Lấy trục sông Hồng làm trung tâm phát triển là điểm nhấn quan trọng
Khai mạc kỳ họp 15 HĐND Thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 HĐND thành phố Hà Nội xem xét bổ sung biên chế viên chức ngành giáo dục |
Sáng 29/3, tại Kỳ họp 15, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông
Tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022. Thời gian qua, UBND Thành phố đã triển khai các nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô.
Cơ quan lập Quy hoạch đã tổ chức lựa chọn Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô là các cơ quan nghiên cứu, trường đại học hàng đầu trong cả nước ở nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó, Trường Đại học Kinh tế quốc dân là đơn vị đứng đầu liên danh. Thành phố đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm, trao đổi, thống nhất các nội dung với các tỉnh, thành phố và cơ quan tư vấn lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng để cập nhật các nội dung hợp tác vùng vào Quy hoạch Thủ đô, đảm bảo tính thứ bậc trong Quy hoạch theo quy định, nhất là việc khớp nối hạ tầng giao thông; đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành lân cận, các sở, ban, ngành, quận, huyện thị xã và cộng đồng dân cư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày tờ trình tại Kỳ họp. |
Căn cứ quy định của pháp luật về quy hoạch và căn cứ yêu cầu thực tiễn triển khai việc trình xin ý kiến các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, thông qua Quy hoạch Thủ đô cần tiến hành khẩn trương, thực hiện đồng thời các bước cùng với quá trình bổ sung, hoàn thiện nội dung Quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải thông tin, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình hồ sơ Quy hoạch để Thành ủy báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị vào thời gian đầu tháng 4/2024. Tiếp đó, UBND Thành phố hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Theo Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để cụ thể hóa Nghị quyết số 15, cũng như các nghị quyết mang tính chiến lược với mục tiêu mơ xa, nghĩ lớn, khát vọng vươn lên, tầm nhìn chiến lược, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt, kết quả thực chất, phục vụ nhân dân.
Quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước; là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc, là một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm đi đầu cả nước về giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc tế; là trung tâm y tế hàng đầu cả nước, có chuyên khoa đạt đẳng cấp quốc tế; là thành phố thanh bình, có sức hấp dẫn cao, con người hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình; là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.
Toàn cảnh Kỳ họp 15, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI. |
Quy hoạch cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng; Thủ đô có 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế; tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực; phát triển hạ tầng giao thông kết nối 4 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng.
Quy hoạch nhấn mạnh, sông Hồng là trục xanh cảnh quan văn hóa, du lịch, dịch vụ trung tâm Thành phố. Phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây chính là động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới mà trong quy hoạch cũng đã xác định rõ, với mô hình phát triển thành phố hai bên sông. Phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng cân đối đô thị phía Nam: Xây dựng trung tâm hành chính mới và trung tâm thể thao quốc gia, trung tâm vui chơi giải trí ở khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng, xây dựng trục đô thị Nhật Tân – Nội Bài là đô thị thông minh – kết nối toàn cầu…
Trong định hướng phát triển không gian đô thị, sẽ phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm động lực phát triển quốc gia. Phát triển các cơ sở hạ tầng mới tại các khu vực đô thị mở rộng, đặc biệt là khu vực phía Bắc sông Hồng thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Kết nối không gian vùng đô thị lớn hiện đại, sinh thái, năng động theo cấu trúc vành đai và trục hướng tâm. Các khu vực phát triển đô thị tập trung theo mô hình TOD được định hướng theo các nhà ga và trục đường sắt đô thị…
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu quận Hoàng Mai) góp ý Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội.
Hệ thống giao thông đường sắt đô thị cần đi trước một bước
Tại Kỳ họp, cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (tổ đại biểu huyện Thường Tín) bày tỏ đồng tình cao với tờ trình của UBND Thành phố và kỳ vọng tương lai tươi sáng Thủ đô theo Quy hoạch. Đại biểu nhất trí cao với không gian phát triển, trục động lực, không gian phát triển đã nêu, trong đó, việc lấy sông Hồng là trung tâm phát triển, gắn với lịch sử văn hóa Thủ đô là điểm nhấn quan trọng.
