Học sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng
104.917 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1
Theo số liệu Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023 - 2024, toàn Thành phố có 104.917 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1; 101.064 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 và 64.099 thí sinh đăng ký nguyện vọng 3. Chỉ tiêu tuyển sinh toàn Thành phố ở nhóm trường công lập không chuyên là 69.805 (tăng 785 chỉ tiêu so với năm học 2022 - 2023).
Như vậy, tỷ lệ chọi (tỷ lệ cạnh tranh suất vào lớp 10) của năm nay ở các trường công lập là 1/1,5. Trong khi đó, tỷ này năm ngoái là 1/1,54.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 tại Hà Nội. |
Trong số 117 trường công lập, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân) có tỷ lệ chọi cao nhất (1/3,55), tức là cứ gần 4 thí sinh mới có 1 em trúng tuyển. Đây là trường công lập nhiều cấp học đầu tiên ở Hà Nội, tuyển sinh từ năm 2021. Năm nay, trường nhận 280 học sinh lớp 10 nhưng có tới 995 hồ sơ nguyện vọng 1.
Tiến đến là các trường THPT: Chu Văn An (quận Tây Hồ), Kim Liên (quận Đống Đa), Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm), Lê Quý Đôn - Hà Đông (quận Hà Đông), Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Yên Hòa (quận Cầu Giấy), Phan Đình Phùng (quận Ba Đình)… Đáng chú ý, Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) có tỷ lệ chọi tăng vọt với 1/3,43 (năm học 2022 - 2023 là 1/2,87), Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) là 1/2,62 (năm học 2022 - 2023 là 1/1,94)...
Với những gia đình có con đăng ký vào trường có tỷ lệ chọi cao, thời điểm này, phụ huynh và học sinh không tránh khỏi lo lắng. Nguyễn Bảo Trâm (học sinh lớp 9 một trường Trung học cơ sở trên địa bàn quận Hoàng Mai) cho biết: “Năm nay, em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) với mong muốn được học gần nhà và cũng mong muốn điểm chuẩn sẽ “nhẹ nhàng” như năm trước để có thể trúng tuyển. Sau khi biết thông tin tỷ lệ chọi của trường năm nay cao nhất quận nên em rất hồi hộp”.
Từ lúc biết tin tỷ lệ chọi vào lớp 10 của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân) cao nhất Thành phố, chị Phạm Thanh Tú (quận Thanh Xuân) cho biết, gia đình chị không khỏi choáng váng. “Gia đình tôi đã nghiên cứu rất kỹ điểm chuẩn của trường trong 2 năm qua và quyết định cho con đăng ký nguyện vọng 1 vào trường. Nhưng tôi không ngờ trường lại có tỷ lệ chọi cao như thế này”, chị Tú chia sẻ.
Lo lắng của học sinh, phụ huynh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, theo các giáo viên có kinh nghiệm, không có căn cứ nào về việc tỷ lệ chọi cao thì điểm thi cao và điểm chuẩn cao. Điểm chuẩn trúng tuyển từng năm phụ thuộc nhiều yếu tố như số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển, chỉ tiêu, đề thi, lực học của học sinh...
Tỷ lệ chọi chỉ là một trong những thông tin để học sinh, phụ huynh tham khảo để biết rõ hơn về mối tương quan giữa chỉ tiêu và số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào trường đó trong năm học đó. Phụ huynh, học sinh không nên quá lo lắng, căng thẳng, nhưng cũng đừng chủ quan. Thực tế, tỷ lệ chọi thấp chưa chắc điểm chuẩn đã thấp, bởi có thể những học sinh đăng ký đều là những em học xuất sắc.
Nhiều cơ hội học tập cho học sinh
Từ kết quả đăng ký dự tuyển năm nay cho thấy phụ huynh, học sinh đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các quy định của Thành phố, nắm bắt được năng lực học tập và lựa chọn nguyện vọng đăng ký dự tuyển khá hợp lý. Đáng chú ý là không có hiện tượng đăng ký tập trung ở một vài trường tốp trên.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023 - 2024, toàn Thành phố có 104.917 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. |
Trước băn khoăn về việc tại sao Hà Nội không cho phép đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi công bố tỷ lệ chọi như nhiều năm trước, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, để bảo đảm quyền lợi của học sinh, đồng thời giúp công tác tổ chức tuyển sinh được khoa học, phù hợp với đặc thù của Thủ đô, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chia các trường THPT công lập theo 12 khu vực tuyển sinh.
Đồng thời với việc phân chia khu vực tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào trường công lập không chuyên (những năm trước là 2 nguyện vọng), trong đó nguyện vọng cuối cùng có thể nằm ngoài khu vực tuyển sinh theo quy định. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho phép thí sinh được thay đổi khu vực tuyển sinh để đăng ký nguyện vọng cho phù hợp với năng lực, điều kiện và khả năng của bản thân và gia đình.
Ngoài việc lựa chọn nguyện vọng vào trường công lập không chuyên, học sinh được quyền đăng ký dự thi vào các trường chuyên (2 nguyện vọng) hoặc có thể dự tuyển vào trường tư thục, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên... Sở GD&ĐT Hà Nội đã bố trí một khoảng thời gian dài (từ ngày 31/3 đến 24/4) cho học sinh nghiên cứu, lựa chọn và đăng ký nguyện vọng.
Như vậy, quyền lợi đăng ký và cơ hội học tập của học sinh Thành phố rất nhiều. Trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 200 trường THPT, 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và hàng chục cơ sở đào tạo nghề có thể đáp ứng đủ nguyện vọng học tập của học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các phương án tổ chức cho học sinh đăng ký dự tuyển như trên đã được triển khai ổn định, phù hợp với đặc thù của Hà Nội, tạo tâm lý ổn định cho học sinh và nhận được đồng thuận.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan (Trường THCS Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, thời điểm này, học sinh không nên quá lo lắng, tránh bị phân tán tư tưởng, ảnh hưởng đến hiệu quả ôn tập. Các em hãy bình tĩnh, tự tin, tích cực ôn tập trong nội dung chương trình đã được học để đạt kết quả cao nhất tại kỳ thi tuyển sinh năm nay. Các phụ huynh động viên con em tập trung ôn tập và cùng đồng hành, hỗ trợ tốt nhất để các con có sức khỏe tốt trước khi bước vào kỳ thi.
Theo Kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên của thành phố Hà Nội năm học 2023 - 2024 sẽ diễn ra vào ngày 10 - 11/6 với ba bài thi gồm: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng Ngoại ngữ đang được học tại trường Trung học cơ sở. Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút, có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc: 2 thi sinh liền kể không trùng mā đề, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính. Trong kỳ thi này, Thành phố sẽ bố trí khoảng 210 điểm thi với 4.300 phòng thi. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02