Lấp khoảng trống pháp lý để xử lý nợ bảo hiểm hiệu quả
Hà Nội: Liên ngành vào cuộc quyết liệt xử lý nợ bảo hiểm xã hội Quyết liệt tập trung kiểm tra, xử lý |
Người lao động “thiệt đơn, thiệt kép”
Mới đây, chị Đinh Phương Thảo đã gửi thư đề nghị BHXH quận Cầu Giấy và BHXH thành phố Hà Nội giúp đỡ về việc Hội sở Anh ngữ Apax English (địa chỉ ở Tầng 10, số 14 Láng Hạ) nơi chị làm việc không đóng, chốt sổ BHXH và thanh toán thai sản cho chị.
Theo trình bày của chị Thảo: Chị bắt đầu làm việc tại Apax Thái Nguyên từ ngày 18/12/2018. Trong quá trình công tác, chị luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và thực hiện đúng và đủ các quy định của công ty, tham gia bảo hiểm theo đúng quy định. Sau đó, trong khoảng thời gian từ 1/4/2020 - 30/9/2020, chị nghỉ thai sản và quay trở lại tiếp tục làm việc vào ngày 1/10/2020 và ký tiếp hợp đồng lao động không thời hạn vào tháng 12/2020.
LĐLĐ huyện Đông Anh phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn huyện kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, BHXH tại doanh nghiệp. Ảnh: Mai Quý |
Nhưng trong thời gian từ cuối năm 2019, chị Thảo phát hiện Công ty vẫn trừ tiền đóng BHXH vào mỗi kỳ lương, nhưng không đóng BHXH với Cơ quan BHXH. Ngay cả số tiền thai sản, công ty cũng giữ và trả theo những đợt cách rất xa nhau và đến giờ đã 2 năm Công ty vẫn chưa thanh toán xong. Ngày 15/6/2021, chị Thảo đã xin nghỉ việc theo đúng thủ tục và quy định công ty, nhưng đến nay đã hơn 1 năm, chị Thảo vẫn chưa nhận đủ được hết tiền thai sản và sổ BHXH.
Trước phản ánh của người lao động, BHXH thành phố Hà Nội cho biết, đã nhận được phản ánh qua email của chị Đinh Phương Thảo - nguyên là người lao động của Hội sở Anh ngữ Apax English (địa chỉ Tầng 10, số 14 Láng Hạ). Tuy nhiên, qua tra cứu thông tin mà người lao động cung cấp, thì hiện tại Công ty cổ phần Anh ngữ Apax mới đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đến hết tháng 12/2019; từ tháng 1/2020 đến nay, Công ty chưa đóng BHXH cho người lao động. Tháng 4/2020, người lao động mới nghỉ chế độ thai sản và đề nghị thanh toán cho thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản từ tháng 4/2020 - 9/2020.
Tuy nhiên, Căn cứ Điểm 1.2, Khoản 72, Điều 1, Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thì “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt Hợp đồng lao động, Hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động”.
Do vậy, để giải quyết bất đồng với Công ty về BHXH, BHXH thành phố Hà Nội khuyến nghị người lao động có thể thực hiện khiếu nại lần đầu đến người sử dụng lao động, hoặc khởi kiện tại Tòa án để được xem xét, giải quyết theo quy định tại Điều 118 và Điều 119 Luật BHXH năm 2014.
Cũng nằm trong tình trạng bị ảnh hưởng đến chế độ, quyền lợi do doanh nghiệp “chây ì” nợ BHXH, mới đây một số lao động tại Công ty cổ phần Khóa Minh Khai (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội - thuộc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng) đã tìm đến các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện, thành phố và báo chí để cầu cứu sự giúp đỡ.
Theo báo cáo của BHXH huyện Thanh Trì, Công ty cổ phần Khóa Minh Khai nợ đóng bảo hiểm từ tháng 4/2014. Tính đến ngày 30/6/2022, công ty này đã chậm đóng số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng, trong đó tiền gốc hơn 7 tỷ đồng và tiền lãi chậm đóng là hơn 5 tỷ đồng. Đáng chú ý, tính đến ngày 30/6/2022, có 27 lao động của công ty đã nghỉ việc nhưng chưa được chốt sổ BHXH. Để nợ số tiền lớn, thời gian lâu như vậy, mặc dù đã 2 lần bị thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử phạt, song công ty vẫn cố tình chây ì.