Do đó, với mục tiêu lấy sông Hồng là trung tâm phát triển thì phải quan tâm quy đến quy hoạch tuyến đường ven sông, kết nối với các cây cầu và lan ra các tuyến đường theo 5 trục động lực; để giảm ùn tắc nội đô cần nghiên cứu xây dựng các tuyến đường bộ theo hình ô bàn cờ…
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh cũng cho rằng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần làm rõ thêm hệ thống giao thông vận tải, đường sắt đô thị cần đi trước một bước, là yếu tố lớn trong việc giảm ùn tắc giao thông tại nội đô.
92,55% đại biểu có mặt tán thành thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Về môi trường, đại biểu Nguyễn Tiến Minh chia sẻ, Hà Nội đang có nhiều dòng sông cổ có ý nghĩa lịch sử quan trọng, nhưng lại đang ô nhiễm nghiêm trọng, dần trở thành những dòng sông chết. Đại biểu cho rằng, việc làm sống lại các con sông là nhiệm vụ hàng đầu. Trên cơ sở đó, phải làm tốt công tác quy hoạch, phấn đấu đến năm 2045 không được xả thải trực tiếp vào các con sông này, mà phải qua hệ thống cống ngầm ở hai bên. Đại biểu cũng cho rằng, Thành phố cũng nên nghiên cứu kỹ quy hoạch về mô hình đê trong đê, thành phố trong Thủ đô bởi đây là những mô hình còn mới.
Cũng góp ý về đường sắt đô thị, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu quận Hoàng Mai) nhấn mạnh, Hà Nội muốn giải quyết ùn tắc giao thông thì đường sắt đô thị là cốt yếu. Đại biểu nêu rõ, gần 20 năm, Hà Nội mới cơ bản hoàn thiện tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sắp tới là 1 phần tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, và theo quy hoạch còn 10 tuyến đường nữa. Với mục tiêu để đường sắt đô thị gánh 30 - 35% lưu lượng phương tiện, thì thành phố Hà Nội phải xác định được vấn đề vốn cho đường sắt đô thị sẽ như thế nào? Đại biểu cho ý kiến sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua thì Hà Nội phải có đột phá về huy động vốn đề dồn nguồn lực cho đường sắt đô thị.
Nói về giao thông đường thủy, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, Hà Nội có các con sông nội đô, nhưng việc tận dụng hệ sống đường sông phụ trợ cho đường bộ lại chưa được quan tâm. Do đó, Hà Nội cần chú trọng phát triển hệ thống đường sông trở thành huyết mạch giao thông quan trọng, giảm tải cho đường bộ và mở rộng khả năng liên kết liên vùng.
Liên quan đến ô nhiễm không khí bắt nguồn từ giao thông, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho hay, một số thành phố trên thế giới đã tiến đến sử dụng các phương tiện xanh, giảm khí thải, Hà Nội cũng cần cấp phép cho phương tiện xanh, có chính sách hỗ trợ giao thông xanh về vốn tín dụng, lãi suất, phát triển hệ thống xe bus điện…
Nhấn mạnh Quy hoạch có vai trò rất lớn trong định hướng phát triển Thủ đô và nội dung triển khai công việc nhiều, đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu có cơ quan giám sát thực hiện quy hoạch.
Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh. |
Đại biểu Đường Hoài Nam (tổ đại biểu quận Long Biên), tâm đắc với bản quy hoạch và mong chờ bản quy hoạch sớm được phê duyệt. Bản quy hoạch đã được thông qua nhiều vòng, kỹ lưỡng, phù hợp với Nghị quyết 15; đặc biệt có thuận lợi quan trọng về niên độ quy hoạch 2021 - 2030, phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng, do đó, là cơ sở rất quan trọng để cấp ủy phát triển các nhiệm vụ kinh tế, xã hội trong nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nam, đây cũng là khó khăn thách thức, bởi lẽ thời gian từ nay tới năm 2030 chỉ còn 6 năm. Thời gian đó, hy vọng Thành phố sẽ thể hiện được những nét chấm phá quan trọng.
