Kỳ 3: Những F0 xung phong lên tuyến đầu
Kỳ 2: Bí mật “liều thuốc” chống lại Covid-19 Kỳ 1: Chuyện nhà 4 người cùng mắc Covid-19 |
Khi F0 là bà bầu
Mỗi ngày, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận đến hàng nghìn ca F0. Trong đó không thiếu những trường hợp đã ở nhà giãn cách xã hội từ nhiều tháng nay. Dù người dân cố gắng chấp hành ở yên trong nhà, Covid-19 vẫn như quái vật vô hình, quẩn quanh và tấn công bất ngờ.
Từ tháng 6/2021, công ty của Nguyễn Thị Thùy Trang đã tạm dừng hoạt động. Không kịp về quê ở Bình Định, Trang bị kẹt lại khu trọ trên đường Tô Ký (huyện Hóc Môn) cùng chồng. Vì đang mang thai nên Trang ý thức được việc phải tự bảo vệ mình và đứa con chưa chào đời.
Bình thường, Trang vẫn lên mạng, vẫn xem tin tức về các chùm ca bệnh mới xuất hiện, sự ra đi đau đớn của người mắc Covid-19. Nhưng với Trang và người xung quanh, Covid-19 là cái gì đó xa xôi, còn ở đâu đó ngoài kia, nó chưa đến gần và cũng không có lý do gì đến với khu trọ này khi họ đều ở yên trong nhà. Trang không tin được một ngày mình trở thành F0.
Ngày 16/7, Trang đi xét nghiệm Covid-19 diện rộng theo thông báo của tổ dân phố. Vì không có biểu hiện gì nên Trang nghĩ đơn giản rằng test xong sẽ về. Nhưng sau đó Trang bàng hoàng nhận tin phần lớn khu trọ của mình đều bị nhiễm Covid-19. Ngay lập tức, Trang cùng mọi người được đưa đến khu cách ly F0.
“Lúc biết mình nhiễm Covid-19 tôi sợ và lo lắm, tôi gần như sụp đổ. Tôi gọi về nhà và khóc rất nhiều, sợ mình không may mắn sẽ chết như mấy clip trên mạng, không được gặp lại gia đình. Tôi cũng sợ cho con nữa, nếu bệnh trở nặng không cứu được thì con tôi phải làm sao?”, Trang kể lại.
Cả gia đình 3 người của chị Tuyên đều là F0 mà không rõ nguyên nhân. Ảnh: NVCC |
Qua giai đoạn hoảng loạn ban đầu, Trang bắt đầu nhận thức được mình phải sống vì con. Vì thế chị tích cực điều trị, phấn chấn tinh thần và quyết không xem các thông tin tiêu cực, dành nhiều thời gian để trò chuyện với gia đình và xem các chương trình giải trí.
“Vì có bầu nên tôi hạn chế uống thuốc, chỉ uống thuốc tiêu chảy. Uống 1 liều là tôi không còn bị tiêu chảy nữa. Tôi bổ sung vitamin C cách uống nửa viên nén, những thuốc này đều là tôi tự mua”, Trang kể lại.
Sau 7 ngày trong khu cách ly, Trang được đưa đến khu cách ly mới ở Trường Cao đẳng Công Thương. Lúc này, Trang gần như không còn triệu chứng nào liên quan đến Covid-19. Tới ngày 8/8, test PCR của Trang cho kết quả âm tính. Thêm 2 ngày nữa Trang xuất viện, Lúc bước ra khỏi khu cách ly điều trị Covid-19, Trang mới tin rằng mình và con đã an toàn. Bỏ lại sau lưng những gánh nặng, sợ hãi hơn 20 ngày qua, Trang trở về khu trọ, tiếp tục chuỗi ngày chờ đợi dai dẳng, cầu mong cơn khủng hoảng dịch bệnh sẽ lắng xuống, đời sống lại trở về bình thường như trước kia.
Có rất nhiều người không may mắn như thế. Đủ mọi lứa tuổi, giới tính, thành phần xã hội đã ra đi giữa sự càn quét khủng khiếp của dịch bệnh, còn đó những nỗi đau mà hàng chục năm nữa chưa ai quên được.