BHXH thành phố Hà Nội cho biết: 7 tháng đầu năm, trên địa bàn Thành phố có 75.866 đơn vị, doanh nghiệp nợ với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT tính đến nay là 4.905,5 tỷ đồng, chiếm 8,68% tổng số phải thu, tăng 142,5 tỷ đồng, tăng 2,99% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nợ BHXH phải tính lãi là 1.822,7 tỷ đồng, tăng 215,3 tỷ đồng so năm 2021.
Theo BHXH Thành phố, xét theo thời gian để nợ đọng tiền BHXH: Doanh nghiệp nợ từ 1 tháng trở xuống: 689,2 tỷ đồng (chiếm 14,05% tổng nợ); nợ từ 1 đến dưới 3 tháng: 250,8 tỷ đồng (chiếm 5,11% tổng nợ); nợ từ 3 đến dưới 6 tháng: 402,3 tỷ đồng (chiếm 8,20% tổng nợ); nợ từ 6 đến dưới 12 tháng: 278,7 tỷ đồng (chiếm 5,68% tổng nợ); nợ từ 12 tháng trở lên: 1.872,7 tỷ đồng (chiếm 38,18% tổng nợ).
Phân tích tổng nợ theo khối, loại hình doanh nghiệp: Khối doanh nghiệp Nhà nước: 372,8 tỷ đồng; khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh: 4.151,7 tỷ đồng; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 194,5 tỷ đồng; khối hành chính sự nghiệp: 86,3 tỷ đồng; khối ngoài công lập, khối hợp tác xã: 100,2 tỷ đồng. BHXH thành phố Hà Nội cũng cho biết, hiện đang theo dõi 12.110 đơn vị bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản với số nợ BHXH là 1.366,8 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 27,9% so với tổng số nợ BHXH).
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH tăng cao trong 7 tháng đầu năm, BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Một số các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn có không ít doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng BHXH và không chấp hành các Quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra về pháp luật BHXH, BHYT.
Mức xử phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe
Liên quan tới việc Công ty cổ phần Khóa Minh Khai nợ đọng BHXH kéo dài, BHXH huyện Thanh Trì cho biết, năm 2019, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xuống làm việc và xử phạt về việc nợ đọng BHXH đối với công ty. Gần đây nhất, tháng 6/2022, Thanh tra Bộ cũng ra quyết định xử phạt 150 triệu đồng với hành vi vi phạm hành chính chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN đối với Công ty theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 39 Nghị định số 12 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành tuyên truyền về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN tới người lao động trên địa bàn. |
Nhận định về thực trạng chây ì, nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN kéo dài của các danh nghiệp, đơn vị thời gian qua, ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội cho rằng: Qua thực tiễn đi kiểm tra các doanh nghiệp và nắm bắt từ Công đoàn cơ sở cho thấy, thời gian qua nổi lên một số thủ đoạn phổ biến trong lĩnh vực BHXH, đó là: Lợi dụng cơ chế, chính sách BHXH còn kẽ hở; chế tài xử lý nợ chậm đóng BHXH cho người lao động chưa nghiêm nên doanh nghiệp cố tình chây ì trốn đóng hoặc chiếm dụng BHXH của người lao động.
“Những năm qua, do quy định mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH và mức phạt tối đa đối với hành vi chậm đóng BHXH còn thấp. Cụ thể: Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 và Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng các quy định này chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Doanh nghiệp sử dụng số tiền đó để đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh và chấp nhận nộp phạt vì tổng số tiền phải nộp phạt và lãi chậm đóng BHXH thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng”, ông Hùng dẫn chứng.
Cũng theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, thủ đoạn khá phổ biến của các doanh nghiệp là: Người sử dụng lao động lách luật bằng cách hợp đồng miệng hoặc ký liên tiếp chuỗi hợp đồng theo thời vụ hoặc chuỗi hợp đồng lao động có thời hạn 1 tháng hoặc kéo dài thời gian thử việc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đóng mức BHXH thấp hơn mức quy định, doanh nghiệp lập và sử dụng hai hệ thống sổ lương khác nhau - một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động, một hệ thống lương khác dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH (mức lương này chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút).
“Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản tiền BHXH mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH”, ông Hùng nêu thực tế.
Để Công đoàn đủ điều kiện khởi kiện ra tòa
Có thể thấy, tình trạng nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm của các đơn vị sử dụng lao động đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi người lao động. Việc này còn ảnh hưởng không tốt đối với dư luận xã hội về chính sách BHXH và tính nghiêm minh của pháp luật.
