Ký ức về một thời “Xếp bút nghiên ra trận”
Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường!
Tiết trời mưa rét do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường không cản được những bước chân của các cựu chiến binh sinh viên nhập ngũ năm 1970 tham gia cuộc gặp.
Vượt qua quãng đường hơn 150km từ Lạng Sơn, ông Tô Ngọc Thắng, cựu sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) có mặt từ sớm để gặp đồng đội sau 50 năm xa cách. Dù hầu hết đã ngoài 70 tuổi, song ông Thắng cũng như các đồng đội vẫn bồi hồi khi nhớ lại ký ức một thời “xếp bút nghiên ra trận”.
Ông Thắng kể: “Khi đó tôi là sinh viên năm thứ 4, vừa trở lại trường sau nghỉ hè thì nhận được lệnh động viên cục bộ của Nhà nước lên đường nhập ngũ. Thực ra, tôi là đối tượng được miễn gọi nhập ngũ vì có anh trai là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Song, lúc đó tôi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, sau này đất nước hòa bình thì sẽ có nhiều cơ hội cống hiến hơn. Tổ quốc gọi thì chúng tôi sẵn sàng lên đường!”.
Các cựu chiến binh sinh viên nhập ngũ năm 1970 vừa có cuộc gặp mặt ý nghĩa tại Bảo tàng Phòng không - Không quân (Hà Nội). |
Cùng với 600 sinh viên của Trường Đại học Nông nghiệp 1, ông Thắng tạm gác lại việc học tập để lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện tại Thanh Hóa, ông được điều động vào mặt trận Quảng Trị. “Nhiệm vụ của Sư đoàn 325 chúng tôi là tham gia giải phóng và bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong mùa hè rực lửa năm 1972. Ký ức mà tôi không quên là trận chiến quyết liệt tại xã Phong Điền, huyện Hải Lăng. Do trời mưa tầm tã nên lực lượng pháo binh cùng bộ binh của chúng ta gặp nhiều khó khăn vì ướt đạn. Trong trận chiến đấu ác liệt đó, 6 đồng đội của chúng tôi mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị khi tuổi đời mới đôi mươi”, ông Thắng nghẹn lại.
Vừa nắm chặt tay các đồng đội trong ngày gặp mặt, Thượng tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Xuân vừa nhớ lại thời điểm cách đây 50 năm: “Khi đó tôi là sinh viên năm cuối Trường Đại học Thủy Lợi thì nhận được lệnh điều động lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, tôi và một số đồng đội được cử đi học một khóa huấn huyện cấp tốc về sử dụng tên lửa A72 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Đến tháng 1-1972, cả Tiểu đoàn A72 hành quân vào chiến trường B2 - miền Đông Nam Bộ, để phối hợp chiến đấu với các lực lượng bộ binh”.
Theo lời kể của Thượng tá Trần Văn Xuân, khi vào chiến trường ông là Tiểu đội trưởng kiêm xạ thủ A72. Khi đó trên thế giới, loại tên lửa vác vai này mới "ra lò" được vài năm nên việc sử dụng nó trên chiến trường cực kỳ mới mẻ. Vì thế, trong trận ra quân đầu tiên ấy, quả đạn ông bắn lên không trúng mục tiêu, bị địch bắn lại làm 2 đồng đội hy sinh. Cái chết của đồng đội ám ảnh ông mãi, thôi thúc ông cách làm ra khung điểm đón cho tên lửa A72 trên máy ngắm của súng phòng không 12,7mm. Sáng kiến cải tiến này của ông Xuân giúp nâng cao hiệu quả tiêu diệt mục tiêu của tên lửa A72.
Ông Tô Ngọc Thắng và Thượng tá Trần Văn Xuân chỉ là hai trong số hơn 10 nghìn sinh viên các trường đại học ở miền Bắc lên đường nhập ngũ từ năm 1970 đến năm 1972. Nhiều người trong số họ là những người lính đầy bản lĩnh, chiến đấu giỏi, lập công xuất sắc, được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, đã trở thành cán bộ cao cấp, tướng lĩnh quân đội. Trong đó, tiêu biểu là 4 đồng chí đã được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là: Anh hùng Liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh - trắc thủ tên lửa Trung đoàn 257 của Quân chủng Phòng không – Không quân, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Anh hùng Liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh - Đại đội trưởng Đại đội 15, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 - cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Anh hùng Trần Văn Xuân – cựu sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi, xạ thủ tên lửa A72 của Quân chủng Phòng không – Không quân đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam bộ; Anh hùng Phan Kim Kỳ (đã mất) – cựu sinh viên Trường Đại học Thủy lợi, xạ thủ tên lửa A72 của Quân chủng phòng không không quân đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam Bộ…
Và ước nguyện tri ân đồng đội
Tuy chưa có thống kê chính xác, song có tài liệu cho rằng hơn một nửa trong số sinh viên “xếp bút nghiên ra trận” đã hy sinh trên các chiến trường. Số còn lại, nhiều người mang thương tật hoặc di chứng của chiến tranh, sau khi thống nhất đất nước đã trở lại giảng đường đại học tiếp tục học tập, ra trường phục vụ công cuộc tái thiết đất nước. Thế nhưng, không phải ai cũng có được may mắn như vậy.