Thế nhưng người muốn sống tiếp, họ vẫn đang trỗi dậy bản năng sinh tồn mãnh liệt. Sự bàng hoàng ban đầu chắc chắn sẽ có, nhưng sau tất cả, họ đang ngày đêm chiến đấu trên giường bệnh, trong khu cách ly, thậm chí là trong chính ngôi nhà của mình để giành lấy sự sống từ tay tử thần.
Chị Tuyên những ngày ở lại bệnh viện làm tình nguyện viên. Ảnh: NVCC |
F0 xung phong lên tuyến đầu
Đầu tháng 7/2021, chị Mỹ Tuyên (ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cùng chồng con trở thành F0 không rõ nguồn lây. Đây là thời điểm tình hình dịch bệnh thành phố bắt đầu phức tạp, những thông tin về ca nhiễm, ca tử vong tăng cao, sự quá tải khiến ngành y tế nguy cơ vỡ trận.
“Tôi phải cách ly điều trị ở nhà trong 2 tuần, thời gian chờ đợi này rất đáng sợ, ngoài sự mệt mỏi, đau đớn về thể xác, tâm trí tôi lúc nào cũng ám ảnh bởi cái chết. Tôi sợ mình không qua khỏi trong khi con còn nhỏ”, chị Tuyên kể.
Sau đó, chị Tuyên cùng gia đình được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh) để điều tri. Khoảng thời gian ở bệnh viện, chị đã chứng kiến sự hy sinh, vất vả của các y bác sĩ cũng như nỗi đau của các bệnh nhân. Vì vậy, sau khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính, chị nói với chồng rồi xin phép bệnh viện cho làm tình nguyện viên, giúp các F0 khác đang từng giờ giành giật sự sống.
“Chỉ có chồng tôi là biết việc này, còn lại tôi không dám nói với ai trong nhà, sợ mọi người lo”, chị kể.
Từ ngày 7/8, chị Tuyên chính thức bắt đầu công việc của mình. Hàng ngày, chị lau dọn phòng bệnh, giúp các bệnh nhân nặng ăn uống, tắm rửa và thay quần áo. Dù đã chuẩn bị kỹ về tâm lý, nhưng những ngày đầu chị không khỏi sốc khi phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ. Nhất là lúc nào trên người cũng khoác bộ đồ bảo hộ y tế kín mít, khó khăn trong việc di chuyển và giao tiếp.
“Trải qua rồi mới thấy thương các y, bác sĩ vất vả. Các bác sĩ phải dốc lòng điều trị cho bệnh nhân, những việc này cũng để họ làm thì không biết sức đâu mà trụ được, thời gian đâu nghỉ ngơi”, chị Tuyên tâm sự.
Anh Trường đã bắt đầu công việc hỗ trợ bệnh nhân khác từ lúc chưa khỏi bệnh (Ảnh: Hải Long) |
Đến ngày 13/8, chồng và con trai chị chính thức được xuất viện về nhà, chị tiếp tục xin chồng cho ở lại để phụ giúp đội ngũ y tế.
“Ai cũng muốn được sống tiếp, nên nhìn thấy cảnh các bệnh nhân nằm thoi thóp tôi đau lòng lắm. Đáng lẽ họ sẽ có người chăm sóc tận tình khi bệnh nặng, nhưng giờ lại chỉ có một mình, không người chăm sóc, động viên”, chị kể.
Hiểu tấm lòng của vợ, chồng chị Tuyên đồng ý cho vợ ở lại, dặn chị giữ gìn cẩn thận và bảo vệ sức khỏe cho tốt. Chồng con về rồi, chị lại lao vào công việc hỗ trợ các bác sĩ và những F0 đang còn điều trị. Đến ngày 29/8, do con trai sắp bước vào năm học mới, cần người kèm cặp, chị đành xin phép về nhà.
“Khi xin về tôi day dứt lắm, các bác sĩ cần thêm người phụ giúp để có thời gian nghỉ ngơi, nhưng không làm khác được, con tôi cũng cần có mẹ ở bên”, chị nói trong xúc động.
Theo chị Tuyên, việc thành phố kêu gọi các F0 tham gia vào đội ngũ phòng, chống dịch là cần thiết. Nhất là trong tình hình hiện tại, nhiều bệnh nhân nhập viện trong trạng thái lo lắng, hoảng loạn. Tâm lý không ổn định sẽ khiến bệnh trở nặng hơn. Điều quan trọng với các F0 là cần có người chăm sóc, động viên để họ luôn giữ cho tình thần lạc quan.