Thời gian qua, tổ chức Công đoàn - với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để đoàn viên, người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi của mình. Đặc biệt, các cấp Công đoàn đã chủ động vào cuộc trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, tuy nhiên, hiện công tác này còn gặp nhiều vướng mắc.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết: Điều 14 Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định: Tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Tuy nhiên, sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện đang khiến cho việc khởi kiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc...
Cụ thể, thực hiện Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong các năm qua, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai thực hiện Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30/6/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể.
Tính đến thời điểm này, tổ chức Công đoàn đã nhận được 592 hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền nợ 475,6 tỷ đồng và có 175 hồ sơ Công đoàn khởi kiện đã được chuyển sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý; qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức Công đoàn đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp tự giác nộp số tiền trên 108 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, số được thụ lý và khởi kiện không đáng kể. Phần còn lại chưa thực hiện bởi những vướng mắc về mặt pháp lý.
Theo ông Hùng, những khó khăn, vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiện chịu chi phối của 4 bộ Luật hiện hành, gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên Tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý. Cụ thể, có luật thì quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động. Trong khi đó, có những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động. Do đó, khi Công đoàn tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ, nhưng nhiều nơi Tòa án từ chối thụ lý vụ án.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT thành phố Hà Nội mới đây, đề cập đến những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực BHXH, nổi cộm là nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật về BHXH, chưa tham gia BHXH hoặc tham gia BHXH nhưng không đầy đủ cho người lao động, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT Thành phố đề nghị: BHXH Thành phố thường xuyên phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố, LĐLĐ Thành phố, Cục Thuế Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015.
Công an Thành phố cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều tra, xác minh, khởi tố đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT do cơ quan BHXH chuyển hồ sơ; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử án điểm để răn đe, ngăn chặn đối với những doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Nhấn mạnh việc thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thành phố phát triển, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các biện pháp, giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố giao, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động trên địa bàn Thủ đô./.
Tính đến hết tháng 7/2022, BHXH thành phố Hà Nội đã phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn Thành phố thực hiện 3.776 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Kết quả, sau thanh tra, kiểm tra: Số tiền các đơn vị đã nộp vào tài khoản thu của cơ quan BHXH để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN là 305,6 tỷ đồng (đạt 84,4%). Đoàn đã yêu cầu đóng và truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 167 lao động chưa đóng BHXH, đóng thiếu thời gian với số tiền đề nghị truy đóng là 3,04 tỷ đồng và 45 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền là 126,3 triệu đồng; đề nghị thoái thu BHXH, BHTN đối với 6 lao động đóng sai đối tượng, đóng thừa thời gian với số tiền đề nghị thoái thu là 184,14 triệu đồng; yêu cầu trả sổ BHXH cho 93 lao động. Cũng qua thanh, kiểm tra, đã phát hiện 97 lượt người hưởng chế độ BHXH ngắn hạn sai quy định với số tiền phải thu hồi về Quỹ BHXH là 99,9 triệu đồng; yêu cầu thu hồi 185.570.088 đồng về Quỹ BHYT do các cơ sở khám chữa bệnh BHYT chi sai quy định; từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định là 560.904.668 đồng (số liệu của 4/11 cơ sở khám chữa bệnh đã có kết luận kiểm tra). Về xử phạt vi phạm hành chính, BHXH Thành phố đã xử phạt, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực BHXH, BHTN đối với 38 đơn vị chây ì nợ tiền BHXH, BHTN, đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định với tổng số tiền là 5.274.017.889 đồng. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Giá xăng dầu hôm nay (24/11): Giá dầu thế giới tuần bật tăng gần 6%
Giá vàng hôm nay 24/11: Vàng nhẫn tiếp đà tăng, tiến sát mốc 87 triệu đồng/lượng
Hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế và các sàn thương mại điện tử
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/11: Đêm và sáng trời lạnh
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Tin khác
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 16:31
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 12:19
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Trao hỗ trợ Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên huyện Ứng Hòa
Vì lợi ích đoàn viên 18/11/2024 21:04
LĐLĐ quận Ba Đình: Phối hợp để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động
Công đoàn 18/11/2024 19:38
Công ty CP Công trình Giao thông Hà Nội: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ
Vì lợi ích đoàn viên 16/11/2024 10:15
Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi là con đoàn viên, người lao động bị tử vong do bão số 3
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 16:09
Giám sát nâng cao chất lượng hoạt động nữ công tại Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 15:46
Mang Tết đủ đầy đến người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 14/11/2024 13:57
Giám sát chuyên đề Nữ công tại Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 13/11/2024 17:06