hẹn hò để rồi xa nhau. Có những hẹn hò để rồi có bài thơ như Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến của Hoàng Nhuận Cầm.
Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi
Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới
Như cánh chim trong mắt của chân trời
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! Dù đau xót một lần thôi
Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa
Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán - gió lại ra
Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...
(Theo bản in trong tập Xúc xắc mùa thu - NXB Hội Nhà văn - 1992)
Tôi vẫn luôn thích những sự lỡ làng trong thơ anh. Một hạnh phúc tưởng như đến tay rồi chợt vỡ, một tình yêu vẹn tròn rồi chia xa, và những hẹn hò từ từ khép lại ….
Đây là một trong những bài thơ viết hay về sự hẹn hò trong tình yêu. Vốn dĩ, hẹn hò là một phần của tình yêu, thật hiếm có những tình yêu mà không hò hẹn. Nhưng cách cảm nhận của Hoàng Nhuận Cầm lại thật đặc biệt. Đặc biệt trong nỗi đợi chờ không phải là vô vọng, vì cuối cùng thì "em cũng tới", nhưng khi em tới thì không phải anh không còn đợi nữa, mà chính mùa thu đã không còn kiên nhẫn với cuộc tình…
Bởi lẽ: Còn sót lại trên bàn bông cúc tím Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi Hoàng Nhuận Cầm vốn giỏi dùng những hình ảnh thật cụ thể để diễn đạt những cảm giác vô cùng mơ hồ, tinh tế. Thấy bông hoa sót lại cuối cùng để biết một mùa thu đã qua, và người đọc cũng cảm nhận được nỗi đợi chờ đã mòn mỏi thế nào! Cuối cùng em cũng đến, nhưng đến chỉ để thấy có những điều quý giá đã trôi qua...
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! dù đau xót một lần thôi
Tiếng thơ như chưa bao giờ thành thật đến thế, thành thật để kiếm tìm một tiếng nói chân thành từ trái tim không toan tính, để con người đối diện với nhau không qua một tấm mặt nạ nào! Có lẽ cũng bởi sự thành thật một cách hồn hậu đó, mà thơ Hoàng Nhuận Cầm tìm đến được với bao tấm lòng, bao tình cảm tri âm! Khổ thơ thứ ba của bài thơ, tôi thích nhất, vì nó chất chứa trong đó rất nhiều suy tưởng. Một sự suy tưởng giản dị, nhưng nó không phải không chứa trong đó một quan niệm rõ ràng về tình yêu!
Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa
Không hiểu vì đâu nhiều bạn trẻ thường hay chép lệch thành "Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói/ Rằng bồ câu không chết lẻ bao giờ". Nếu như thế, câu thơ vẫn hay nhưng lại hay theo một cách khác. Tôi thích cách suy tưởng của anh, bồ câu không chết trẻ cũng như những mong ước về tình yêu là vĩnh viễn. Tình yêu một mặt nào đó cũng là hiện thân của cái Đẹp mà con người hằng khát khao vươn tới và chiếm lĩnh một cách trọn vẹn. Vì thế mà bồ câu không chết trẻ, cũng như những tình yêu không có quyền chết trẻ, những khát khao không có quyền lụi tàn.
Em hay là cơn bão tự ngàn xa.
Tứ thơ không mới, nhưng lại lạ trong nỗi sợ hãi của con người, sợ hãi mà vẫn đón nhận, vẫn đợi chờ, vẫn phấp phỏng trong âu lo và hạnh phúc. Khổ thơ cuối cùng là một sự so sánh có phần chua chát, nhưng chua chát một cách ngộ nghĩnh, một các bâng khuâng và tiếc nuối, cái chua chát của một người còn trẻ:
Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán gió - lại ra
Tưởng như tình yêu chỉ là một trò đùa, dễ dàng và chóng vánh với người con gái. Nhưng nếu để ý thì ta lại nhận ra một sự bao dung. Trái tim ấy là một tấm lòng, một tình yêu luôn chờ đợi, dẫu bé nhỏ nhưng vẫn là tổ ấm đủ để chở che cho những cơn gió vô tình một lần lạc bước. Để rồi cuối cùng, có một lần em đến, một lần em nói, một lần em đứng đó…. Chỉ có điều "mùa thu hoa cúc cướp anh rồi"… Đã bao lần đọc câu thơ này, tôi vẫn cảm thấy nỗi chông chênh của một con người, vừa quyết định sẽ lên tàu thì con tàu vụt chạy đi mất. Tàu thiếu đi một hành khách và người đi thành kẻ lỡ đường….
Câu thơ cuối cùng của bài thơ lưu lại trong ấn tượng người đọc bởi từ "cướp" rất đậm "chất" Hoàng Nhuận Cầm. Nó giúp ta không quên những ngày anh còn là người lính làm thơ. Chất lính tráng ấy vẫn đôi lần trở về trong thơ anh như một gợi nhớ, một dấu ấn, một nét riêng đặc biệt. Thoáng đọc Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, người ta có thể nghĩ, ừ, bài thơ này "kết thúc có hậu" vì cuối cùng em cũng đến kia mà. Nhưng dư âm bài thơ, cách kết thúc của bài thơ lại cho ta một cảm nhận khác. Ấy là dư âm của sự lỡ làng...
Ta có thể đợi nhau, nhưng cuộc đời không đợi ta. Vì thế mà đã có rất nhiều tình yêu đẹp trong cuộc đời, nhưng chẳng biết có bao nhiêu trong số đó, đi trọn vẹn được đến cuối đường?
Theo Nguyễn Thu Thủy/Tuổi trẻ
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Quốc hội xem xét công tác nhân sự và thông qua nhiều nội dung quan trọng
Giá xăng dầu hôm nay (25/11): Dự báo giá xăng dầu thế giới và trong nước sẽ tăng mạnh trong tuần mới?
Tỷ giá USD hôm nay 25/11: Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 24.295 đồng
Nền tảng quan trọng để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm
Dự báo giá vàng tuần từ 25-30/11: Giá vàng sẽ tăng hay giảm?
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 25/11: Sáng sớm có sương mù, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Văn hóa 24/11/2024 08:32
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Văn hóa 23/11/2024 15:18
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Sân chơi thu hút nhân tài đổi mới, sáng tạo
Văn hóa 21/11/2024 07:02
Đại nhạc hội Hoa tháng Năm - Nơi những phép màu tỏa sáng
Văn hóa 20/11/2024 22:41
Khánh Hoà sẵn sàng đón lượng khách tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2025
Du lịch 20/11/2024 17:37
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Lịch sử và Tự do của Haiti tại Hà Nội
Văn hóa 19/11/2024 16:22
Tôn tạo di tích đình Đại Áng: Phát huy giá trị văn hoá quý báu của cha ông
Văn hóa 19/11/2024 10:12
Người thắp ngọn đèn tri thức trong tôi
Văn hóa 19/11/2024 09:46