“Các F0 đã khỏi bệnh nên hỗ trợ thành phố trong lúc khó khăn này, vì khi đã điều trị khỏi rồi mức độ nguy hiểm của bệnh không còn cao nữa, chỉ cần giữ gìn kỹ sẽ yên tâm. Kinh nghiệm của tôi là ban đầu sẽ sợ hãi một chút, nhưng khi nhìn các bệnh nhân lớn tuổi cảm giác như cha mẹ mình vậy, mình không nỡ nhìn họ sợ hãi buông xuôi. Tình thương sẽ lớn lên, dần dần cảm giác sợ hãi không còn nữa”, chị Tuyên nói.
Hàng ngày anh chăm sóc các bệnh nhân lớn tuổi một cách tận tình (Ảnh: Hải Long) |
Hà Ngọc Trường (28 tuổi), một F0 rất nặng từng điều trị ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi, nhưng khi tình trạng sức khỏe mới tiến triển một chút, anh đã tình nguyện giúp đỡ những F0 nặng từ việc vệ sinh, ăn uống, giúp họ gội đầu ngay trên giường bệnh.
Cả gia đình anh đều mắc Covid-19, khi mới vào đây anh phải thở máy, suy hô hấp nặng và phổi bị trắng. Sau gần một tháng điều trị hồi sức, anh dần hồi phục sức khỏe. Từ thời điểm có thể đi lại bình thường, anh đã nghĩ ngay tới việc phải làm gì đó như dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh, hỗ trợ chăm sóc các F0 triệu chứng nặng để giúp đỡ mọi người.
“Tôi nghĩ rằng nếu mình giúp mọi người, thì mẹ của tôi cũng sẽ được người khác giúp, một phần tôi cũng muốn các y bác sĩ bớt vất vả. Ban đầu không biết việc, tôi nhờ các bác sĩ hướng dẫn cho cách thay bình oxy, cách chăm sóc cho những bệnh nhân nặng không thể tự sinh hoạt. Việc gì tôi cũng nhận làm hết", anh Trường nói.
Mỗi buổi sáng, anh Trường sẽ đi một vòng khắp các phòng bệnh trong khoa để hỏi thăm từng bệnh nhân, kiểm tra việc sinh hoạt cá nhân, bình nước truyền, bình oxy của họ để xem ai cần gì thì giúp ngay. Gần như tất cả bệnh nhân trong khoa nhiễm 1 đều biết đến Trường và anh trở thành “điều dưỡng” đặc biệt của họ.
Nhưng sau hơn 50 ngày nhập viện cùng con trai, ngày 9/8, mẹ anh đã ra đi, để lại nỗi đau không gì hàn gắn được trong lòng chàng trai trẻ.
Việc được chăm sóc bệnh nhân lớn tuổi cho anh cảm giác như đang chăm sóc mẹ mình (Ảnh: Hải Long) |
Nén nỗi đau thương, sau khi khỏi bệnh anh vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện, hết lòng với những bệnh nhân lớn tuổi. Anh chăm sóc họ tận tình với tất cả sự yêu thương mà anh muốn dành cho mẹ của mình. Anh mong rằng ở trên kia, mẹ anh cũng sẽ vui và tự hào vì những gì anh đã làm cho mọi người xung quanh.
“Tôi mong các F0 hãy kiên cường và mạnh mẽ lên, lấy tinh thần chiến đấu với bệnh tật. Khi khỏe mạnh rồi, nếu được hãy hết lòng giúp đỡ mọi người xung quanh, chỉ cần yêu thương và đoàn kết, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh”, anh Trường tâm sự.
Dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân làm quen dần với việc sẽ sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối. Một trong những vũ khí” quan trọng để vượt qua đại dịch là liều “vắc xin tinh thần” trong mỗi người cần được kích hoạt.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Tin khác
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Xã hội 24/11/2024 13:32
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Văn hóa 24/11/2024 08:32
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Cộng đồng 23/11/2024 15:27
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Văn hóa 23/11/2024 15:18
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28