Do đó, điều kiện đầu tiên và hết sức quan trọng là Thành phố cần thiết có sự ưu tiên hoàn thiện thể chế. Trong đó chú trọng mô hình quản trị, loại hình đô thị, thành phố trực thuộc Thủ đô. Thứ 2 là mối quan hệ phân cấp, phân quyền với bố trí nguồn lực đồng bộ, kịp thời; việc phân cấp nhiệm vụ phải đồng bộ với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi.
Một ưu tiên nữa theo đại biểu Nam đối với Hà Nội là vấn đề giao thông và môi trường. Đây là các vấn đề cấp bách và lâu dài, cần ưu tiên hàng đầu.
Đối với không gian trục sông Hồng trong quy hoạch, là đại biểu của quận Long Biên, ông hết sức tâm đắc và đề nghị Thành phố tính đến việc kết nối không gian cảnh quan xanh của sông Đuống. Nội hàm là phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan Long Biên. Bên cạnh đó, đây cũng là trục cảnh quan tự nhiên gắn với sự hình thành, phát triển quận Long Biên.
Nội dung này rất khó khăn, cần ưu tiên phát triển trước tuyến giao thông tiếp cận gồm các tuyến giao thông dọc bờ sông, các cây cầu qua sông và đường thủy. Qua đó tạo bước phát triển tiếp theo.
Thành phố cũng cần sớm xác định những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc Sông Hồng để các cơ quan địa phương có hướng phát triển. Cuối cùng, để thúc đẩy các quy hoạch, Thành phố cần có chính sách huy động vốn, sử dụng nhà đầu tư và cơ chế thông thoáng hơn trong giải phóng mặt bằng
Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND Thành phố cũng bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Ban Đô thị cũng nêu một số vấn đề cụ thể cần quan tâm trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề: Thiếu thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông công cộng chậm phát triển, nhất là đường sắt đô thị... Ban Đô thị cũng cho rằng, cần nhấn mạnh hơn nữa quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội dựa trên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Bổ sung quan điểm phát triển Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa - di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại; xã hội số - đô thị thông minh; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực. Về không gian, Ban Đô thị HĐND Thành phố thống nhất với 5 không gian ưu tiên phát triển. Lưu ý làm rõ thêm phân bố trục không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực... Đối với các khâu đột phá, cần nhấn mạnh hơn về đột phá về hạ tầng giao thông, công trình ngầm, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, kết hợp triển khai có hiệu quả việc di chuyển trụ sở làm việc của bộ, ngành, bệnh viện, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường… ra khỏi khu vực nội đô, khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông. Đưa ra giải pháp đột phá để thu hút nguồn lực cho phát triển hệ thống đường sắt đô thị... |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
UDIC đoạt Danh hiệu TOP 20 Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2024
Xử lý tình trạng tụ tập gây mất an ninh trên các cầu vượt đi bộ
Chủ tịch Quốc hội: Kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả với kiến tạo phát triển
Nhà hát Múa rối Thăng Long đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Giá xăng dầu ngày 26/12, có thể giảm gần 400 đồng/lít
Khẩn trương triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV
Dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh
Tin khác
Quận Bắc Từ Liêm tổng kết công tác mặt trận năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 25/12/2024 11:54
Không khí Giáng sinh rộn ràng tại Nhà thờ Lớn Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/12/2024 22:11
Doanh nghiệp cần hỗ trợ trong chuyển đổi “xanh”
Nhịp sống Thủ đô 24/12/2024 08:08
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Thủ đô 23/12/2024 17:27
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42