Trong số hàng trăm cựu chiến binh sinh viên tham gia buổi gặp mặt, tôi thực sự xúc động khi trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Hoàn, cựu sinh viên Trường Đại học Giao thông - Vận tải. Nhập ngũ tháng 5/1970, ông Hoàn tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và bị thương vào tháng 12 năm đó trong một lần làm nhiệm vụ nối lại đường dây thông tin bị trúng mìn của quân Mỹ. Với tỷ lệ thương tật đến 81%, ông Hoàn không thể tiếp tục việc học hành và quyết định trở về quê ở thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên lập gia đình.
Dù cuộc sống dựa vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi một chân đã gửi lại chiến trường, song ông Hoàn luôn quyết tâm cho các con học hành “đến nơi đến chốn”. Ông Hoàn bày tỏ: “Ở cái tuổi gần đất xa trời, không biết còn được gặp lại đồng đội bao nhiêu lần nữa, nên dù xa xôi mấy tôi cũng cố gắng đến đây. Chỉ cần gặp nhau, nhìn thấy nhau là mừng rồi. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các thương, bệnh binh, nên tôi không có ước nguyện gì hơn là các đồng đội khỏe mạnh, sống an vui tuổi già bên gia đình”.
Trở về với cuộc sống đời thường sau bao năm phục vụ quân đội, nhưng Thượng tá Trần Văn Xuân vẫn trăn trở: "Đối với những đồng đội đã hy sinh, sau ngày hòa bình, tôi cũng đã đến gặp các gia đình và thông báo. Song, vì thời gian quá lâu, nên chúng tôi chưa thực hiện được ước nguyện của một số thân nhân và gia đình liệt sĩ là quy tập cất bốc hài cốt đồng đội về quê hương. Bản thân may mắn hơn nhiều đồng đội khác, nên tôi sẽ cố gắng tri ân đồng đội, tri ân cuộc đời".
Các đại biểu và cựu chiến binh sinh viên dự cuộc gặp mặt vô cùng xúc động khi ông Nguyễn Hữu Mão - cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức phát biểu nhấn mạnh: “Sinh thời, cố nhà giáo Hoàng Xuân Tùy - nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - từng đề cập đến việc Nhà nước cần có một hình thức động viên, khen thưởng nào đó đối với lớp sinh viên “xếp bút nghiên ra trận”. Ông cũng hy vọng các trường có thể tổng hợp danh sách sinh viên ra trận qua các năm và số liệt sỹ đã hy sinh… Thế nhưng, nửa thế kỷ trôi qua mà ước nguyện rất nhân văn đó, ở nhiều trường đại học, vẫn chưa làm được”. Đó cũng là ước nguyện và nỗi canh cánh trong lòng của nhiều cựu chiến binh sinh viên “xếp bút nghiên ra trận” còn sống hôm nay!
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hình thành thế hệ nông dân mới, dám nghĩ, dám làm
Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Hà Nội. Để đạt được mục tiêu này, rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, tạo sức bật cho nông dân dám nghĩ, dám làm. Dù khó là vậy nhưng huyện Đan Phượng đã làm được bởi có những cách làm hay, tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. |
Hà Nội: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất huyện Mê Linh đến năm 2030
Quy định về ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng từ 25/12/2024
Bảng giá đất cũ được áp dụng đến hết 31/12/2025
Phản biện Dự thảo Nghị quyết quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án về tham nhũng, tiêu cực
Quận Hoàn Kiếm: Khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục Thủ đô
Tin khác
Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu
Gương sáng 10/11/2024 20:28
Tiếp thêm niềm tin cho người khuyết tật
Gương sáng 08/11/2024 18:25
Thầy hiệu trưởng tâm huyết, sáng tạo
Gương sáng 06/11/2024 19:04
Bí thư chi bộ hết mình với công việc
Gương sáng 06/11/2024 16:12
Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Gương sáng 03/11/2024 09:10
Bác sĩ trẻ tâm huyết, sáng tạo vì sứ mệnh cứu người
Gương sáng 02/11/2024 13:11
Nữ nông dân khởi nghiệp thành công từ nuôi bò sữa
Gương sáng 30/10/2024 14:39
Nghệ nhân tuổi 75 "vượt bão" giữ nghề đúc đồng truyền thống
Gương sáng 30/10/2024 12:24
Chủ tịch Công đoàn cơ sở luôn hết lòng vì người lao động
Gương sáng 28/10/2024 06:05
Nâng cao hiệu quả sản xuất từ sáng kiến cải tiến tự động hóa
Gương sáng 23/10/2024 06:05